Vấn đề cần bàn ở đây, là thời gian qua đã liên tiếp xảy ra các vụ người lớn dùng bạo lực với trẻ em dẫn đến chết người. Tình trạng đó rất đáng báo động, do vậy đã đến lúc cần phải xem lại chính sách pháp luật bảo vệ trẻ em để điều chỉnh lại cho hiệu quả hơn.

Thực ra tình trạng đó còn phản ánh một đặc điểm chung của cách ứng xử vẫn còn đậm nét của người lớn với trẻ em ở nước ta là: Bảo ban trẻ em bằng bạo lực.

Thật vậy, chỉ cần ngó nghiêng các nhà xung quanh, chúng ta sẽ thấy rất nhiều hiện tượng hàng ngày cha mẹ, ông bà quát mắng, đánh chửi con cháu. Nhà thì mắng chửi đánh con cháu như cơm bữa, nhà thì thỉnh thoảng lại 1 trận quát mắng con ầm ĩ cả hàng xóm. Hiếm nhà không đánh mắng chửi con bao giờ.

Có một điều lạ lùng là trong khi bất đồng người lớn chúng ta tranh cãi được với nhau đến khi ngã ngũ đúng sai thì thôi, thế nhưng khi bất đồng với trẻ em thì người lớn chúng ta lại lười tranh cãi cho ngã ngũ đúng sai với các em, mà lại ưa thích dùng bạo lực để nhằm cưỡng chế các em phải tuân theo đòi hỏi của chúng ta... cho nhanh. Thế cho nên chính vì tư tưởng ấy mà trẻ em ở ta thường hay bị người lớn dùng bạo lực ứng xử khi có bất đồng với các em.

Và hệ lụy của nếp ứng xử bạo lực với trẻ em ấy chính là những vụ làm chết trẻ em, khi trong cơn nóng giận người lớn đã đánh các em quá tay như chúng ta thấy vừa qua.

Trẻ em có một đặc điểm mà người lớn cần phải hết sức ghi nhớ và thận trọng là: Cơ thể các em còn hết sức non nớt, bấy, dễ dập nát, cho nên rất dễ bị tổn thương và dẫn đến nguy hiểm tính mạng khi bị người lớn dùng bạo lực.

Với sức vóc của người lớn hệ cơ xương nặng và cứng rắn gấp nhiều lần trẻ em, thì sức công phá của những đòn đánh thẳng cánh của người lớn với trẻ trong cơn nóng giận là rất lớn, rất dễ dẫn đến thương tích nặng cho trẻ và do đó rất dễ gây tử vong cho trẻ.

Có thể hình dung khi người lớn đánh trẻ em tương tự như khi cơ thể chúng ta bị người khổng lồ đánh đập vậy, cho nên rất nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn, khi người lớn chúng ta tát trẻ em một cái cũng giống như khi có người khổng lồ tát người lớn chúng ta một cái vậy, sức công phá vào cơ thể là rất mạnh, tiềm ẩn nguy hiểm tính mạng.

Và do đó rất cần phải có một sự răn đe mạnh mẽ ý nghĩ muốn dùng bạo lực với trẻ em của người lớn khi lên cơn nóng giận.

Như vậy vấn đề rút ra được là, cần phải có một rào cản ngăn chặn lại lối suy nghĩ của người lớn chúng ta thích bảo ban bằng bạo lực với trẻ em. Tức là, phải có một chế tài răn đe mạnh từ sớm khi người lớn chúng ta bắt đầu nổi nóng với các em khi gặp mâu thuẫn với các em. Để khi người lớn nổi nóng với các em và bắt đầu muốn dùng bạo lực với các em, sẽ bị vấp ngay phải sự răn đe mạnh của chế tài này mà chùn cơn nóng giận xuống, không còn muốn dùng bạo lực với các em nữa.

Để giải quyết vấn đề này, về mặt kỹ thuật lập pháp thì cần phải nâng cao hơn mức chế tài bảo vệ trẻ em với các điều luật về tội dùng bạo lực với trẻ em, so với chế tài dùng để bảo vệ người lớn.

Đó là, khi người lớn có hành vi dùng bạo lực với trẻ em, thấp nhất là quát mắng chửi nhiều lần thì cần chế tài nâng lên vào tội hành hạ trẻ em. Bởi thực ra, ở tuổi các em hệ thần kinh còn rất non nớt, sức chịu đựng sức ép căng thẳng với hệ thần kinh là kém hơn người lớn nhiều, cho nên những lời quát mắng chửi vốn dĩ người lớn chúng ta bị nghe cũng đã thấy ức chế, thì cũng đủ gây được sự tổn thương về tâm lý thần kinh của trẻ, do vậy dạng hành vi bạo lực này phải bị chế tài nghiêm khắc ngăn chặn ngay.

Với loại hành vi đánh đập trẻ em bằng tay chân, thấp nhất là chỉ gây sưng đỏ phần mềm, thì cần nâng lên mức chế tài vào tội cố ý gây thương tích. Bởi thực tế cơ thể trẻ em còn rất non bấy, cho nên với sức công phá của đòn đánh thẳng cánh trong lúc nóng giận của người lớn là rất lớn, giống như người lớn chúng ta bị người khổng lồ đánh bằng tay chân vậy, do đó các tế bào non bấy của trẻ rất dễ dập nát trước sức công phá của sức vóc người lớn như vậy. Do vậy mà khi người lớn đã đánh trẻ em thì nguy cơ gây thương tích là rất cao, gần như tuyệt đối.

Cho nên dù có đánh chỉ gây sưng tấy phần mềm cho trẻ, thì cũng cần đưa vào tội cố ý gây thương tích, là hợp lý, để ngăn chặn sớm diễn biến người lớn  đánh quá tay dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho trẻ.

Còn với loại hành vi đánh đập bằng tay chân hoặc đồ vật, thấp nhất là gây nên thương tích phải can thiệp bằng ngoại khoa, chẳng hạn như gãy xương... thì cần nâng lên mức chế tài vào tội giết người.

Bởi khi người lớn đã đánh đến mức gây dập nát một khu vực tế bào trên thân thể của trẻ, thì cơ thể non bấy của trẻ rất khó cầm cự được lâu, nguy cơ đánh trẻ tử vong là rất cao, cần phải ngăn chặn ngay diễn biến đánh trẻ đến mức quá sức chịu đựng của cơ thể trẻ còn rất non bấy. Do vậy phải răn đe ngay bằng chế tài tội giết người, để bảo vệ tính mạng của trẻ khỏi tình trạng đang bị đe dọa.

Như vậy khái quát chung lại, là với đặc thù trẻ em cơ thể còn rất non nớt, nguy cơ tổn thương cao hơn người lớn nhiều và khả năng tính mạng bị đe dọa hơn nhiều người lớn khi bị bạo lực, nên trẻ em cần chế tài răn đe sớm hơn với các hành vi manh nha gây tổn thương cho trẻ và đe dọa tính mạng trẻ, chứ không thể dùng cùng mức chế tài bảo vệ người lớn lại cũng để bảo vệ trẻ em được.

Phạm Mạnh Hà