Tập trung xử lý nợ xấu

Tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín  (Sacombank) ngày 26/4, một số cổ đông đề nghị lãnh đạo NH nên tính toán chia cổ tức cho cổ đông bởi đã mấy năm nay không được nhận cổ tức.

Trả lời cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết, quỹ tích lũy cổ tức của Sacombank đến nay còn 2.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quy định của NH Nhà nước, Sacombank đang trong giai đoạn tái cơ cấu, phải tập trung tối đa nguồn lực để xử lý nợ xấu nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu nên NH không được chia cổ tức.

Theo báo cáo tại đại hội, trong năm 2018, Sacombank đã xử lý được trên 11.700 tỉ đồng nợ xấu từ nhiều nguồn như thu hồi nợ xấu, lãi dự thu và tài sản được cấn trừ. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu, Sacombank đã thu được 31.336 tỉ đồng nợ xấu, giảm tỉ lệ nợ xấu còn 2,11%, hoàn thành kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra là về dưới 3%.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của NH TMCP Á Châu (ACB) mới đây, một số cổ đông đã lên tiếng chất vấn yêu cầu HĐQT phải trả lời về khoản nợ 400 tỷ đồng đã cho NH Xây dựng (CB) vay từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được

Trả lời cổ đông, Tổng Giám đốc ACB Đỗ MinhToàn xác nhận, từ nhiều năm trước, ACB có cho CB vay 400 tỉ đồng thông qua thị trường liên NH. Sau đó, ACB đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro cho số tiền trên và đến nay chưa thu hồi được. Tuy nhiên, khoản cho vay này được CB thế chấp bằng 3 tài sản có giá thị trường khoảng 600 tỉ đồng. 

Ông Toàn cũng cho biết, hiện tại, ACB tiếp tục phối hợp với lãnh đạo CB để giải quyết dứt điểm số tiền cho vay này.

Đây không phải là lần đầu cổ đông của ACB chất vấn HĐQT về khoản nợ khó đòi mà CB mãi chưa trả. Trước đó, vào năm 2015, cổ đông của ACB cũng yêu cầu HĐQT giải trình về khoản nợ này. Tại thời điểm 2015, lãnh đạo ACB cho biết khoản nợ đã quá hạn, được phân loại vào nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn - PV).

Chậm thu hồi nợ trách nhiệm thuộc về ai?

Bên cạnh khoản nợ 400 tỷ CB phải trả cho ACB, thì CB đang có quyền thu hồi nợ gần 40.000 tỷ đồng, với các nhóm nợ lớn (theo các bản án đã có hiệu lực hồi cuối năm 2018). Việc thu hồi khoản nợ này cũng sẽ giúp CB gia tăng nguồn lực tài chính tạo đà cho việc tái cơ cấu, đồng thời đây cũng là trách nhiệm mà CB phải thực thi  bản án đã có hiệu lực.  

Tuy nhiên, đến nay CB vẫn chưa thu hồi món nợ của các nhóm nợ lớn?

Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của CB (tổ chức tháng 1/2019), cũng đã nêu: Công tác thu hồi nợ được chú trọng là hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu được CB tập trung triển khai tích cực, vận dụng triệt để các giải pháp phù hợp với từng món nợ để thu hồi nợ hiệu quả nhất ngay sau khi có các phán quyết của tòa. Đến thời điểm 31/12/2018, theo các bản án đã có hiệu lực hiện đang thi hành thì  CB đang có quyền thu hồi nợ gần 40.000 tỷ đồng với các nhóm nợ lớn đã có phán quyết CB cũng khẳng định, 3 trọng tâm cơ bản trong hoạt động 2019 gồm: Tập trung thu hồi những khoản nợ lớn, đẩy mạnh tín dụng bán lẻ và quản lý hiệu quả chi phí hoạt động gắn liền với kết quả kinh doanh.

Đến nay, bản án có hiệu lực đã gần nửa năm khoản tiền trên vẫn chưa được thu hồi?

Câu hỏi đặt ra: Khoản nợ gần 40.000 tỷ đồng chậm thu hồi có bị thiệt hại? Nếu có thiệt hai thì ai là người chịu trách nhiệm?

Theo các chuyên gia tài chính, vì số tiền thu hồi nợ qua thi hành án rất lớn, chậm một ngày, con số thiệt hại lên tới hàng chục tỉ đồng. Nếu cộng dồn lại con số thiệt hại có thể lên tới hàng chục, trăm tỉ đồng.

Minh Quang