Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, PGS-TS Vũ Văn Phúc đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình khi Hội nghị TƯ 8 thảo luận Quy định về trách nhiệm nêu gương. Ông Phúc cho rằng, những cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật vừa qua đã nêu một “tấm gương xấu”. Những đồng tiền của dân đã bị chia chác, có khi lên tới cả trăm, cả ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân là do sự chi phối của lợi ích nhóm, sự tha hóa về phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức. Bởi vậy, với cán bộ lãnh đạo càng cao, càng đòi hỏi phải nêu gương một cách trong sáng nhất. Nếu cán bộ có tì vết, có biểu hiện tiêu cực thì dứt khoát không giới thiệu vào Trung ương. PGS-TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, được mời tham gia góp ý vào Dự thảo quy định nêu gương với tư cách là một nhà khoa học. Phóng viên VOV.VN trao đổi với ông về nội dung quan trọng này. 

Cán bộ nêu “gương xấu”, nhân dân nhìn thấy cả

PV: Thưa ông, Trung ương thảo luận vấn đề “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao có ý nghĩa gì trong bối cảnh hiện nay? Phải chăng, nhiều cán bộ vẫn chưa tự giác nêu gương mà đòi hỏi phải có quy định cụ thể? 

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Bộ Chính trị 3 nhiệm kỳ vừa rồi đã ra Chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Dù chúng ta đã thu được những kết quả đáng mừng nhưng chưa được như mong muốn và một trong những nguyên nhân rất quan trọng là sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa tốt. 

Chừng nào mà cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành mà nêu gương tốt thì việc thực hiện tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh mới đạt được hiệu quả. Sự nêu gương của họ có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội. Chẳng hạn, một đồng chí nào đó ở cấp Trung ương mà lại vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, tìm mọi cách đưa con mình vào vị trí này, vị trí khác… nhân dân nhìn thấy cả. Thực tế đó là sự “nêu gương” theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là gương xấu. 

Do vậy, với cán bộ lãnh đạo cấp càng cao, càng đòi hỏi phải nêu gương một cách trong sáng nhất. Nếu phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị của họ càng tốt bao nhiêu thì càng có lợi cho cách mạng bấy nhiêu bởi dưới họ là nhân dân, là quần chúng. Nhân dân nhìn vào cán bộ mà làm theo. Đất nước sẽ phát triển, xã hội sẽ phồn vinh, bớt đi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

PV: Trong nửa nhiệm kỳ qua, số lượng cán bộ, nhất là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý, kỷ luật rõ ràng nhiều hơn các nhiệm kỳ trước. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Trong nửa nhiệm kỳ khóa XII, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã lôi ra ánh sáng một số vụ tham nhũng, tiêu cực lớn. Những vụ việc này, theo tôi, có sự chi phối của lợi ích nhóm, có sự tha hóa cả về phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức của một số vị lãnh đạo. 

Vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, họ đã đi ngược lại lợi ích của xã hội, lợi ích của nhân dân, lợi ích của cách mạng. Những đồng tiền của dân bị chia chác, có khi lên tới cả trăm, cả ngàn tỷ đồng. Một nhóm người như vậy, đương nhiên, nhân dân không thể chịu nổi. 

Chống tiêu cực, tham nhũng để lấy lại công bằng xã hội

PV: Thưa ông, số lượng cán bộ diện Trung ương quản lý bị đưa ra xử lý nhiều như vậy, cũng chưa hẳn đã có tác động tốt?

 

Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức Đảng, hơn 58.00 đảng viên vi phạm, trong đó có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý.
PGS-TS Vũ Văn Phúc: Việc đưa ra ánh sáng những cán bộ thoái hóa dẫn đến 2 hệ quả. Thứ nhất, chúng ta từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng và sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, nhân dân cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi: cơ chế quản lý của nhà nước, của các bộ, ngành, địa phương như thế nào mà lại để cho một nhóm người có thể chiếm dụng công quỹ của nhân dân dễ dàng như vậy. Chúng ta phải xem xét lại cơ chế quản lý, cơ chế điều hành, cơ chế quản trị xã hội… Phải chăng pháp luật của chúng ta có kẽ hở để một nhóm người có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng một số tài sản lớn của nhân dân. 

