Giới nghiên cứu cho rằng, thông tin trên mạng xã hội có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, thông tin đa dạng và được cập nhật nhanh chóng… Thứ hai, thông tin trên mạng xã hội có tính lan truyền tức thì và rộng rãi… Thứ ba, thông tin trên mạng xã hội mang tính tương tác cao… Từ thông tin trên mạng xã hội, nhiều nhà báo đã phát hiện những vấn đề nóng, các góc độ đang được dư luận chú ý, từ đó triển khai đề tài cho các tác phẩm, đáp ứng nhu cầu của công chúng… Những thông tin trên mạng xã hội còn là những gợi ý, đầu mối giúp các nhà báo nhận diện, phát hiện những vấn đề bức xúc đang diễn ra. Những phản ánh của cư dân mạng là dấu hiệu, bằng chứng cho thấy những vấn đề đang tồn tại trong đời sống. Có điều, nhà báo phải thẩm định độ chính xác, tìm hiểu mức độ của vấn đề rồi mới sử dụng cho những bài báo của mình.

Trước hết, cần khẳng định thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn không phải là báo chí. Những gì chúng ta đón nhận mỗi khi mở máy tính, truy cập Internet, chia sẻ với cộng đồng mạng chỉ đơn thuần là thông tin mang tính cá nhân mà thôi. Bằng quá trình tác nghiệp cẩn trọng, tỉ mỷ, khách quan và chân thật, báo chí nên chính thống hóa những thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook theo 2 hướng: Nếu thông tin từ mạng xã hội là đúng, báo chí sẽ kịp thời ngợi khen, cổ vũ và khai thác tốt hơn. Ngược lại, khi thông tin từ facebook là sai, báo chí sẽ chấn chỉnh, phê phán và kịp thời định hướng bằng thông tin chính xác. 

Nhìn ra thế giới, ngày 7/5/2013, Hãng Thông tấn AP công bố Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội dành cho phóng viên, một nội dung đáng chú ý nhất là yêu cầu phóng viên không phát tán những tin đồn trên các trang microblog. 

Không chỉ yêu cầu phóng viên không dẫn đường link các nội dung “ngôn từ không phù hợp”, văn bản này còn “thúc giục” các phóng viên, nhà báo tránh việc thông qua twitter, facebook để post và truyền phát những tin đồn chưa được kiểm chứng: “Cho dù phóng viên của các hãng truyền thông khác đưa tin thế nào, phóng viên AP đều không được phép phát tán và tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng trên Internet”. 

Và, trong các văn bản quy định sử dụng mạng xã hội của AP nhiều năm qua, hãng này luôn nhấn mạnh vấn đề kiểm chứng nguồn thông tin đăng tải trên mạng xã hội và có những chỉ đạo rất cụ thể cho từng tình huống.(1)

Khi vai trò của đạo đức nghề nghiệp không được xem trọng thì cần phải nghiên cứu và ban hành những chế định luật mang tính quy phạm trong việc tiếp cận nguồn tin từ mạng xã hội để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và bảo đảm tính định hướng của nó.

Với BBC, dù các phóng viên được yêu cầu phải bắt kịp với sự thay đổi công nghệ hoặc là rời BBC, nhưng, đến nay, tổ hợp truyền thông Anh quốc này vẫn rất cẩn thận với truyền thông xã hội. Trong Quy tắc nghề nghiệp ban hành năm 2009, dày 160 trang của BBC, truyền thông xã hội chỉ được nhắc đến một lần: Các biên tập viên được cảnh báo “cân nhắc tác động của việc sử dụng lại (nội dung truyền thông xã hội) của chúng ta”.(2)

Theo Richard Sambrook, Giám đốc Bộ phận Tin tức toàn cầu của Tổ hợp Truyền thông Anh BBC, thông tin không phải là báo chí. “Bạn nhận được vô số thông tin khi truy cập vào twitter mỗi buổi sáng nhưng đó không phải là báo chí. Báo chí cần tính kỷ luật, phân tích, giải thích và bối cảnh. Do đó đối với ông, đó vẫn là một nghề. Giá trị của báo chí được tăng thêm là sự đánh giá, phân tích và giải thích - và điều đó làm nên sự khác biệt”.(3)

Nhà báo Mỹ Mark Preston, giám đốc mảng tin chính trị của Đài CNN cũng từng nói: “Trong thời đại của facebook và twitter, chúng ta chào đón các nhà báo trẻ tham gia cuộc chơi. Những phóng viên này thường chưa trụ vững đủ lâu khi đối mặt với người biên tập. Họ còn thiếu kinh nghiệm và điều này khá nguy hiểm. Thế nhưng, đó là vấn đề của người đưa tin chứ không phải của các mạng xã hội”.(4)

Như vậy, cơ quan báo chí phải thực sự trở thành người gác cổng thông tin, có cơ chế kiểm soát, thẩm định thông tin từ mạng xã hội. “Nhà báo được đào tạo để kiểm chứng thông tin. Một nhà báo giỏi ngày nay cần phải vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa là một nhà báo trực tuyến và xã hội năng động. Theo thống kê của một chuyên gia nước ngoài, có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, giúp họ nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn, 21% trong số họ bỏ ra mỗi ngày 1 giờ để đọc blog và 16% trong số họ có trang blog riêng”.(5)

Còn nói như Richard Sambrook, báo chí sẽ không mất đi, song các nhà báo phải hiểu một luật chơi: Nếu bạn đang cạnh tranh với Internet, hãy tìm cách thoát ra. Hợp tác, cởi mở và liên kết văn hóa là các quy tắc bạn không thể phủ nhận lúc này, ông nói. 

