Chiều nay, 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận các kịch bản ứng phó dịch Covid -19, chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và một số vấn đề khác.

Về các kịch bản ứng phó dịch, Thủ tướng đặt vấn đề, trong tình huống xấu nhất thì phương án của Chính phủ là gì để không bị động, nhất là phương án về huy động nguồn lực và các biện pháp cần thiết khác?

Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta không mong tình huống xấu xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì phải ứng phó chủ động hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Thủ tướng khẳng định, các giải pháp mới nhất (theo Chỉ thị 16 vừa ban hành) mang tính “tiền khẩn cấp” là để dãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các TP lớn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp. Theo Thủ tướng, nếu không chủ động giải quyết vấn đề này thì khó khăn cho đất nước. Do đó, cuộc họp tập trung bàn về đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn lực thực hiện, từ đó, sẽ báo cáo vấn đề quan trọng này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày mai, 1/4.

“Qua mấy tháng vừa rồi, nhiều người khổ lắm, nhất là thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn. Chúng ta thấu hiểu được vấn đề này của người dân, của người công nhân, viên chức”, Thủ tướng phát biểu.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế đã báo cáo về các tình huống, cấp độ bùng phát của dịch và các kịch bản triển khai với mỗi tình huống này, trong đó, lường trước cả tình huống xấu nhất.

Hương Giang