Chiều ngày 12/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát tiển kinh tế - xã hội năm 2020.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng, với các biện pháp mạnh, cụ thể, hiệu quả, tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề.

Cho nên, Thủ tướng yêu cầu, phải chống cả 2 loại virus, một là nCoV và hai là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Cuộc họp nhằm tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo Thủ tướng, với tình hình hiện nay, nếu chỉ với cách làm bình thường thì sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác. Cho nên, “phải phấn đấu cao hơn nữa, với giải pháp cụ thể hơn nữa, kịp thời hơn nữa, thích ứng tốt hơn nữa”.

Do dịch nCoV, GDP 2020 có thể chỉ đạt 5,96%

Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV, kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD.

“Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ”, Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định.

Cơ quan này cũng đã đưa ra kịch bản mới dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Ở kịch bản 1, nếu dịch khống chế được trong quý I mức tăng GDP năm nay là 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mục tiêu Chính phủ đưa ra. Trong đó, GDP quý I tăng 4,25%, quý II là 6,08%, quý III 6,92% và quý IV 6,81%.

Kịch bản 2, GDP năm 2020 dự báo chỉ đạt 5,96% nếu dịch được khống chế trong quý II. Mức tăng này khá thấp và giảm 0,84 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8% năm nay. Ở kịch bản này, tăng trưởng quý I tăng 4,52%, quý II 5,1%, quý III là 6,7% và quý IV 6,81%.

Tương ứng với các kịch bản tăng trưởng, lạm phát năm 2020 sẽ ở mức tăng 3,96% hoặc 4,86%.

Toàn cảnh phiên họp

So với 2 kịch bản tăng trưởng được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/2, thì dự báo mới của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy sự kém lạc quan hơn.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị “không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”.

Theo đó, kết hợp nhuần nhuyễn 3 nhiệm vụ: Tổ chức chống dịch; thông tin, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng tình hình dịch để trục lợi; ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội trong việc chung tay tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời, tích cực phấn đấu, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ.

Cơ quan này cũng đề xuất một loạt giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công.

Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó.

Theo đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư được giao hoàn thiện các phương án để có mức phấn đấu cụ thể. Ví dụ như giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%/năm thì những quý còn lại phải giữ tăng trưởng ở mức nào. Từ đó, chính sách tiền tệ, đầu tư công, xuất nhập khẩu… phải như thế nào.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, tất cả cán bộ công chức của các bộ, ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa, tất cả không hoạt động gì.

Thủ tướng cũng nêu rõ một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa, chi phí logistic… Không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.

Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội. Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế….

Thủ tướng cũng nhắc lại, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.

Hương Giang