Trên cương vị một người từng nhiều năm làm công tác quản lý Nhà nước về báo chí, tại Hội thảo Mạng xã hội và Báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức ngày 28/10/2011 tại Huế, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã nêu quan điểm: “Các nhà báo và tòa soạn báo cần tự xây dựng cho mình phương thức xác định sự thật từ những thông tin trên mạng xã hội. Vấn đề là kiểm chứng thông tin chứ không phải là e ngại thông tin từ mạng xã hội. Phía cơ quan quản lý cũng phải nghiên cứu thấu đáo, tạo môi trường lành mạnh để mặt tích cực của mạng xã hội phát triển”.

Đề cao trách nhiệm thẩm định thông tin từ mạng xã hội, PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh: Những thông tin trên mạng xã hội được coi như những gợi mở ban đầu cho các nhà báo. Sau khi phát hiện được những vấn đề nóng, nhà báo kiểm định thông tin, điều tra, khai thác cụ thể, nhận định sâu hơn về sự kiện, vấn đề rồi thể hiện thành các bài báo. Mạng xã hội là nơi công chúng có thể biết được những thông tin một cách nhanh chóng và báo chí là nơi khiến công chúng tin cậy vào những thông tin đó. Nghiên cứu tâm lý cho thấy, con người thường thấy thú vị và quan tâm hơn đến những thông tin được bạn bè chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Nhưng để tính xác thực của thông tin được khẳng định, con người cần đến báo chí với các chi tiết, con người, hình ảnh… xác thực, đã được nhà báo thu thập, thẩm tra, kiểm chứng.

Nguy cơ khi khai thác thông tin từ mạng xã hội

Dễ bị dẫn lại các nguồn tin bịa đặt, sai sự thật, dẫn đến những sai lầm khi định hướng dư luận xã hội, do thiếu sự kiểm chứng thông tin.

Dễ sa đà vào những chủ đề không chứa đựng giá trị thông tin mang tính cơ bản của các chức năng báo chí như tính giáo dục, tính thẩm mỹ, nâng cao kiến thức, nâng cao dân trí…

Dễ dẫn đến sự xuất hiện của các nhà báo, phóng viên lười thâm nhập thực tế.

Dễ dẫn đến tình trạng xâm phạm đời tư, cá nhân.

Dễ dẫn đến tình trạng văn hóa bản quyền bị xem nhẹ.
Cũng có lúc, “nhà báo làm nhiệm vụ tổng hợp, xâu chuỗi thông tin mà người dùng mạng xã hội cung cấp để viết một tác phẩm báo chí. Cùng một sự việc khác nhau, sự kiện nhưng nhiều người có những thông tin khác nhau, ở nhiều khoảng thời gian khác nhau và ở nhiều địa điểm khác nhau. Mỗi thành viên trên mạng có thể được xem như một “nguồn tin” khi cung cấp những thông tin nào đó mà báo chí chưa có được. Chính vì vậy, khai thác thông tin ở nhiều người, nhiều nguồn, báo chí có lượng thông tin phong phú hơn. Lúc này, nhiệm vụ của nhà báo là kiểm duyệt, đánh giá những thông tin thu nhận được từ mạng xã hội, từ đó phân tích, xâu chuỗi một cách bài bản để đăng tải trên báo chí”.(6)

Ở đây cũng không thể đổi lỗi hết cho cá nhân nhà báo khi tiếp cận thông tin, cũng không thể đổ lỗi cho tòa soạn mà ngay cả công tác quản lý Nhà nước ở cấp độ vĩ mô cũng cần phải vào cuộc để điều chỉnh hoạt động truyền thông trên Internet. Cần có biện pháp và hành động kiên quyết nhằm giảm tối đa tác động tiêu cực của Internet đối với đời sống xã hội như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng Internet, trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử thông tin sai sự thật, trái đạo đức và trái pháp luật. 
Có thể nói, việc tiếp cận và sử dụng thông tin từ mạng xã hội là một tất yếu. Nhưng để sử dụng nó như một nguồn tin thì báo chí phải chính thống hóa nó trên các góc độ tiếp cận thông tin một cách có đạo đức. Mà, nói như nhà báo Trần Ngọc Hà, Báo Pháp luật Việt Nam thì, trách nhiệm xã hội, ý thức và nắm rõ đạo đức nghề nghiệp để tuân thủ nó như một mệnh nghề nghiệp của nhà báo khi tiếp cận thông tin từ mạng xã hội trở thành một vấn đề sống còn của báo chí trong kỷ nguyên số. Bởi việc tiếp cận thông tin một cách thiếu chuyên nghiệp, thiếu định hướng, thiếu nhân văn nói trên là sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của đạo đức báo chí trong quá trình tác nghiệp.
(1) TS Nguyễn Thành Lợi, Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014, trang 37.

(2)
http://www.thongtincongnghe.com/article/14609

(3)
http://www.thongtincongnghe.com/article/12582

(4)
http://beta.gik.vn/facebook/vai-tro-cua-facebook-trong-viec-dua-tin-tranh-cu-tong-thong-my-2012

(5)
Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2014, trang 90 - 91.

(6)
TS Đỗ Chí Nghĩa (Chủ biên), Báo chí và mạng xã hội (Sách chuyên khảo), Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2014, trang 110 - 111.

Đỗ Tuệ Minh