Việc đưa vụ án ra xét xử có thể coi là một thành công lớn của các cơ quan tố tụng. Bởi trước khi vụ án được đưa ra ánh sáng, không chỉ dư luận xôn xao mà ngay cả những người làm việc trong ngành Tòa án cũng đã từng thừa nhận, điều tra án tham nhũng, nhất là các tội đưa, nhận hối lộ là cực kỳ khó, bởi cơ quan tiến hành tố tụng rất khó chứng minh được, trong khi đây là loại tội phạm được đánh giá là phổ biến nhất và gây thiệt hại lớn nhất hiện nay.

Nhiều ý kiến thậm chí còn cho rằng tham ô, hối lộ là những tội danh liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn. Khả năng che giấu chứng cứ của loại tội phạm ấy ở mức cực kỳ tinh vi, thậm chí nhiều chứng cứ bị tiêu huỷ. Do vậy, việc chứng minh được những hành vi phạm tội không chỉ khó mà là rất khó, chứ chưa nói các cơ quan điều tra có cố gắng làm hết khả năng của mình hay không.

Việc đưa ra xét xử các cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông về hành vi đưa, nhận hối lộ đã khẳng định quyết tâm không có gì là không thể, cũng như không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công cuộc phòng chống tham nhũng mà người khởi xướng, chỉ đạo trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố.

 

Bình luận về kết quả này, GS-TSKH Phan Xuân Sơn - Phó Viện trưởng Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là một biểu hiện mới cần đánh giá và khuyến khích. Hành vi đưa và nhận hối lộ cấu thành tội tham nhũng, nhưng xưa nay, ta chỉ xử được vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng, để nhận hối lộ mà người hối lộ thì không ai biết. Trong vụ án Mobifone mua AVG, không chỉ có tội danh hối lộ được phơi bày mà cả chủ thể đưa hối lộ cũng đã bị đưa ra ánh sáng. Đây sẽ là lời cảnh báo thực sự nghiêm túc với những người đưa, nhận hối lộ, đừng tưởng có thể yên thân, thoát nạn.

 

Nhìn nhận ở 3 khía cạnh không thể, không dám và không cần tham nhũng, Giáo sư Phan Xuân Sơn thấy rằng, cuộc đấu tranh với tham nhũng trong năm 2019 rất toàn diện, trên quy mô lớn và có độ vững chắc. Quan trọng hơn cả là đã đạt được mục tiêu đề ra từ lâu.

Đối với tiêu chí “không thể tham nhũng”, Phó Viện trưởng Viện Chính trị học, cho rằng, để làm cho những người có điều kiện, cơ hội, ý đồ, đặc biệt nhóm công chức, viên chức trong hệ thống công vụ, không thể tham nhũng, chúng ta đã hoàn thiện được một bước rất quan trọng về thể chế. Cùng với một số quy định đã có từ năm 2018 như sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, Chỉ thị của Trung ương về nêu gương đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, năm 2019, Trung ương đã ra Quy định về chống chạy chức chạy quyền, cùng những hoàn thiện khác về thủ tục hành chính, bỏ đi nhiều thủ tục có thể tạo “kẽ hở” cho những kẻ tham nhũng; những quy định mới trong việc kê khai tài sản... Tất cả những cơ chế đó góp phần làm cho quá trình thực thi quyền lực nhà nước được công khai, minh bạch và dễ kiểm soát.

 

“Ở góc độ khoa học, những thành tựu đó rất có ý nghĩa. Tổng kết từ Đại hội XII đến nay, đã có tới 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, riêng năm 2019 là 20 cán bộ, trong đó có những cán bộ ở cấp rất cao. Thời điểm cuối năm 2019, Tòa án đưa ra xét xử sơ thẩm 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông và đã có đề nghị mức án. Ở các địa phương, một số cá nhân giữ cương vị cao như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, rồi một số tướng lĩnh cấp cao trong công an, quân đội cũng đã bị xử lý về hành vi tham nhũng. Phương châm của Đảng, Nhà nước về xử lý tham nhũng là không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai đã được minh chứng bằng các kết quả của năm 2019. Kết quả đó còn cho thấy sự kết hợp về thể chế trong đường lối chủ trương, chính sách pháp luật đã có tác dụng và mang lại hiệu quả, tiến bộ rõ rệt”, Giáo sư Phan Xuân Sơn nhận định.

Qua theo dõi các số liệu được công bố, Giáo sư Phan Xuân Sơn chỉ ra rằng, việc xét xử các vụ án về tham nhũng trong năm 2019 không mang tính chất mùa vụ, thời điểm hay phong trào mà diễn ra một cách bài bản, theo một kế hoạch được tính toán từng bước vừa chặt chẽ, vừa thận trọng nhưng vẫn thể hiện được sự cương quyết.

Minh chứng cho nhận định của mình, Giáo sư Phan Xuân Sơn nhắc lại phiên tòa xét xử các bị cáo trong đại án Mobifone mua cổ phần của AVG. Theo ông, có những lúc dường như vụ việc không được nói đến nhiều, cứ nghĩ là cơ quan chức năng đang “bế tắc” nhưng rồi “bất ngờ” vụ án được đưa ra xét xử. Rồi các kết luận sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố trong những ngày cuối năm, đề nghị kỷ luật một số cá nhân, trong đó có Bí thư Thành ủy Hà Nội…

Những việc làm đó cho thấy sự quyết tâm chống tham nhũng cực kỳ bài bản, nghiêm túc, đồng thời cũng cảnh báo, răn đe trực diện tới đội ngũ cán bộ có chức quyền. Đặc biệt ở những lĩnh vực xưa nay về mặt thể chế khó có thể công khai, minh bạch. Qua các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, có thể một lúc nào đó, mọi sự nhập nhằng vẫn có thể tìm ra. Ví như dự án gang thép Thái Nguyên 2, tưởng như có thể “chìm xuồng” nhưng đã được đưa ra ánh sáng, đặc biệt đã khép được trách nhiệm của người đứng đầu, người chịu trách nhiệm đối với những dự án đó.

