Phẫn nộ vì đó thực sự là một vụ lừa đảo có tổ chức giữa thanh thiên bạch nhật mà hậu quả của nó không hề nhỏ bởi số lượng nạn nhân và số tiền bất chính nhiều đến mức không tưởng. 

Buồn bã nhiều hơn bởi vì giữa thế kỷ 21 khi nhân loại đang cùng nhau hào hứng vào kỷ nguyên 4.0 hiện đại, vũ bão thì trên đất nước chúng ta vẫn có biết bao nhiêu người còn sống trong cảnh tăm tối mu muội, đặt niềm tin mù quáng vào những điều nhảm nhí và những kẻ vô học nhân danh thánh thần. 

Buồn hơn nữa là mọi việc chỉ vỡ lở nhờ có những nhà báo dũng cảm và thông minh đã bằng nghiệp vụ của mình vạch trần tội lỗi. 

Bình tâm mà suy xét thì có lẽ không chỉ là chuyện xảy ra ở chùa Ba Vàng mà nó đang là hồi chuông đáng báo động về đức tin và ngay cả về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước cũng như của mỗi người trong cuộc sống hiện nay. 

Căm phẫn và lên án là điều dễ hiểu nhưng điều đó là chưa đủ. 

Chúng ta hãy tự hỏi vì đâu ngày càng nở rộ chuyện tâm linh, thần thánh với những hành vi lễ hội mà chính những bậc chân tu gọi là tà giáo và phải lên tiếng kêu gọi sự tỉnh tỏa của mọi người. Phật pháp đâu có chuyện cúng giải sao vậy mà cả ngàn, cả vạn con người chen chúc nhau nộp tiền ở chùa Phúc Khánh mỗi dịp đầu năm, có cả chuyện mặc cả với thần thánh chẳng khác gì thu phí BOT. 

Phật pháp đâu có nói đốt vàng mã vậy mà mùng Một, hôm Rằm mù mịt khói lửa khắp nơi, cả nghìn tỷ đồng biến thành tro bụi góp phần phá hoại môi trường sống vốn đã quá ngột ngạt vì khói bụi xăng xe. 

Còn chuyện gọi vọng để trông chờ vào điều thần kỳ mong vượt qua mọi tai ương, đổ vào hư không mọi nguyên nhân của nghiệp chướng là đỉnh cao của sự mu muội và lừa đảo. Người ta gọi vong để vượt qua thất bát trong làm ăn, tìm thấy lối thoát khi gặp thất bại trong tình cảm; gọi vong để hy vọng chữa khỏi những căn bệnh nan y mà y học hiện đại đang cố gắng nhiều lắm vẫn còn bó tay; thậm chí, gọi vong trị cả chuyện mụn nhọt, trứng cá trên mặt, sau lưng thay vì nhờ cậy vào các trung tâm y tế… 

Vì đâu nên nỗi? Câu chuyện chùa Ba vàng xin được nhìn từ ba phía cho công bằng.

Về cơ bản, hầu hết các tôn giáo, dù là đạo Phật, Thiên chúa hay các tôn giáo khác, phần lớn vẫn mang đến con người những lời khuyên nhủ hướng thiện. Giáo lý không chỉ hướng vào đức tin của con người mà còn giúp cho con người tâm niệm và luôn có những hành vi tốt đẹp nhân nghĩa ngay giữa đời thường. 

Những điều răn dạy của Phật không khác nhiều lắm với những gì chúng ta gọi là đạo đức xã hội ngày nay. Nếu thực sự là một tín đồ chân chính thì con người dẽ dàng nhận ra cái chân chính, cái thiện tâm gặp nhau giữa đạo và đời. Một bậc chân tu luôn tìm thấy đạo lý giữa cuộc đời, hưởng hạnh phúc lành từ tâm phúc khi cố gắng hướng tới một cuộc sống an lành trong sự an vui của đồng loại. Không phải chùa chiền, lễ vật mang lại cho họ điều đó mà nó sẽ đến từ trong cái tâm của mỗi con người từ những điều thánh thiện. 

