Từ những tác động lớn

Thời gian qua, trên các phương tiện báo chí truyền thông và mạng xã hội, cư dân mạng đề cập khá nhiều về chủ đề cách mạng công nghiệp 4.0; sự tác động của nó tới hoạt động báo chí truyền thông. 

Thực chất, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới báo chí như thế nào hiện vẫn chưa được bàn thảo một cách thấu đáo. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa hẹp, cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ, các hệ thống thông minh đóng vai trò chủ đạo, gồm: Hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hệ thống nhúng (embedded system), hệ thống tự động hoá, hay hệ thống mạng cảm ứng (sensor networks). 

Do đó, việc báo chí truyền thông liên kết, khai thác thông tin thông qua mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng trong kỷ nguyên số. Vì vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ tới báo chí truyền thông cụ thể như: Sự thay đổi trong sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông; đặc tính của các sản phẩm báo chí truyền thông; đặc biệt là sự thay đổi vai trò và vị thế của các nhóm công chúng báo chí truyền thông trong môi trường số.

Về quy trình làm báo cũng có sự thay đổi lớn đó là làm thế nào để các cơ quan báo chí tìm ra nguyên tắc trong việc “lọc” các bình luận và quản lý fanpage, hoặc làm thế nào để sử dụng mạng xã hội hiệu quả trong phát triển nội dung cho báo chí và tạo liên kết và hiệu ứng lan toả thông tin; hay như vấn đề quản trị rủi ro trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội…

Thay đổi mang tính bước ngoặt

Nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay có thể thấy, các phương tiện truyền thông mới đang “càn quét” thế giới, tạo ra sự cộng hưởng và tính tương tác trong “không gian ảo”, hình thành mô hình “công chúng ý kiến”. Các thông tin trên facebook, blog, forum… đều là nội dung do cư dân mạng sản xuất. Những thông tin do công chúng sản xuất được xã hội đón nhận một cách tích cực, trở thành dữ liệu quan trọng cho các nhà quảng cáo quyết định sẽ “đầu tư” trên kênh nào, khung giờ nào. Điều đó cho thấy, ngày nay công chúng không còn đơn thuần là người tiếp nhận thông tin thuần túy, mà trở thành người chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin của các cơ quan truyền thông. Đây chính là hướng đi mới của báo chí truyền thông hiện đại. 

Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một lớp công chúng mới. Hiện nay, công chúng không chỉ tiếp nhận thông tin qua báo, tạp chí in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần tuý, mà với sự phát triển của công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR) đã hình thành “báo nhúng”. Do đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều - nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường. 

Ngoài ra, với công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 4G phát triển, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, khiến số lượng công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh ngày càng tăng. 

Một số vấn đề đặt ra

Trong môi trường truyền thông hiện nay, không ít trường hợp cơ quan báo chí chạy theo hiệu ứng câu view, dẫn đến sự thất thiệt trong thông tin hay thổi phồng một số tình tiết trong sự kiện, hoặc “thêm mắm, dặm muối”, cố ý xuyên tạc câu trả lời của đối tượng được phỏng vấn để đạt mục đích thu hút sự chú ý của độc giả. Cách làm này đã đi ngược với tinh thần “sự thật là nguyên tắc tối thượng” của báo chí, đồng thời khiến báo chí bị mất niềm tin của công chúng.

Khi bàn về vấn đề giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong môi trường số có thể thấy, với vai trò là chủ thể dư luận - công chúng truyền thông có đặc trưng là nặc danh (giấu tên), do đó, việc các cơ quan báo chí làm thế nào nắm bắt chính xác chủ thể này là không hề dễ dàng. Nói cách khác, công chúng mạng không phải là sự tồn tại mang tính thực thể mà do có chung ý kiến, quan điểm về một số hiện tượng xã hội và vấn đề xã hội mà hội tụ lại với nhau, có sự đồng thuận trên cấp độ dư luận, nhưng trong đời sống thực tế lại rất dễ bị phân tán. Nhóm công chúng này thường không ổn định, họ có thể tập trung vì có chung  ý kiến, đồng thời cũng có thể giải tán khi không chung quan điểm.