Với tiêu chí “không cần tham nhũng”, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương lớn nâng cao phúc lợi, thu nhập chính đáng để cải thiện đời sống công chức, viên chức. Năm 2019 là năm đầu tiên chúng ta có bước cải tiến trong hệ thống lương, đã được nâng lên, tuy chưa giải quyết được căn bản nhưng dù sao đã được Đảng, Nhà nước chú ý, giải quyết. Trước mắt có thể chưa giải quyết được nhiều nhưng về lâu dài sẽ phải tiếp tục giải quyết vì nó rất quan trọng, bởi vì anh có thể làm cho cán bộ không thể, không dám nhưng vẫn cần tham nhũng, thì người ta vẫn có thể tìm mọi cách vô hiệu hóa được.

 

Song song với các tiêu chí trên, vấn đề giáo dục đạo đức trong Đảng và các cơ quan Nhà nước cũng được đẩy mạnh. Giáo sư Phan Xuân Sơn hy vọng một ngày nào đó sẽ được đẩy lên ngang bằng với 3 tiêu chí: không thể, không dám và không cần phải tham nhũng.

Đánh giá về những thành quả của công tác phòng chống tham nhũng, theo Phó Viện trưởng Viện Chính trị học, một tiêu chí không thể không nhắc đến đó chính là thái độ của người dân. Qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như qua tiếp xúc, ông có thể nhận thấy sự đồng tình ủng hộ cũng như sự kỳ vọng của người dân vào công cuộc đấu tranh này.

Tham nhũng có những thời điểm đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân tới mức cực kỳ nghiêm trọng, có thể phải cảnh báo. Nhưng từ sau Đại hội XII đến giờ có thể thấy lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh này càng ngày càng vững chắc. Những từ ngữ “đốt lò”, “củi lửa”, “lò cháy”… được dư luận nhắc đến nhiều. Đây có thể là một điểm mới, một tín hiệu tốt.

 

Đặc biệt theo Giáo sư Phan Xuân Sơn, cũng cần bổ sung cả những đánh giá, nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó đáng chú ý là giới đầu tư. Các thể chế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các CLB đầu tư, các nhà đầu tư lớn đều cảm nhận được những tiến bộ, minh bạch trong hệ thống thủ tục, thể hiện qua kết quả là nguồn đầu tư vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam, thậm chí tăng nhiều nhất trong khu vực và trên thế giới.

Kết quả này có được dựa trên nhiều yếu tố: sự ổn định của chế độ chính trị, sự minh bạch, thuận lợi trong thủ tục hành chính. Yếu tố mà nhà đầu tư cảm thấy ngại nhất vẫn là tham nhũng đã được cải thiện vì thế họ tin tưởng nên kết quả là nguồn đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn tăng đều, thậm chí có thể nói là tăng nhiều nhất trong khu vực và trên thế giới.

Những chỉ báo đó cho thấy những thành quả đấu tranh phòng chống tham nhũng của năm 2019 có sự tiến bộ rõ rệt, đi vào chiều sâu và quan trọng nhất là sự vững chắc. Năm 2017, lần đầu tiên, Tổng Bí thư đánh giá tham nhũng đã được kiềm chế và đẩy lùi. Và hiện nay, khuynh hướng kiềm chế, đẩy lùi đó vẫn đang được tiếp tục. Hy vọng đà này sẽ được tiếp tục.

Nếu như yêu cầu cao nhất đặt ra đối với công tác phòng chống tham nhũng là cán bộ quan chức không thể, không dám và không cần tham nhũng thì yêu cầu lớn thứ hai của công tác này, phải là thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng. Năm 2019, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, số tiền thất thoát do tham nhũng đã được thu hồi về lên tới 51%, một con số khá ấn tượng, tuy chưa phải đã đáp ứng yêu cầu. Nếu mỗi vụ án tham nhũng số tiền lên tới vài chục ngàn tỷ đồng, thì số thất thoát gần một nửa còn chưa thu về được vẫn rất lớn. Vì thế, mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng là phải thu bằng hết, thu đủ, khó cũng phải thu được 70-80%.

Giáo sư Phan Xuân Sơn nêu quan điểm như vậy và cho rằng, các biện pháp chúng ta đã triển khai như kê khai tài sản, bằng chứng phát hiện sai phạm… và một số giải pháp nữa đi kèm theo như kiểm toán hệ thống tài chính, hệ thống kế toán, rồi các thủ tục tài chính kế toán cần phải đổi mới, tốt nhất là hệ thống kế toán cập nhật hiện nay thế giới đang làm. Làm kiểu sổ sách của riêng mình hiện này nhiều khi không phát hiện ra mà quốc tế có muốn giúp cũng không phát hiện được. Mặc dù chỉ là yếu tố kỹ thuật nhưng nó góp phần rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng./.

Theo Hà Thanh/VOV.VN