Không phải tự nhiên người ta dạy rằng: “Thứ nhất là tu tại gia/thứ hai tại chợ/thứ ba tại chùa”. Mọi tai ương trong cuộc đời phải được giải nghiệp từ chính những nguyên nhân trong cuộc sống cõi trần gian chứ chẳng thể trông cậy vào sức mạnh của bất kỳ đấng tối cao nào khác. Những người có đức tin như vậy không bao giờ rơi vào cạm bẫy của những kẻ mượn danh thánh thần. 

Cho nên, những nạn nhân ở Ba Vàng hay ở cả những nơi khác trước hết hay tự trách mình. Họ đáng thương thật đấy nhưng cũng có phần đáng trách khi nhắm mắt tin vào những kẻ bịp bợm tiền mất tật mang, thiên hạ chê cười. Những kẻ xưng danh môi giới cho thánh thần, miệng nhem nhẻm những điều nhảm nhí, tạy thì vơ lấy tiền của thiên hạ, quả thật là những kẻ đại bịp xuất chúng. Chỉ bằng một mớ lý sự bát nháo mà làm bao người u mê, tuân lệnh. 

Người ta nói có hai điều khó: Một là lấy tư tưởng của mình nhét vào đầu kẻ khác và hai là lấy tiền từ túi kẻ khác đút vào túi của mình. Những kẻ đại diện thánh thần ở Ba Vàng làm được cả hai việc đó, chẳng đáng gọi là bậc thầy bịp bợm hay sao? 

Các cơ quan truyền thông chính thống, các nhà dân vận hay tuyên truyền phổ biến giáo dục có lẽ nên tìm cách mà học hỏi để những điều tử tế mà mình mong muốn trở thành nhận thức và hành động đi vào thực tế cuộc sống. Nói ra điều này thật đau xót và cũng để nói đến cái phía thứ ba trong câu chuyện Ba Vàng. 

Chúng ta, Nhà nước hay cụ thể là các cơ quan quản lý Nhà nước đang ở đâu khi việc gọi vong thu tiền tỷ xảy ra ngay trước mắt và kéo dài cả năm trời. Đừng nói là chúng ta không biết bởi vì việc này được chính những kẻ trong cuộc tuyên truyền bằng những phương tiện hiện đại thời 4.0 trên cả mạng xã hội công khai nào là facebook, nào là livestream… 

Trách nhiệm quản lý ở đâu khi để cả trăm con người bị dụ dỗ lừa đảo ngay giữa ban ngày? Thờ ơ, vô trách nhiệm, yếu kém năng lực hay cả tiếp tay đồng lõa? Chúng ta không thiếu gì công cụ, phương tiện và cả con người và luật pháp vậy mà vụ việc chỉ được phanh phui nhờ vào sự can đảm và tâm huyết của những người làm báo chân chính. 

Kẻ vi phạm thì công khai trong khi chính những người muốn bóc trần tội lỗi lại phải lặng lẽ lùi vào bóng tối. Đó thực sự là điều đáng hổ thẹn. 

Xa hơn nữa, việc cổ súy rầm rộ cho lễ hội, tâm linh với sự có mặt của không ít quan chức dường như đang làm cho “nền tảng tư tưởng” của xã hội từ việc xây dựng niềm tin chân chính hướng sang cõi hư vô, bất định và sợ hãi bao trùm. 

Các nhà kinh điển đã từng cảnh báo “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Tín ngưỡng là điều cần được tôn trọng nhưng lợi dụng tôn giáo để làm những điều trái với giáo lý và vô đạo đức thì cần phải được ngăn chặn kịp thời và trừng trị thích đáng. Trách nhiệm đó thuộc về chúng ta!  

TS Đinh Văn Minh
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra