Lời kêu gọi đó được truyền đi như một lời thúc giục tất cả mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và phát triển đất nước. 

Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo. Trải qua từng thời kỳ lịch sử, mỗi phong trào thi đua có những nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phát triển trong dòng chảy liên tục, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần, qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nếu như ở thời điểm 70 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào giai đoạn gay go, quyết liệt, nhiệm vụ cấp bách của dân tộc khi đó là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thực hiện lời kêu gọi của Người, cả nước đã thi đua “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, thì trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 -1975), các ngành, các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua trong nông nghiệp với lá cờ đầu là Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình); trong công nghiệp với điển hình là Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng); phong trào thi đua "Hai tốt" trong giáo dục, đào tạo với điển hình là Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý (Hà Nam). Các phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất”, “Tay búa, tay súng”; “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”... được dấy lên rộng khắp. 

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, dựa trên quan điểm lấy dân làm gốc, đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, các phong trào thi đua nở rộ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong những năm gần đây, chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"… Từ năm 2010, Việt Nam chính thức vượt qua đói nghèo, vươn lên là nước có thu nhập trung bình và trở thành nước đang phát triển. 

Người nói, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn để làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của toàn dân tộc. 

Nhiều phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân đã ghi dấu ấn trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu "Nông dân sản xuất giỏi", "Cây sáng kiến", "Công nhân tiên tiến tiêu biểu", "Cựu chiến binh giúp nhau xoá đói giảm nghèo", "Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", “Thanh niên ưu tú, lập thân lập nghiệp", "Công dân tiêu biểu"... 

Tổng kết công tác thi đua khen thưởng 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và trên 9.300 cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn huân chương, huy chương, Chiến sỹ Thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước. Điều đó cho thấy phong trào thi đua đã phát động rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chu Thanh Vân