Có cầu, ắt có cung. Tuy nhiên, theo giáo lý nhà Phật, xui hay hên, tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại đều là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người. Tất cả họa và phúc đều là do nhân quả mà thành.

Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, mà người sáng lập là Lão Tử của Trung Quốc. Quan niệm này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, trong đó có người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh.

Có 9 sao hay gọi đúng hơn là cửu diệu tinh quân là chín vị thần trông coi chín thiên thể (ngôi sao) chuyển động trên bầu trời gồm có: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức.

Trong đó có sao tốt, có sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn nên làm lễ giải hạn. Trước đây chỉ có đình, đền thực hiện nghi thức này.

Không chỉ ngày càng thịnh hành, việc dâng sao giải hạn thậm chí đang trở thành “mốt”, nhiều chùa đứng ra để tổ chức lễ dâng sao. Mỗi người đến đăng ký sẽ được nhà chùa phát cho một tờ giấy "Đăng ký cầu an + lễ sao".

Người dân sẽ điền đầy đủ thông tin như: Tên tuổi, địa chỉ, năm sinh, sao hạn... Sau khi ghi đầy đủ thông tin, người dân sẽ nộp lại giấy cho nhà chùa để lập danh sách, đồng thời đóng lệ phí làm lễ.

“Đạo giáo hiện nay không còn tồn tại nữa, chỉ còn những mảng vỡ. Các nhà chùa, nhất là trong khoảng 15 năm gần đây, tôi xin nhấn mạnh chỉ có chùa ở miền Bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu niềm tin của người dân đó là việc giải hạn trong năm những tác động của sao xấu. Nhưng có thể nghi lễ này không phải của Phật giáo mà của Đạo giáo. Chúng ta cũng nên nhìn thấy ở đây hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, trong Phật giáo là không có. Nhưng khía cạnh thứ hai thì trong thực tế, người dân lại có nhu cầu", TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nói.

Nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội rằng, cứ cho là nhà chùa có thể cúng sao giải hạn, thiết nghĩ các vị trụ trì xem đó là việc làm miễn phí, giúp bá tánh bình an, quốc thái, dân an, cớ sao lại phải phải thu tiền? Họa, phúc không nằm ở sao xấu hay tốt. tất cả đều do chính mình tạo nên. Phúc đến thì hưởng, có họa thì chịu.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định cúng sao phát xuất từ tập tục coi bói. Người ta thường coi năm nay bị sao xấu nào chiếu mạng, có thể bị tam tai, gặp những hạn vận xấu nên mới bày ra cúng sao giải hạn.

Thầy Nhật Từ khẳng định: “Đây là quan niệm hoàn toàn mê tín dị đoan, gieo rắc niềm tin không có cơ sở khoa học và nhân quả. Người tin sẽ rơi vào nỗi sợ hãi nghiêm trọng, tác động đến tâm lý, thái độ sống và thậm chí là sự sinh hoạt thường nhật của họ”.

“Xui hay hên, tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại đều là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người”, Thượng tọa nhấn mạnh.

Trong quan niệm nhà Phật, tất cả họa và phúc đều là do nhân quả mà thành. Bởi vậy, muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang có. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại.

Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý.

Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt. Muốn cuộc đời hạnh phúc thì luôn tích cực thực hành chánh niệm để mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm... không gây những khổ đau, tủi hờn, bạo động cho mình, cho người mà chỉ mang đến những hiểu biết và thương yêu, nhờ đó, tâm mình an, tâm mình lạc.

Khi không hiểu luật nhân quả, con người sống trong sự sợ hãi mê tín mù mờ. Họ giải thích những hiện tượng thiên nhiên qua sự mê tín dị đoan.

Thí dụ khi hạn hán mất mùa, họ nghĩ là vì ông thần đất đai giận nên phải hối lộ ông ta bằng cách cúng kiến mới có được trời mưa. Mới đầu thì tế lễ bằng con gà không có hiệu quả, rồi đến con bò, đến khi sự cuồng tín lên cao có thể dẫn đến giết một em bé hay một trinh nữ để tế thần như dân tộc Incas đã từng làm.

Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, đi đứng làm cái gì quan trọng thì phải coi ngày giờ tốt như vậy để tránh cái sợ hãi của những điều xấu xảy ra bất thần chớ không hẳn là tránh được những điều xấu.

Khi Đức Phật giác ngộ thì Ngài nhận ra luật nhân quả là nền tảng của thế giới tâm linh và vật chất. Mọi hiện tượng từ tâm lý đến vật chất đều có những sự liên quan vô hình rất chặt chẽ, đó là luật nhân quả.

Luật nhân quả là sợi dây vô hình nối liền hai biến cố xuyên qua thời gian và không gian. Cho nên khi hiểu luật nhân quả, ta có thể thay đổi biến cố đó theo chiều thuận cho ta, thay vì phải lo sợ hối lộ hoặc cầu khẩn một vị thần linh tưởng tượng nào đó phù hộ cho ta hoặc thỏa mãn điều ta mong ước.

Sự mê tín cuối cùng sẽ đưa đến sự thất vọng và mặc cảm tội lỗi (ta có tội nặng quá vị thần không giúp được).

Thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành văn bản gửi tới các ban trị sự Phật giáo trong cả nước cấm đốt vàng mã trong các ngôi chùa. Việc này đã tạo được sự đồng thuận trong giới tăng, ni, Phật tử, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm an toàn cháy nổ, môi trường. 

Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền cho các phật tử về nghi lễ dâng sao giải hạn, thì các vị trụ trì nên đưa giáo lý của Đức Phật vào để mọi người hiểu: Không có sao nào chiếu mệnh, nếu như hành vi của chúng ta xấu thì chúng ta sẽ gặp bất hạnh.

Trà Vân