Du nhập từ năm 2001

“Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” tên chính thức và đầy đủ hiện nay là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới”, nguồn gốc tại Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong thành lập vào năm 1964 (khi thành lập tổ chức này mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Jesu").

Vì Hội thánh giải thích và thực hành Kinh thánh có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng Tin lành nói chung như không công nhận lễ Giáng sinh, tin có Đức Chúa Trời Cha (hiện thân là Đấng Ahn Sahng Hong), tin có Đức Chúa Trời Mẹ (hiện thân là bà Jang Gil-ja) nên trên phương diện Thần học phần lớn các tổ chức Tin lành đều cho đây là giáo phái tà giáo, trong đó việc tin có Đức Chúa Trời Mẹ được xem là báng bổ Kinh thánh nên đa số các Tin lành gọi tổ chức này là giáo phái tà giáo và gọi là "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" để phân biệt với các tổ chứ có tên gọi tương tự nhưng thuộc các tổ chức Tin lành.

Theo số liệu do Hội thánh này công bố đến năm 2017 họ có khoảng 2,5 triệu người tin theo, 7.000 Hội thánh, có mặt ở 175 quốc gia, trụ sở chính tại Bundang, TP Sungnam, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc.

Năm 2001, "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" bắt đầu du nhập vào Việt Nam.

Năm 2005, 2006 hình thành điểm nhóm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh.

Sau 10 năm tồn tại điểm nhóm này đã được UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo vào tháng 7/2017 theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Điểm nhóm do ông Nguyễn Văn Hòa làm đại diện với 350 người tin theo.

Từ khi thành lập đến nay, sinh hoạt tôn giáo của điểm nhóm được chính quyền địa phương đánh giá diễn ra bình thường, tuân thủ pháp luật. Bản thân ông Nguyễn Văn Hòa được tặng nhiều giấy khen vì đóng góp cho an sinh xã hội ở địa phương.

Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 600 người theo.

Ở phía Bắc, hoạt động của tổ chức này manh nha từ năm 2013 và rộ lên vào năm 2016 trên địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn và TP Hà Nội do một số cá nhân tuyên truyền (theo ông Nguyễn Văn Hòa thì những người này hoạt động độc lập với điểm nhóm ở TP Hồ Chí Minh) và chưa điểm nhóm nào được cấp đăng ký cho đến nay.

Đặc điểm nhận diện 

Nữ trùm khăn ren trắng;

Không sử dụng cây Thánh giá;

Duy trì sinh hoạt tôn giáo vào ngày thứ Bảy (bắt buộc);

Tin có Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đã hiện thân vào Đấng Ahn Sahng Hong;

Tin có Đức Chúa Trời Mẹ và hiện thân là bà Jang Gil-ja (còn sống, là Giáo chủ tại Tổng hội Hàn Quốc);

Cầu nguyện gọi tên Đấng Ahn Sahng Hong hoặc Đức Chúa Trời Cha Mẹ, hoặc Cha, Mẹ;

Nơi sinh hoạt tôn giáo gọi là Sion (tức Hội thánh). Trong Sion thường treo ảnh ông Ahn Sahng Hong và bà Jang Gil-ja;

Không công nhận lễ Giáng sinh;

Ngoài lễ Sabat diễn ra vào thứ 7 hàng tuần, trong năm có 7 lễ gồm: Lễ Vượt qua, lễ Bánh không men, lễ Phục sinh, lễ Ngũ tuần, lễ Kèn thổi, lễ Chuộc tội và lễ Lều tạm.

Bảy lễ này được chia làm 3, gồm thời kỳ của Đức Chúa Cha: 2 lễ đầu + lễ Sabat, thời kỳ của Đức Chúa Jesu: 2 lễ tiếp theo, thời kỳ của Đức Thánh linh: 3 lễ sau cùng.

Tên của các lễ được trích dẫn từ Kinh thánh, trong đó một số lễ giống Tin lành như: Lễ Phục sinh, lễ Ngũ tuần, lễ Bánh không men chính là lễ tiệc thánh;

Lễ vật: Để tượng trưng cho máu và thịt (mình) Chúa, họ dùng nước ép nho (có màu đỏ) và bột mì để làm bánh không men (nước ép nho và bột mì mua trên thị trường tự do).

Hoạt động tiêu cực xuất hiện từ năm 2016

Ở phía Nam, dù đã xuất hiện và hoạt động gần 20 năm, nhưng đến hết tháng 4/2018, Ban Tôn giáo Chính phủ chưa nhận được phản ánh nào của các tỉnh phía Nam về hoạt động phức tạp của Hội thánh này.

Ở phía Bắc, phản ánh đầu tiên về những hoạt động tiêu cực liên quan đến tổ chức này có vào năm 2016 từ Ban Tôn giáo các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, TP Hà Nội và một số gia đình có con tin theo đến Ban Tôn giáo Chính phủ nhờ can thiệp.

Những biểu hiện cực đoan như người tin theo ứng xử không hiếu kính với cha mẹ, xa lánh người thân, tự ý hoặc doạ đập phá bàn thờ tổ tiên của gia đình hoặc phỉ báng tín ngưỡng, tôn giáo mà người thân tin theo (nhất là khi bị gia đình ngăn cấm quyết liệt); là học sinh, sinh viên thì bỏ học; là người đi làm thì bỏ việc; thái độ bi quan, lo lắng...

Ngay sau khi phát hiện có hoạt động và ảnh hưởng tiêu cực, trong năm 2016, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản trao đổi với các cơ quan, đơn vị chức năng để nhận diện và thống nhất chủ trương công tác. Trên cơ sở đó ra văn bản hướng dẫn các tỉnh phía Bắc ngăn chặn và xử lý theo pháp luật đối với hành vi truyền đạo không đúng quy định của pháp luật.

Do gây ra nhiều bất bình trong cộng đồng nên không cho hình thành điểm nhóm, không chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, cảnh giác trong quần chúng nhân dân.

Tổng cộng từ năm 2016 đến trước khi có phản ánh của báo chí, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có 4 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và đôn đốc các địa phương thực hiện các công tác trên. Đồng thời, tiếp xúc với số cầm đầu ở phía Bắc để phê phán việc làm chưa đúng và thể hiện rõ quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Sau khi có phản ánh của báo chí, Ban Tôn giáo Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP; đồng thời tiếp xúc với một số gia đình có người thân tin theo; làm việc với điểm nhóm đã được cấp đăng ký ở TP Hồ Chí Minh; có ý kiến trên một số cơ quan truyền thông để định hướng dư luận; có văn bản hướng dẫn Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) 63 tỉnh, TP...

Bên cạnh đó, nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể cũng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc của mình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, UBND 63/63 tỉnh, TP cũng đã tổ chức triển khai thực ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn chuyên môn của của các bộ, ban, ngành liên quan.

Đ.H.A