Ngoài ra, trong môi trường truyền thông mới, mô hình sản xuất thông tin cũng đã có sự thay đổi về chất, kỷ nguyên số tạo điều kiện cho chủ thể dư luận mới là cộng đồng cư dân mạng ngày càng mạnh hơn, đồng thời tích hợp lại dựa trên đặc điểm “cùng nhóm đồng thuận, ngoài nhóm dị kiến”. Đặc điểm đó có mối liên hệ rất mật thiết với đặc tính của mạng Internet. 

Mạng Internet có ưu thế là tính vượt trội về công nghệ, dễ dàng gắn kết các cá thể vốn không có mối liên hệ và phân tán ở khắp nơi lại với nhau. Trong thực tế, các cá thể phân tán này vốn không thể trở thành chủ thể dư luận, tuy nhiên nhờ sự kết nối của Internet mà có khả năng hành động tập thể. 

Hiện nay, rất nhiều website ngày càng chú trọng chia nhỏ công chúng, để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của họ, phân loại nội dung của các website  cũng trở nên chi tiết hơn. Đó là lý do khiến cư dân mạng có tính “đồng thuận” cao, họ chủ động lựa chọn những thông tin mình quan tâm, hình thành nên hình thái chủ thể dư luận phân tán mà hội tụ.

Một điều đáng chú ý là, dư luận trên mạng Internet trong mô hình truyền thông mới đã thúc đẩy sự ra đời của một số nhóm lãnh đạo quan điểm (opinion leader) trong công chúng. Đó là sự ra đời của các blog cá nhân, các group trên mạng xã hội. 

So với các phương tiện truyền thống, các diễn đàn, group này đã cung cấp cho công chúng kênh mới để phát biểu ý kiến, phá vỡ mô hình truyền thông truyền thống một chiều từ trên xuống dưới, trao cho công chúng nhiều quyền phát ngôn hơn, cư dân mạng vừa là người tiếp nhận thông tin, vừa là nhà sản xuất, truyền bá thông tin. Và, những người lãnh đạo quan điểm có khả năng huy động, động viên xã hội mạnh mẽ đó đã khiến tính ổn định trong cơ cấu quyền lực xã hội phải đối mặt với những thách thức lớn. 

Trong môi trường dư luận mới vừa có sự tham gia của các phương tiện truyền thông truyền thống vừa có sự góp mặt của các phương tiện truyền thông mới, do vậy, rất cần sự chủ động vào cuộc của báo chí, thực sự là “kênh” thông tin quan trọng làm tốt chức năng giám sát và định hướng dư luận là “người gác cổng thông tin”, định hướng dư luận tốt trên mạng Internet. 

Kể từ khi tờ báo điện tử đầu tiên trên thế giới xuất hiện (1995), chủ đề thu hút nhiều người quan tâm nhất đó là liệu báo in có bị khai tử và làm thế nào để báo in và website có thể cùng “chung sống hòa bình” trong tòa soạn, từ đó ra đời nhiều lý thuyết về báo chí hiện đại mà hiện nay nhiều người đang đề cập đó là thuật ngữ “đa nền tảng”. 

Đặc biệt, sự chuyển đổi từ nhà báo “đa năng” sang tư duy mobile đã từng bước được hình thành. Một cơ quan báo chí không chỉ đơn thuần có báo in, phát thanh, truyền hình hay website, mà còn có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động. 

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hiện nay chúng ta có nhiều sản phẩm thông minh hơn, có thể giảm sức lao động của nhà báo, đồng thời nâng cao hiệu suất công việc cho tòa soạn. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, sự vận động và phát triển  của báo chí hiện đại đã và đang biến thiên không ngừng. Với tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay, nếu chúng ta không nhận thức kịp thời và có những hành xử phù hợp, những người làm báo hiện đại dễ bị rơi vào mê trận của vòng xoáy  thực tiễn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi

Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo