Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng

Chiều 22/1, tại buổi họp báo trước Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã trả lời báo chí những điểm mới về xây dựng Đảng trong Dự thảo Văn kiện. 

Theo ông Thắng, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII đã nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng. Trong đó nhấn mạnh, công tác cán bộ là then chốt, gắn với đó là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thực tế vừa qua, công tác xây dựng Đảng tiếp tục được nhấn mạnh toàn diện về mọi mặt, cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. 

Công tác xây dựng Đảng gắn với công tác phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, công tác dân vận. “Nói tóm lại, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đó là điểm mới của Đại hội này”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trả lời cụ thể hơn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ tới, theo ông Thắng, trong Dự thảo Văn kiện nêu rõ: Đảng đã lãnh đạo chỉ đạo toàn diện, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Thực tế đã chứng minh, đây là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, sắp tới chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn nữa. 

Bản lĩnh của con người Việt Nam chính là sức mạnh

Về chủ đề Đại hội, theo ông Thắng, từ Đại hội X đến nay thường có 5 thành tố: Đảng, dân tộc, phương châm, định hướng, chủ trương phát triển và mục tiêu.

“Cùng với phòng chống tham nhũng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được tiếp tục để mang lại môi trường thuận lợi để chúng ta có thể huy động các nguồn lực cho sự phát triển”, ông Thắng chia sẻ.

Về thành tố đoàn kết và dân tộc, lần này nhấn mạnh đến yêu cầu khơi dậy khát vọng phát triển của toàn dân tộc, gắn với sức mạnh của thời đại. 

“Truyền thống yêu nước chính là sức mạnh. Văn hoá chính là sức mạnh. Bản lĩnh của con người Việt Nam chính là sức mạnh. Việc chiến thắng COVID-19 vừa rồi chính là một minh chứng dễ thấy nhất. 

Chúng ta cũng phải thích ứng được với những thay đổi của quốc tế và khu vực, phải dựa trên những chuẩn mực để có thể khai thác cả nguồn lực trong và ngoài nước”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay.

Còn về định hướng, phương châm, theo ông Thắng, quan điểm xuyên suốt là phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không được dừng lại. 

Bên cạnh đó, vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc, kiên định với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng, bảo vệ sự nghiệp của chúng ta.

“Việt Nam không có lý do gì lại không thể lập nên những kỳ tích”

“Mục tiêu của chúng ta hướng tới lần này rất rõ. Chúng ta có tầm nhìn xa hơn, tới mốc 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Đi trên con đường đó có những lộ trình rất cụ thể”, ông Thắng cho hay. 

Cụ thể, trong 5 năm tới, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp... Tương tự, trong 10 năm tới, khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta ở mức đang phát triển, thu nhập trung bình cao theo chuẩn mực quốc tế. 

Theo ông Thắng, đây không phải là chuẩn mực duy nhất đánh giá trình độ của một quốc gia, đó chỉ là chỉ tiêu thu nhập mang tính bao quát để chúng ta có cách nhìn nhận, so sánh, định vị Việt Nam với thế giới. Đó là cách Việt Nam đã đặt mình, định vị mình trong một thế giới, để xác định mình ở đâu, mức nào để nỗ lực phấn đấu, để thực hiện việc phát triển đất nước.

“Việt Nam không có lý do gì lại không thể lập nên những kỳ tích kiểu “thần kỳ Nhật Bản”, “kỳ tích sông Hàn”… được. Trong lời hiệu triệu của Văn kiện nêu rõ: Với nỗ lực, quyết tâm của chúng ta hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích phát triển mới cho Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh. 

Hương Giang