 

PV: Vậy theo ông, lỗ hổng nằm ở đâu?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Ở đây, tôi cho rằng, có sự lợi dụng quyền lực. Một số cán bộ của chúng ta không ý thức được rằng, quyền lực mà nhân dân trao cho họ là quyền lực tạm thời. Họ là người đại diện sử dụng quyền lực ấy để điều hành đất nước, điều hành xã hội và họ đã biến quyền lực đó thành sở hữu riêng của mình, của nhóm mình. Từ đó, vơ vét của cải chung thành của cải riêng. 

Những vụ việc bị phát hiện vừa qua cho thấy, có khi hàng “dây” cán bộ dính chàm, cũng vì những lợi ích cá nhân đó. 

Vì thế, tôi cho rằng, kỳ này phải có một quy định của Bộ Chính trị, kiểm soát chặt chẽ quyền lực của những người có chức có quyền, phải làm cho họ thấy rằng, nếu họ thực thi tốt thì nhân dân tiếp tục giao phó. 

Ngược lại, nhân dân cũng có quyền tước lại quyền đó để trao cho người khác thực hiện tốt hơn. Ở đây, vấn đề cốt lõi chính là sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ mà không cần-kiệm-liêm-chính thì đó là cán bộ hỏng. Nếu cán bộ hỏng sẽ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Việc chống tiêu cực, tham nhũng càng mạnh mẽ, càng quyết liệt thì trước hết tác động đến niềm tin của nhân dân và thứ hai là lấy lại công bằng xã hội. 

Ủy viên Trung ương trở lên thì phải nêu gương “tuyệt đối”

PV: Thưa ông, quan sát bản Dự thảo quy định về trách nhiệm nêu gương lần này, ông thấy có những điểm gì đáng lưu ý? 

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Theo tôi, bản Dự thảo này khá tốt, có quy định nêu gương đối với cán bộ, đảng viên nói chung, có sự nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương và có sự nêu gương của các đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, có sự nêu gương của cán bộ chủ chốt cấp cao của Đảng, Nhà nước. Dự thảo nhấn mạnh yêu cầu, cán bộ càng cao thì càng phải nêu gương, tức là ngoài những yêu cầu chung đối với đảng viên thì họ còn phải có những điểm nêu gương riêng, phải thực sự tận tâm vì nước, vì dân. 

Nếu Ban Chấp hành Trung ương mà thông qua Dự thảo quy định nêu gương và triển khai thực hiện trong toàn Đảng thì chúng ta có thể hy vọng những chuyển biến tốt hơn, làm cho Đảng thực sự đạo đức, văn minh, nâng cao sức chiến đấu cũng như năng lực lãnh đạo và sự đoàn kết trong Đảng. Từ đó, lan tỏa ra toàn xã hội. 

PV: Sự nêu gương ở đây được biểu hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Trước hết là nêu gương về mặt phẩm chất chính trị. Anh phải kiên định chủ nghĩa Mác-lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối chính trị, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước. Nêu gương ở việc tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân… 

Thứ hai là phải nêu gương về mặt phẩm chất đạo đức, thể hiện ở lối sống giản dị, không phô trương, công khai, minh bạch, khách quan. Anh làm bất cứ việc gì cũng phải đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Không được lấy lợi ích của cá nhân, lợi ích gia đình làm mục tiêu. 

Và thứ ba, việc nêu gương phải được thể hiện bằng việc làm, hành động cụ thể hàng ngày trên lĩnh vực kinh tế- xã hội. Nếu anh là những nhà quản lý, điều hành kinh tế của đất nước hay của từng ngành, từng địa phương thì anh phải khách quan, công tâm, minh bạch. Khi anh làm lợi cho nhân dân, cho xã hội thì trong đó có phần lợi ích của cá nhân anh và gia đình anh. 

PV: Với vai trò là nhà khoa học, được mời tham gia góp ý vào Bản dự thảo quy định nêu gương, ông đã có những đóng góp gì?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Khi góp ý, tôi có đề xuất mấy điểm. Thứ nhất, cán bộ lãnh đạo càng cao thì những điều khoản nêu gương đòi hỏi phải mang tính bắt buộc. Thứ hai, sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo các ngành, các địa phương, nhất là từ cấp Ủy viên Trung ương trở lên thì phải là “tuyệt đối” bởi họ đại diện cho sức mạnh của Đảng, là những tinh hoa của dân tộc. Họ đương nhiên phải “tuyệt đối” nêu gương về mặt chất chính trị, đạo đức cách mạng, hành động trong thực tiễn. 

