Bão di chuyển nhanh vào Biển Đông trong 24h tới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn  (KTTV) Quốc gia, Bão Kompasu tăng cấp trong chiều 11/10, dự báo tiếp tục mạnh thêm. Vào hồi 13h ngày 11/10, tâm bão Kompasu ở cách đảo Luzon của Philippines 110km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ, đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và mạnh thêm. Đến 13h ngày 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 117,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.

Trong 24 đến 48h tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 111 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72h tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ, đi được khoảng 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiêt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, đêm tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4-6m; biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều tỉnh, thành phố

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do ảnh hưởng kết hợp của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới với không khí lạnh tăng cường nên ngày hôm nay (11/10), ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 40-80mm, riêng Nam đồng bằng, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai và Thanh Hóa có nơi trên 100mm; ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm. Ngày mai (12/10) mưa lớn giảm nhanh ở những khu vực trên.

Khu vực Hà Nội, hôm nay (11/10), có mưa to, có nơi mưa rất to.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Cụ thể, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Nguy cơ ngập úng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần nên từ nay (11/10) đến ngày 13/10, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và tối).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới

Trước diễn biến của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão  Kompasu vào biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, ngày 11/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các lực lượng chức năng theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin sớm về mưa lũ sau bão số 7 và cơn bão Kompasu; xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản.

Tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch bệnh Covid-19; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.

Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

 

Thái Hải