Đây là chia sẻ của Nguyên Đại sứ Bùi Thế Giang- Phó Chủ tịch Hội Việt-Mỹ- tại buổi ra mắt cuốn sách “Người dân làm nên hòa bình” do Karín Aguilar-San Juan và Frank Joyce là chủ biên, diễn ra ngày 11/7 tại Hà Nội. Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện hấp dẫn từ các nhà hoạt động xã hội Mỹ như Rennie Davis,  Judy Gumbo, Alex Hing, Doug Hosteter, Jay Craven… những người đã đến Việt Nam trong thời gian chiến tranh để thiết lập mối quan hệ giữa hai nước.

Ông Giang đánh giá, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là quan hệ hết sức đặc biệt, xuất phát từ tầng sâu văn hóa, từ cơ duyên về địa, chính trị, kinh tế khiến 2 nước có sự tương giao rất sớm. Ngay từ ngày Quốc khánh Việt Nam năm 1945, tổ chức đối ngoại nhân dân đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập là Việt-Mỹ Thân hữu hội- nay là Hội Việt-Mỹ. Đây cũng chính là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước.

Việt-Mỹ Thân hữu hội có thể coi là tổ chức đặt nền móng cho Hội Việt-Mỹ hiện nay. Thành viên của Hội luôn tự hào là những người đã nỗ lực duy trì và thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, từ những ngày rất khốc liệt của cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam cho đến những ngày khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước sau này.

nhung tieng noi phan chien thuc day quan he dac biet viet nam-hoa ky hinh 1
Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam năm 1994. Ảnh: AP

Bước tiến lớn sau 24 năm bình thường hóa quan hệ

Sáng 12/7, cách đây đúng 24 năm, tại Hà Nội (11/7, theo giờ Mỹ), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là một cột mốc hết sức quan trọng bởi chỉ trong vòng 24 năm ấy, hai nước Việt Nam và Mỹ đã đi một bước rất dài trong quan hệ song phương, từ thù thành bạn và thành đối tác toàn diện.

Nguyên Đại sứ Bùi Thế Giang cũng nêu lên 3 ví dụ cụ thể về bước phát triển đột phát trong quan hệ Việt-Mỹ, đó là: Trước khi lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ vào tháng 2/1994, tổng kim ngạch 2 chiều Việt-Mỹ là 7 triệu USD, trong đó, Việt Nam không xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào sang Mỹ. Vậy mà, đến năm 2018, con số này đã lên tới 60,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ khối lượng hàng hóa trị giá 47,5 tỷ USD.

“Đối với một nước như Việt Nam, giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước còn nghèo đói, chậm phát triển và khủng hoảng toàn diện như Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định tại Đại hội VI của Đảng. Số tiền này rất quan trọng không chỉ ở chỗ nó là cơm ăn áo mặc cho nhân dân mà còn có nghĩa là công ăn việc làm cho người lao động, con cái của người lao động được học hành, được đào tạo, giúp ổn định xã hội và chính trị, đất nước sẽ được bình yên và hạnh phúc”, ông Giang nói thêm.

Ngoài ra, trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, việc đi lại của công dân hai nước là cực kỳ khó khăn. Nguyên Đại sứ Bùi Thế Giang cho biết, bản thân ông hồi năm 1993, để tới thủ đô Washington D.C nhập học, ông phải mất tới 1 tuần ở Bangkok, Thái Lan để làm thủ tục nhập cảnh. Tuy nhiên, vào năm 2018, số khách du lịch từ Mỹ sang Việt Nam đã đạt 687.000 người, đứng thứ 5 trong số các nước có khách du lịch đông nhất vào Việt Nam năm đó.

Hơn thế nữa, hiện đã có hàng nghìn sinh viên Mỹ đang du học tại Việt Nam và khoảng 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam học ở Mỹ. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á về số học sinh, sinh viên du học tại Mỹ.

