Thời gian gần đây, người dân đang xôn xao trước thông tin Hà Nội dự kiến sẽ thu phí phương tiện đi vào khu vực nội đô, phạm vi khoanh vùng là từ đường vành đai 3 trở vào và sẽ thực hiện khép kín.

Đây là một trong số những nội dung mà Sở GTVT Hà Nội trình UBND thành phố Hà Nội về Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới”.

Theo đó, nội dung ban đầu của Đề án nêu, quy mô dân số của Hà Nội khoảng 10 triệu, mật độ tập trung cao nhất ở khu vực bên trong vành đai 3. Trong khi đó, khu vực vành đai 3 hiện chiếm hơn 80% số điểm ùn tắc trên địa bàn. Vì vậy, Sở GTVT Hà Nội dự kiến thu phí ôtô khu vực trong vành đai 3, phương tiện ngoài vành đai đi vào nội thành sẽ bị thu phí.

Để xây dựng Đề án này, Hà Nội đã nghiên cứu mô hình thu phí thí điểm phương tiện vào nội đô của đất nước Singapore - từng rất thành công với mô hình này.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT) khẳng định việc thu phí vào nội đô đã được Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu từ lâu. Tuy nhiên, mỗi lần Đề án đưa ra lại vấp phải sự phản đối của người dân. Nội dung của Đề án nhằm hạn chế số lượng xe vào nội đô gây tắc đường và ô nhiễm môi trường.

“Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là mô hình này để áp dụng được ở Hà Nội là tương đối khó. Bởi hiện nay, phương tiện công cộng của Hà Nội tuy số lượng nhiều nhưng năng lực chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân vẫn là xe máy và ô tô cá nhân”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, để áp dụng đề án trên, cơ quan chức năng cần đảm bảo được phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân thì dư luận mới ủng hộ.

Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nói thêm dù người dân có đồng thuận thì việc triển khai cũng rất khó. Hà Nội sẽ phải sắp xếp lại, ngăn cách các tuyến đường là một thách thức lớn. Hơn nữa, công nghệ thu phí vào nội đô thực hiện như thế nào. Vì vậy, Hà Nội cần phải có một lộ trình rõ ràng, có thời gian để chuẩn bị chu đáo. Đến khi nào hạ tầng, công nghệ tốt thì việc áp dụng mới có hiệu quả.

“Chúng ta cũng phải xác định, nếu thu phí ô tô vào nội đô thì sẽ gia tăng số lượng xe máy. Và khi đó, mục tiêu giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm có thực hiện được hay không. Đây là vấn đề mà Hà Nội sẽ phải lường trước được và có phương án nếu muốn áp dụng”, ông Thủy nói.

Nhìn nhận dưới góc độ một lái xe, anh Vũ Công Khoa (32 tuổi, Tân Lập, Đan Phượng) cho biết, sở hữu xe ô tô 4 chỗ và hàng ngày vẫn lái xe vào quận Cầu Giấy để làm việc.  Anh Khoa than thở: “Mặc dù dọc đường 32 có xe buýt nhưng điểm dừng xe buýt cách công ty tôi rất xa. Hơn nữa, Hà Nội cứ tuyên truyền là tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội sắp khai thác nhưng đợi nhiều năm nay họ vẫn cứ quây tôn làm, đến bao giờ cho xong. Nếu muốn hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, Hà Nội cứ làm phương tiện công cộng tốt đi đã. Khi phương tiện công cộng tốt, người dân sẽ tự động bỏ xe cá nhân để đi xe buýt, tàu điện”.

Thanh Thanh