Ví như cơ quan đang làm việc, không có máy phát dự phòng mà bị mất điện coi như nghỉ làm, vì toàn bộ hệ thống máy tính, liên lạc bị đứt đoạn. Tại thành phố đông đúc, đắt đỏ, văn phòng làm việc chật hẹp, nóng bức phải có máy lạnh, quạt, máy hút ẩm mới làm việc được. Trong đời sống sinh hoạt, mất điện một ngày liên quan đến toàn bộ đồ dúng sinh hoạt như bếp từ, tủ lạnh, máy giặt, máy bơm cấp nước sinh hoạt, và đặc biệt một bộ phận nghiện zalo, facebook ngẩn ngơ vì mất điện làm ngừng internet hoặc cạn pin điện thoại.

Từ ngày 4/5/2023, ngành Điện tăng 3% để bù lỗ, cân bằng chi phí. Các ý kiến cho rằng 3% không gây sốc với nhiều người. Điều này có thể đúng với những hộ có mức thu nhập trung bình khá trở lên. Ở góc độ khác với đại bộ phận người dân lao động, với mức lương ít ỏi tăng ít hay nhiều đều khiến họ thắt lưng buộc bụng. Nhiều người lao động sống trong những khu tồi tàn, chật hẹp vào mùa hè nóng bức, vẫn phải dùng điện, cho dù tăng giá. Các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phụ thuộc vào điện, chi phí đầu vào tăng theo.

Như vậy điện có tăng thấp hay nhiều thì việc sử dụng của người dân và doanh nghiệp hầu như không thay đổi để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của họ. Trong đó nhóm thu nhập trung bình thấp chịu thiệt nhất.

Khi ngành Điện tăng giá, chất lượng dịch vụ và nguồn cung có đảm bảo cho người dân nhất là những đợt nắng nóng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7? Trên thực tế điều này phụ thuộc nhiều vào thời tiết hơn là sự chủ quan của ngành Điện.

Theo thông tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì từ tháng 4 trở lại đây nhiều hồ thuỷ điện đang vơi dần nguồn nước về mức thấp nhất cho đến nay. Các thuỷ điện lớn như Lai Châu, Trị An Ialy… đều nguy cơ về mức nước chết. Sản lượng còn lại trong tổng 10 hồ toàn hệ thống của EVN còn khoảng 4,5 tỷ kwh, thấp hơn 1,6 tỷ so với kế hoạch và thấp hơn 4,1 tỷ so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân của tình trạng là do biến đổi khí hậu, trái đất đang nóng lên, nắng hạn, không có mưa, làm suy cạn nguồn nước phát điện. Việc này cho thấy một vấn đề sâu xa hơn là con người đang phải gánh chịu những hệ quả của quá trình hiện đại hoá và ứng xử thiếu bền vững với môi trường do chính con người gây ra.

Trong tình huống hứa hẹn một mùa hè nóng bức kéo dài và đồng thời với nó là sự khan hiếm năng lượng điện sinh hoạt, các ngành chức năng và người dân chỉ còn cách truyền thông nâng cao ý thức tránh nhiệm cá nhân và cộng đồng để tiết kiệm điện.

Dù vậy không phải ai cũng nhận thức rõ điều này. Dễ thấy trong cuộc sống vẫn còn việc lãng phí nguồn năng lượng điện. Ví như ở một vài cơ quan mới sáng sớm mà các điều hoà đã chạy hết công suất ở 18 độ C, vì nghĩ rằng đó là “tiền chùa”. Hay các đèn chiếu sáng công cộng ở một số khu đô thị, bật quá sớm và tắt quá muộn, đôi khi phát sáng vô tội vạ, không cần thiết.

Giống như nước, than, cát, đá, điện không phải là thứ tài nguyên vô tận. Tiết kiệm điện trong sinh hoạt không chỉ để giảm chi phí kinh tế cho mình, mà còn là để dành nguồn năng lượng đó cho những người khác.

Ngô Quốc Đông