Bộ GD-ĐT và cơ quan công an vừa công bố các kết quả điều tra về gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018 tại 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dư luận xã hội vẫn đang rất quan tâm đến những giải pháp của Bộ để kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 không còn những tiêu cực, thực sự đảm bảo khách quan, công bằng.

Vấn đề này một lần nữa được đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT trả lời trong cuộc họp báo định kỳ Quý I năm 2019 sáng 26/3.

Lựa chọn cân nhắc cán bộ tham gia công tác thi

Theo ông Nguyễn Viết Lộc – Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ được tổ chức như các năm 2017, 2018.

Tuy nhiên, có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc như: Điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại điểm thi và hội đồng thi.

Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đảm bảo phòng, chống, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.

Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

ky thi thpt quoc gia nam 2019 se duoc siet chat nhu the nao? hinh 2
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ được siết chặt hơn từ công tác coi thi đến chấm thi (ảnh minh họa)

Ngoài ra, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

“Hệ thống phần mềm Quản lý thi và Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được hoàn thiện, đã được tập huấn cho các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ và đã sẵn sàng hoạt động; công tác đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2019 sẽ được bắt đầu từ 1/4/2019”, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT thông tin.

Các trường ĐH, CĐ sẽ tham gia vào chấm thi trắc nghiệm

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tại hội nghị tập huấn về công tác thi THPT Quốc gia năm 2019 mới đây, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ sẽ nỗ lực làm tốt. Để đạt được điều này, vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phải lớn hơn, rộng hơn, tham gia nhiều khâu hơn. Một phần yêu cầu là các trường này sẽ trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm. Câu chuyện này còn dài và sẽ triển khai tập huấn cụ thể thông qua quy chế.

ky thi thpt quoc gia nam 2019 se duoc siet chat nhu the nao? hinh 3
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)

PGS.TS Mai Văn Trinh cũng lưu ý các trường ĐH phải đặc biệt coi trọng việc lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi này. Vì đây là vấn đề mang tính chất quyết định. Những nhân sự này phải là những người có tinh thần trách nhiệm, có sự hiểu biết về thi cử và sau này sẽ tham gia vào khâu chấm thi.

Tuy nhiên, việc đổi mới tuyển sinh vẫn phải bám theo định hướng cụ thể như các trường phải chuẩn bị tinh thần để tự chủ trong tuyển sinh, xét tuyển.

PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh, năm nay vai trò của các đại học được nâng lên một bước nữa trong kỳ thi THPT quốc gia. Việc chấm thi trắc nghiệm được giao cho các trường đại học. Như vậy, Bộ đã “chọn mặt gửi kim cương” nhưng vẫn kèm nỗi lo vì trong thời gian dài nhiều trường không chấm thi trắc nghiệm.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT giao việc chấm thi trắc nghiệm theo nguyên tắc có thể một trường sẽ chấm cho một số tỉnh và chấm thi tại địa phương. Toàn bộ cơ sở vật chất chấm thi trắc nghiệm do địa phương lo.

Các trường đại học đề nghị danh sách nhân sự (ít nhất 5-8 người) tham gia chấm thi trên cơ sở đó chủ tịch hội đồng thi của Sở sẽ ra quyết định thành lập ban chấm thi. Ban này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia.

Cục trưởng Mai Văn Trinh đề nghị các trường đại học, cao đẳng chuẩn bị tốt các nội dung điều động đủ cán bộ, đáp ứng chất lượng tham gia công tác thi tại địa phương. Về quy định trường đại học địa phương không tham gia làm thi tại địa phương mình nhưng Bộ sẽ tính toán việc di chuyển gần nhất và thuận lợi cho các trường.

Các trường phải tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng về coi thi và chấm thi trắc nghiệm. Các trường phải phối hợp với các Sở để tập huấn công tác thi. Khi đến thực địa phải thạo việc, hiểu rõ chức năng của mình và biết phải làm gì.

PGS.TS Mai Văn Trinh đề nghị, khi tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, ngân sách nhà nước tại địa phương đáp ứng với mức chi hạn hẹp. Vì vậy các trường ĐH khi về địa phương cần hết sức chia sẻ với địa phương.

 

Theo Bích Lan/VOV.VN