Một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là về xử lý cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm. Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trong phiên làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 17/4.

Điều 84 dự thảo luật quy định; cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

Ủng hộ cần quy định trong luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng điều này thể hiện sự răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật.  Gắn với thực tiễn trong thời gian vừa qua chúng ta đã xử lý một số trường hợp cán bộ cấp cao có vi phạm, được người dân và xã hội đồng tình.

“Tuy nhiên, đằng sau đó có việc là nghỉ việc rồi, công việc đã bàn giao rồi, đã nhận huân chương theo niên hạn... nhưng thời gian dài sau lại xuất hiện vấn đề. Tôi nghĩ vấn đề này cần có giới hạn hồi tố trong thời gian nào thôi, như từ 3 năm hay 5 năm, đề nghị có cân nhắc” – ông Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình nói: “Tôi chưa hình dung được hết nhưng đồng ý cần có thời hạn. Đừng để lơ lửng rồi mang ra kỷ luật bất cứ lúc nào".

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì nhấn mạnh cần quy định cho rõ, nhất là về thời hiệu để tránh tâm lý về hưu nhưng tâm trạng vì không biết quá trình công tác có gì sai.  Nhiều người đang trông chờ luật này quy định như thế nào vì vừa qua mới chỉ là nghị quyết của Quốc hội, do đó cần thể hiển rõ.

Phân tích cụ thể hơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, với người đã nghỉ hưu, pháp luật hiện hành điều chỉnh về hình sự, hành chính, dân sự là không có vấn đề gì vì đều có quy định thời hiệu rất cụ thể. Tuy nhiên, kỷ luật lại là vấn đề khác, vừa mang tính pháp lý, chính trị.

“Đồng tình quan điểm về chủ trương xử lý cán bộ về hưu có vi phạm trong thời gian công tác, các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo không có vấn đề gì nhưng xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm thì cần cân nhắc. Xoá là xoá cái đang hiện hữu, như lợi ích tinh thần và vật chất mà người đó được hưởng từ chức vụ mang lại như vinh danh, chế độ nghỉ dưỡng, chế độ khi từ trần... Do đó cần nghiên cứu dùng từ để thể hiện được” – bà Lê Thị Nga nói.

Giải trình thêm một số băn khoăn của đại biểu về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, về hưu là không còn giữ chức vụ nữa nên không dùng từ “cách chức” mà dùng từ “xoá tư cách”.

"Ví dụ một Bộ trưởng giữ chức vụ hai nhiệm kỳ thì vi phạm ở nhiệm kỳ nào sẽ bị xoá tư cách nhiệm kỳ đó. Tương tự, người chuyển công tác sang cơ quan khác thì bị xử lý về vi phạm trước đó ở cơ quan cũ; hay cán bộ từ địa phương lên cũng tương tự, tức là chỉ xử lý ở thời điểm mà người đó có vi phạm"- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN