Sự “mất giá” của nghề báo là một điều có thật. Thật đến nỗi ai làm báo cũng “sờ” được vào điều đó.

Nghề báo ngày càng khó sống, kinh tế báo chí suy giảm, báo giấy không có thị trường, quảng cáo thì các “đại gia” như Facebook, Google, Youtube… hút hết khách hàng của báo chí. Theo đó, lương của nhà báo giảm đi, thưởng  rút xuống hoặc không còn, nhuận bút thì bèo bọt. Nhiều cơ quan báo chí thậm chí còn nợ lương, nợ nhuận bút, nợ nhà in và nợ cả tiền thuê trụ sở…

Nhiều người rời bỏ nghề báo vì không đủ sống. Các nhà báo chân chính yêu nghề vẫn bám trụ lại với nghề và kiếm thêm những nghề tay trái mưu sinh nuôi nghiệp chữ. Nhà báo đi dạy, nhà báo mở cửa hàng, quán ăn và buôn bán quần áo online đã là hình ảnh không còn xa lạ. Một số chuyển sang làm PR hay làm nhân viên truyền thông, khá khẩm hơn thì làm giám đốc truyền thông cho các tập đoàn, doanh nghiệp. Làm báo chân chính khó vì… nghèo!

Ấy vậy nhưng, số lượng các tờ báo vẫn tăng. Hẳn nhiên là báo điện tử, vì thời buổi này chẳng ai dại dột gì mà ra báo giấy. Tạp chí điện tử cũng tăng dần đều. Lượng phóng viên, nhà báo cũng chưa hề thuyên giảm, đông đến độ một sự kiện “bé như cái móng tay” cũng thu hút “đông đảo các cơ quan báo  chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin”! 

Điều này như một nghịch lý. Báo chí khó khăn thế sao vẫn nhiều người đi làm báo? Vẫn nhiều toà soạn ra đời?

Báo chí đích thực có những nét đẹp, sức mạnh và chức năng riêng. Ngoài chức năng thông tin là một giá trị bất biến, báo chí còn có chức năng chính trị tư tưởng. Sự dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội của báo chí luôn là thứ không thể mất đi trong hoạt động báo chí. Cạnh đó, chức năng giáo dục, giải trí… cũng là mảnh đất để báo chí phát huy những giá trị của mình. Và, báo chí vẫn là món ăn tinh thần của nhiều độc giả Việt.

Thời buổi hiện tại, báo chí còn có chức năng phản biện và giám sát xã hội. Cạnh đó, báo chí còn tham gia vào mặt trận phòng, chống tội phạm, tham nhũng như một sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó. 

Đẹp đẽ và vinh quang là vậy nên nghề báo có những quyền lực riêng mà người ta hay so sánh một cách… ảo tưởng, đó là quyền lực thứ 4 sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thực chất thứ quyền lực này chính là quyền lực thông tin. Ai sở hữu trong tay nhiều thông tin có giá trị thì kẻ đó là người chiến thắng. Thứ quyền lực mềm mại mà uy lực này là thứ khiến nhiều người muốn ở lại với nghề. Nhưng, khổ nỗi chính nó cũng là thứ gây ra sự khó khăn cho người làm báo hiện tại. Khó khăn trong thời buổi nhiều nhà báo ảo tưởng sức mạnh để làm những điều trái đạo, trái luật khiến công chúng mất niềm tin vào báo chí.

Cũng vì điều này mà có những tờ báo, tạp chí điện tử xa rời mục đích tôn chỉ. Nói trắng ra là, sinh ra tờ báo nhưng… làm báo thì ít mà làm việc khác thì nhiều. Minh chứng rõ ràng nhất là một số tạp chí điện tử. Xét về mặt chức năng và khái niệm thì tạp chí điện tử là một dạng thông tin chuyên sâu, chức năng của nó không cần làm thời sự, không cần đánh đấm, điều tra, đếm tầng… nhưng thực tế thì ngược lại.

Sự lộn xộn, lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi thời gian qua xảy ra khá nhiều. Thậm chí, cả những người mới chỉ là cộng tác viên cũng đã xưng danh nhà báo để dọa dẫm, cưỡng đoạt tài sản.
Rồi nhà báo vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, phát ngôn thiếu chuẩn mực và trách nhiệm trên mạng xã hội cũng làm cho công chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm với nhà báo hiện nay. 

Chỉ riêng năm 2017, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xử phạm vi phạm hành chính đối với 27 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 714 triệu đồng. Đã thu hồi 1 giấy phép hoạt động báo chí và 10 thẻ nhà báo. Cục cũng tham mưu lãnh đạo Bộ đình bản tạm thời đối với 5 cơ quan báo chí, trong đó có 4 trường hợp bị đình bản 3 tháng.

Ví dụ chứng minh cho việc này thì nhiều vô cùng và nó cũng lan tràn một cách khủng khiếp. Lan tràn đến nỗi những mặt tích cực của báo chí bị lu mờ đi, khiến hình ảnh nhà báo trở nên “mất điểm” trong mắt bạn đọc. 

Mới đây nhất là vụ một người, xưng là nhà báo, ở 1 tạp chí, chổng mông vào đoàn công tác cưỡng chế thi công tuyến đường tránh ở Can Lộc, Hà Tĩnh, càng làm cho dân tình thêm một lần ngán ngẩm vào hình ảnh của những người làm báo.

Thói đời và tâm lý công chúng hay hướng sự quan tâm vào những điều tiêu cực, “ất ơ” nên mọi “con sâu” trong làng báo đều có ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh của những người làm báo chân chính. Và, mỉa mai thay, những nhà báo chân chính thì cứ mãi nghèo vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Còn những phóng viên, nhà báo ngoài việc khá khẩm khi kiếm tiền chân chính (bộ phận này không nhiều), thì một bộ phận khác giàu lên nhanh chóng từ những đồng tiền bất minh. “Đau” hơn là, họ còn ngạo nghễ cho rằng làm báo mà không biết kiếm tiền thì chữ nghĩa kia cũng trở nên… vô dụng.

Cứ thế, ai chán nghề cứ chán. Nghề báo vẫn tiến lên phía trước với một lực lượng hùng hậu. 

Không thể phủ nhận, nhà báo đang đối mặt với những khó khăn, mà khó khăn nhất không phải vì công nghệ, vì cạnh tranh thông tin như đã nói, mà là khó khăn về nhân tâm, về lòng tin và sự nể trọng mà xã hội dành cho mình đang bị xói mòn. 

Buồn đến nỗi nhiều nhà báo có tuổi nghề than thở: “Xưa cái thẻ nhà báo nó oai, giờ đi đâu xưng danh nhà báo còn thấy ngại…”.

Và, một nền báo chí tiến bộ, phát triển lành mạnh, bền vững hẳn chỉ có được khi cái khó cuối cùng này được giải quyết. Khi mà báo chí thực khách quan, phụng sự Tổ quốc, dân tộc và vì quyền con người. Một nền báo chí mà ở đó có các nhà báo có trách nhiệm với tác phẩm báo chí của mình, viết báo bằng lương tri, không biến báo chí thành công cụ để kiếm tiền cho cá nhân của mình…

Trần Ngọc Hà
Nghiên cứu sinh báo chí