Đánh giá cán bộ dễ dãi dễ gây ra sự bức xúc, chán nản

“Ở một số cơ quan, đơn vị, có tình trạng xem nhẹ kết quả làm việc của đồng sự. Có những người rất có tài và thực hiện nhiệm vụ rất tốt nhưng do có chứng tật nên người ta cứ chiếu vào chứng tật đó để đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức… Phải khẳng định đó là hiện tượng sai, vi phạm pháp luật. Điều này có thể tạo ra sự bất công trong việc đánh giá cán bộ, công chức, dễ làm cán bộ, công chức bức xúc, chán nản, không còn động lực phấn đấu”- ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh tại buổi giao lưu “Văn hoá công sở: Thực trạng và giải pháp” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội.

danh gia can bo: hay nhin vao
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Theo ông Hiểu, để đánh giá cán bộ, công chức cũng như đảng viên, hằng năm hoặc đánh giá khi khen thưởng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, lãnh đạo cơ quan phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, trên cơ sở đánh giá khách quan quá trình phấn đấu, nhìn nhận toàn diện cả tài và đức, ưu và nhược, tôn trọng những đặc điểm cá nhân của người cán bộ, công chức, viên chức đó.

Khi đánh giá phải lấy hiệu quả công việc làm hàng đầu, đây là thước đo rất quan trọng. Khi đánh giá, cơ quan chủ quản phải nhìn tổng quan tất cả các quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cần tôn trọng đánh giá, nhìn nhận của cơ sở, tập thể - nơi mà người cán bộ, công chức, viên chức công tác. Tránh ác cảm của người đứng đầu, những quan điểm mang tính chất cá nhân.

“Tôi nghĩ rằng, phải công khai, minh bạch và tôn trọng tập thể cơ sở nơi cán bộ, công chức làm việc trong quá trình đánh giá. Lắng nghe ý kiến nhiều chiều, không áp đặt ý chí chủ quan của người lãnh đạo, đặt kết quả công tác của người này trong sự so sánh với kết quả công tác của người khác, chắc chắn sẽ hạn chế việc đánh giá thiếu khách quan, thiếu công bằng”- ông Hiểu nói.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, ý kiến cho rằng văn hóa công sở đang xuống cấp là chính xác. Văn hóa công sở được thể hiện ở hai vấn đề cơ bản: Hành vi trong công việc và không gian công sở.

Trong công việc bao gồm, trách nhiệm với công việc, điều hành công việc, xử lý công việc, quan hệ đồng nghiệp và giao tiếp với đối tác. Đối tác ở đây có hai thành phần là các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và người dân.

“Chính sách cũng như các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp và làm việc với người dân đã rất rõ và có tính nguyên tắc cao, nhưng việc thực hiện, đặc biệt là các cơ quan nhà nước ở cơ sở đang đặt ra nhiều vấn đề thách thức. Công sở với không ít người dân không phải là nơi mà người dân đến để trình bày một nguyện vọng, để được giải quyết trên luật pháp mọi vấn đề liên quan mà đôi khi nơi gây ra những phiền hà, ẩn ức cho người dân” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

 

Hướng tới xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực

Theo Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một vấn đề đáng báo động là quan hệ giữa các cá nhân trong công sở, đồng nghiệp với đồng nghiệp là cấp trên cấp dưới. Điều này đã đẩy văn hóa công sở ở một số nơi vào tình trạng tồi tệ, dẫn đến những hiện tượng mất đoàn kết, bè cánh, không hoàn thành nhiệm vụ… và làm giảm những điều tốt đẹp trong quan hệ người với người và trong công việc.

Ông Triệu Văn Cường,  Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, văn hóa công vụ, được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể là một hệ thống các giá trị tinh thần và vật chất gồm văn hóa giao tiếp, ứng xử, tinh thần, thái độ làm việc, trang phục, lễ phục, xây dựng môi trường công sở… được hình thành trong quá trình thực thi công vụ; quyết định thái độ, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

danh gia can bo: hay nhin vao
Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống vì nó luôn gắn liền với hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước mà chúng ta biết các cơ quan, đơn vị này đại diện cho nhà nước giải quyết các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, người dân. Nếu thực hiện tốt văn hóa công vụ, sẽ là chuẩn mực của một nền hành chính công vụ và có ảnh hưởng tốt đến toàn xã hội.

“Vì vậy, văn hóa công vụ phải hướng tới xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức’- ông Cường nói.

Theo ông Cường, đối với mỗi cơ quan, đơn vị, văn hóa công vụ luôn gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống công vụ, phục vụ lợi ích nhà nước, Nhân dân và xã hội; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại. Thực hiện tốt văn hóa công vụ ở cơ quan/đơn vị sẽ tạo nên giá trị, thương hiệu của cơ quan/tổ chức góp phần hình thành mối quan hệ phối hợp, tạo môi trường công vụ lành mạnh, văn minh; là yếu tố bảo đảm tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức./.

Theo H.An/VOV.VN