Những hy sinh vô giá

Tuy nhiên, để đạt được những cột mốc đáng ghi nhớ như trên, quan hệ Việt-Mỹ cũng đã trải qua không ít thăng trầm, ghi dấu bằng một sự kiện hết sức quan trọng, đó là kết thúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam năm 1975.

Trong suốt gần 45 năm sau đó, biết bao điều đã được viết, được nói về cuộc chiến tranh cực kỳ tàn khốc này. Đối với Việt Nam, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của 2,5 triệu người và khiến gần 4 triệu người bị thương cũng như hàng triệu gia đình Việt Nam phải ly tán. Cuộc chiến đã tàn phá đất nước Việt Nam về mọi mặt.

Ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc, trong gần 45 năm qua, mỗi năm nó vẫn giết chết hơn một nghìn người do bom. mìn, vật liệu chưa nổ, vẫn khiến chất độc da cam (dioxin) gây hại đến thế hệ thứ 4 cũng như khiến hơn 200.000 người vẫn mất tích.

Trong khi đó, cuộc chiến tại Việt Nam cũng cướp đi sinh mạng của hơn 58.000 người Mỹ và hàng vạn người vẫn phải chịu đau đớn do cái gọi là “Hội chứng Chiến tranh Việt Nam” gây ra. Cuộc chiến tại Việt Nam cũng đã gây ra chia rẽ sâu sắc nhất và lâu nhất trong lịch sử 243 năm của nước Mỹ.

nhung tieng noi phan chien thuc day quan he dac biet viet nam-hoa ky hinh 3
Tờ The Sun đưa tin về việc ông Norman Morrison tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đúng như cuốn sách “Người dân làm nên hòa bình” nhận định: “Nếu những người dũng cảm phản đối chiến tranh ở Mỹ và trên khắp thế giới không có khả năng khiến mọi người nhận ra nỗ lực của họ và không tạo ra được bầu không khí tranh luận trái chiều thì cuộc chiến tranh này hẳn đã kéo dài hơn và sự chết chóc và hủy diệt hẳn đã tồi tệ hơn”.

Theo Đại sứ Bùi Thế Giang, điều này cho thấy, những người dân bình thường của Việt Nam và Mỹ cũng như những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới không bao giờ nói đủ lời cảm ơn đối với hàng triệu người đã góp phần làm nên sự kết thúc của cuộc chiến tranh ấy.

Đã có rất nhiều câu truyện về tình đoàn kết quốc tế dành cho người Việt Nam trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, trong đó, có những người Mỹ đã xuống đường phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Tháng 7/2014, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain (người đã qua đời tháng 8/2018) từng chỉ tay ra ban công tòa nhà Quốc hội Mỹ nói rằng, đây là nơi vào tháng 4/1971, hơn nửa triệu người Mỹ đã tụ tập để phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

nhung tieng noi phan chien thuc day quan he dac biet viet nam-hoa ky hinh 4
Bà Anne Morrison cùng gia đình thăm và làm việc với Bảo tàng Cách mạng Việt Namngày 10/4/1999. Ảnh: Tiền Phong

Trước đó rất lâu, ngay trong những ngày bom Mỹ trút xuống Việt Nam vào tháng 11/1965, một người Mỹ tên Norman Morrison đã tự thiêu ngay trước Lầu Năm Góc để phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tháng 4/1999, bà quả phụ của “cây đuốc sống” Norman Morrison đã sang thăm Việt Nam.

Bà Anne Morrison đã phải chờ tới 34 năm sau khi ông Morrison qua đời để có thể đến Việt Nam- đất nước mà chồng bà đã hy sinh. Điều này xuất phát từ việc, không ít người Mỹ đã bị coi là phản quốc khi dám phản đối cuộc chiến tranh ấy.

Khi sang đến Việt Nam, gặp đủ mọi tầng lớp, vị trí trong xã hội, bà Morrison đã chia sẻ: “Cám ơn Việt Nam! Sự trân trọng của Việt Nam đối với hành động của chồng tôi đã làm cho sự hy sinh của chồng tôi là xứng đáng”.

Theo Trần Khánh/VOV.VN