Là người có hơn 40 năm nghiên cứu và 27 năm chia sẻ các câu chuyện về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, trong Di chúc, Người không chỉ nêu bật những tư tưởng lớn mà còn chỉ dẫn sâu sắc về phương pháp, cách làm trong thực tiễn, hướng dẫn chúng ta hành động sáng tạo, linh hoạt, kiên định lý tưởng, mục tiêu, giữ vững nguyên tắc mà cũng vô cùng uyển chuyển, mềm dẻo “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong những hoàn cảnh mới, điều kiện mới.

Đọc từng chữ, nghiền ngẫm từng câu

Di chúc được Bác viết lần đầu vào ngày 15/5/1965, nhân dịp Người sang tuổi 75 “thuộc lớp người xưa nay hiếm”. Từ đó cho đến năm 1969, cứ vào tháng sinh nhật, Người lại đem ra xem lại và mỗi lần lại “thấy cần phải viết thêm mấy điểm”. 

Năm nay, vừa tròn 50 năm toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Đọc lại bản Di chúc lịch sử, thêm một lần nghiền ngẫm, nghĩ suy, ghi nhớ những lời căn dặn trước lúc Người đi xa.Và, điều quan trọng lớn lao, có ý nghĩa thiết thực hơn, theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị là đánh giá, kiểm điểm lại những gì đã làm được và những gì chưa làm.

“Di chúc của Bác chứa đựng những nghĩ suy của một người suốt đời cống hiến, hy sinh, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết. Đó là những chiêm nghiệm, những đúc kết không phải chỉ trong quãng thời gian hơn bốn năm Bác viết Di chúc. Cũng không phải là những lời căn dặn vội vàng trước phút lâm chung. Người viết Di chúc trong lúc “tinh thần đầu óc vẫn sáng suốt”, tâm thế ung dung, tự tại tựa hồ như một đêm trăng rằm năm nào Bác ngồi trên con thuyền bàn việc quân cơ ở núi rừng Việt Bắc”, ông Nghị nói.

Theo nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội, từng chữ, từng câu trong Di chúc là kết tinh của sự suy xét thấu đáo; là những lo nghĩ về việc chung, việc của Đảng cầm quyền và công việc dựng xây đất nước; là những lời dặn dò hết sức thiêng liêng cùng với những tình thương bao la dành cho đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế gần xa.

“Bản Di chúc được Bác viết hết sức cô đọng, hàm chứa những điều vô cùng lớn lao, hệ trọng”, ông Nghị khái quát và nói, “đọc Di chúc của Bác càng hiểu thêm những niềm riêng của Người!”.

Cô đọng, hàm xúc mà âm hưởng lớn

Về việc chung, Bác nói về Đảng, về trách nhiệm của một Đảng cầm quyền: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình...”. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

“Đó là những lời dặn dò thật ân cần mà cũng vô cùng nghiêm khắc”, ông Nghị nhấn mạnh và cho hay, là cán bộ nếu không trau dồi, rèn luyện hàng ngày, không đặt lợi ích của nhân dân lên trên, khi lòng dạ không trong sáng nữa thì nhất định sẽ suy thoái.

Sâu xa hơn nữa, theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ là người sớm nhận thấy, muốn cho Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh thì Đảng phải dựa vào dân, cán bộ đảng viên phải gắn bó mật thiết với dân, suốt đời gần dân và vì dân. Không có sự giúp đỡ, tiếp sức, thúc đẩy của dân thì Đảng, trong không ít trường hợp, nhất là khi đã cầm quyền cũng khó vượt qua những suy thoái, hư hỏng. 

“Những kiến giải ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tư tưởng sâu sắc mà thâm thúy, cô đọng, hàm xúc mà có âm hưởng lớn, có hiệu ứng rộng, có sức lan tỏa xa cho đến tấm gương đạo đức tuyệt vời trong sáng của Người và trở thành phong cách giản dị, tự nhiên, như nhiên, “Giản dị - Lão thực - Hiền minh” như nhận xét tinh tế của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Người, ta nhận ra tầm vóc và ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc và nhân loại. Tất cả kết tinh trong Di chúc của Người”, GS.TS. Hoàng Chí Bảo chia sẻ.

Những điều Bác nói trong Di chúc vẫn còn vang vọng, vẫn rất gần với cuộc sống của người dân. “Trong Di chúc, chúng ta có thể tìm thấy giá trị từng câu, từng chữ một”, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức nói.

Học Bác, mỗi cán bộ hãy tự sàng lọc mình

Để thực hiện Di chúc của Bác, theo ông Chức, mỗi đảng viên làm cái gì phải thật sự xứng đáng mình là đảng viên. “Đảng đã có chỉ thị về nêu gương, sàng lọc đảng viên thì mỗi người hãy tự sàng lọc mình. Bác đặt vấn đề “tự mình” vô cùng quan trọng, chứ không phải cứ chờ tổ chức sàng lọc mình hay có ý kiến thì mình mới làm. Đảng viên là tự nguyện, tự giác ngộ, tự rèn luyện tu dưỡng, cái đó rất quan trọng”, ông Chức nhấn mạnh.

TS Nguyễn Viết Chức nêu, học Bác thì phải học tỉ mỉ từng câu từng chữ, học từng điều Bác đã căn dặn, những điều vô cùng quan trọng rằng cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

“Không có lợi ích nào ngoài lợi ích nhân dân, cán bộ đảng viên làm trái điều đó thì phải loại ra khỏi đội ngũ”, ông Chức nói, cán bộ phải nêu gương làm những điều tốt, phải thực hành, làm mẫu để cho người dân noi theo. 

“Làm mẫu như nào? Đó là phải lao vào khó khăn, lao động sáng tạo, khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ. Còn không nêu gương làm tốt, mà có gì hở ra lách luật, sống trên dân, sống xa hoa, không đúng bản chất cán bộ đảng viên là sai trái. Suy thoái đạo đức, tư tưởng, tha hoá, buông lỏng lối sống thì rõ ràng không chấp nhận được. Chúng ta phải học tập Bác Hồ nêu gương sáng để toàn xã hội cùng làm”, TS Chức gợi ý.

Ông cũng cho hay, việc đặt vấn đề xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là hoàn toàn chính xác, vì phải trong sạch mới có thể vững mạnh. “Thực hiện Di chúc của Bác là phải xây dựng đất nước độc lập, hoà bình, dân chủ và giàu mạnh. Chúng ta phải cùng nhau đoàn kết để xây dựng đất nước dù còn nhiều khó khăn”, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh… Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những mong muốn của Người vẫn luôn là động lực phấn đấu và hành động của mỗi chúng ta” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

“Cuộc đời và sự nghiệp của Người là hiện thân cho trí tuệ, tâm hồn, lương tâm của dân tộc, khí phách của thời đại, suốt đời đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, hòa bình cho nhân loại.

Cả cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, không màng danh lợi cá nhân, yêu thương đồng chí, đồng bào, luôn nghiêm khắc với chính mình, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, với phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sát thực tiễn, không quan liêu, qua loa đại khái, luôn coi trọng tiết kiệm tiền tài, công sức của nhân dân, thực hành rộng rãi và thường xuyên dân chủ trong Đảng và trong xã hội” - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.


“Về việc riêng: Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" (Trích Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh).


Hương Giang