Cùng với việc ban hành quy định này, tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng cần phải có chế tài kiểm soát việc thực hiện quy định và xử phạt với những người không thực hiện nghiêm túc. Chế tài nghiêm khắc nhất là đưa họ ra khỏi vị trí đang nắm giữ, kể cả họ là Ủy viên Trung  ương, Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Ban Bí thư. Những vị trí đó chỉ dành cho những ai thực sự vì nước, vì dân và thực sự gương mẫu. 

Không để lọt cán bộ “không trong sáng” vào Trung ương

PV: Vậy làm thế nào để chọn được những con người “tuyệt đối”như vậy, thưa ông?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Theo tôi, mỗi giai đoạn lịch sử lại xuất hiện những con người lịch sử. Lịch sử đặt ra nhiệm vụ thì sẽ tìm được con người để thực thi nhiệm vụ đó. Thứ hai, tôi tin là cán bộ, đảng viên và nhân dân rất sáng suốt. Họ biết được, ai là người trong sáng, trong sạch, thực sự vì dân vì nước. Họ cũng biết, ai là người đi lên bằng con đường “không trong sáng”. Đặc biệt, tổ chức Đảng phải biết sàng lọc những cán bộ đó thông qua những lần chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. 

Chẳng hạn như trường hợp ông Đinh La Thăng. Lẽ ra, chúng ta phải biết được sai phạm của ông ta khi còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và các cấp ủy, tổ chức Đảng không nên giới thiệu ông ấy tham gia Ban chấp hành Trung ương, chưa nói việc bầu ông Thăng vào Bộ Chính trị. 

Rõ ràng, việc sàng lọc từ cấp cơ sở có thiếu sót nên mới để lọt những cán bộ như vậy vào các cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đấy là điều hết sức đáng tiếc trong quy trình làm nhân sự cho đại hội Đảng các cấp thời gian qua.

Pv: Nhân nói đến công tác nhân sự, Nghị quyết TƯ 7 về công tác cán bộ đòi hỏi việc quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, tiêu biểu về trí tuệ và đạo đức, lối sống. Với việc có thêm Quy định về trách nhiệm nêu gương, chúng ta có thể hy vọng gì vào đội ngũ nhân sự cho khóa tới?

 

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Tôi cho rằng, việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng khóa XIII sắp tới, việc lựa chọn cán bộ phải dựa trên nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý đội ngũ cán bộ và phải dựa vào sức mạnh của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tức là phải dựa vào 2 kênh, gồm: cấp ủy chỉ định và nhân dân giới thiệu, tức là mở rộng dân chủ. Càng nhiều người được giới thiệu càng tốt, giới thiệu qua nhiều cấp, nhiều vòng. Việc giới thiệu cán bộ vào Ban chấp hành Trung ương thì phải hết sức sáng suốt, đừng nể nang, dĩ hòa vi quý. 

Nếu cán bộ có tì vết, có biểu hiện tiêu cực thì dứt khoát không giới thiệu, không để những kẻ cơ hội chính trị lọt vào danh sách ứng cử viên, nhất là Ban Chấp hành TƯ.. Bối cảnh mới của đất nước trong những năm tới đòi hỏi rất nhiều ở cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Giới thiệu được người tốt, đủ sức đảm đương, gánh vác công việc của đất nước thì nhân dân được nhờ và bản thân các bộ, các ngành- nơi giới thiệu cán bộ cũng sẽ có đà phát triển và ngược lại.

PV: Công tác nhân sự cho khóa XIII, theo ông nên chú trọng điểm gì? 

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Việc làm nhân sự lần này phải thực hiện nghiêm quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp nêu ra trong Nghị quyết TƯ7, trong đó đề cao tính công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, vì lợi ích chung. Chúng ta tuyệt đối không dựa vào quan hệ này nọ, thậm chí triệt tiêu việc “chạy chọt” trong công tác cán bộ. Phải rút kinh nghiệm từ Đại hội Đảng các nhiệm kỳ vừa qua để lựa chọn được nhân sự, nhất là nhân sự cấp Trung ương thực sự có tài năng, phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Hương Giang/VOV.VN