“Vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, tướng Khoa nhấn mạnh.

Theo ĐB Khoa, năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương, điều hành của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương đến giờ phút này theo báo cáo chúng ta có thể hoàn thành và vượt 12 chỉ tiêu, cũng như dự kiến tăng trưởng đạt khoảng 6,8%.

“Còn hai tháng nữa tôi có thể khẳng định ta đạt tăng trưởng hơn 6,8%. Đây là cơ sở để chúng ta thực hiện kế hoạch năm 2020”, Thiếu tướng nói.

Có lúc nước ngoài đưa 35-40 tàu xâm phạm chủ quyền trên biển Đông

Đề cập đến tình hình an ninh chính trị, theo tướng Trần Việt Khoa, trên thế giới có nhiều biến động.

“Đặc biệt, các nước lớn đã điều chỉnh về chính sách và chiến lược quốc phòng quân sự, tăng chi ngân sách quốc phòng và tăng cường luyện tập, diễn tập thực binh ở quy mô vừa và quy mô lớn”, ông Khoa thông tin.

Với tình hình khu vực biển Đông, tướng Khoa cho hay, có rất nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn biển có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới, đe doạ đến an ninh khu vực và an ninh thế giới, có chung khu vực biển Đông.

“Từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và đặc biệt là từ đầu tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý. Đây là những cái chúng ta không thể chấp nhận được. Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35-40 chiếc tàu để bảo vệ”.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành ngoại giao, đấu tranh trên cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của chúng ta.

Giám đốc Học viện Quốc phòng Trần Việt Khoa cũng cho biết, trên thực địa, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta không thể chối cãi theo Công ước, Luật pháp quốc tế, Luật Biển năm 1982 .

“Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta

“Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Quy luật đấy ngày nay được thể hiện ở 2 việc rất rõ là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, tướng Khoa nói.

Tuy nhiên, với tình hình, đặc điểm hiện nay, theo ông Khoa, phải có giải pháp phù hợp để đấu tranh để giữ vững môi trường độc lập, phát triển đất nước.

Đồng thời cho biết, năm 2018, sau khi Bộ Chính trị thông qua kết luận các chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tiến hành quán triệt sâu sắc các chiến lược này.

Ông nhấn mạnh, đây là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng tổ chức biên chế quân đội và mua sắm vũ khí, trang bị, bảo đảm theo tinh thần tinh gọn, mạnh, đáp ứng với các kiểu chiến tranh hiện đại trong điều kiện mới.

“Đất nước ta đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta thấy được tàn khốc của cuộc chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình và dòng họ. Việc bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn luôn phải sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trung tướng Trần Việt Khoa nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến tình hình biển Đông, ĐB Lê Công Nhường nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

"Trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, ngư dân là lực lượng tham gia đóng góp lớn, nhưng chính sách cho đối tượng này lại chưa được quan tâm đúng mức", ông Nhường nói và đề cập đến việc triển khai đóng tàu cá đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 (ban hành năm 2014).

Ông Nhường thông tin, tổng số nợ các ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu cá trên toàn quốc đến nay là gần 11.700 tỷ đồng; công suất của các tàu cá đã vượt qua nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển Việt Nam, nên nhiều ngư dân đã vi phạm khi đánh bắt vùng biển bên ngoài. Mặt khác, cơ quan chức năng công bố 21 mẫu tàu vỏ thép được cấp phép đóng mới theo Nghị định 67, nhưng khi áp dụng từng địa phương chưa phù hợp; một số tàu vừa hoạt động một năm đã hư hỏng.

Tại Bình Định hiện có 47 chủ tàu nợ gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 104 tỷ, lãi 107 tỷ đồng. Theo quy định, các chủ tàu này không được hỗ trợ lãi suất ngân hàng, việc thu nợ khó khăn. "Thực tế này cho thấy chúng ta đã quá vội vàng khi triển khai Nghị định 67, có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu", ông Nhưỡng nói.

Ông đề nghị các cơ quan quản lý nhanh chóng đưa ra hướng dẫn để xử lý, trong đó có việc bàn giao khoản nợ từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới; quy định cụ thể về nợ quá hạn, lãi suất cho vay để địa phương có cơ sở thực hiện.

Hương Giang