Thời bây giờ, với những người nông dân lam lũ, tay không, cốt cán của cách mạng, mà khi lấy đất cho doanh nghiệp, người ta đã dùng cả một bộ máy, tương đương với quân sự, nhiều lực lượng công an tham gia... với sở chỉ huy dã chiến. Chắc hẳn có ban tham mưu, có tư lệnh, có bản đồ chiến dịch, có bộ đàm réo gọi!

Nghe thật oách, cứ như đánh trận thật. Nên, khi họ nói về các nhà báo bị đánh với thái độ rất dửng dưng. Vì họ đã lường trước, cản trước, kể cả có lực lượng mật phục, lực lượng tiên phong... Lạ thật, không phải bị dân đánh, không phải bị bọn côn đồ, đầu gấu đánh... mà bị chính công an, có chỉ huy hẳn hoi, đánh.

Càng kêu to, chúng tôi là phóng viên, nhà báo... càng bị đánh. Một người bị đánh, người thứ hai xưng danh là nhà báo, đề nghị: Đừng đánh, đây là nhà báo... cũng bị đánh luôn, còng tay luôn, nhốt luôn lên xe thùng... Đánh hội đồng, như đánh kẻ phạm tội.

Ngày trước, phóng viên báo, đài Trung ương xuống địa phương đột xuất, chánh văn phòng uỷ ban đon đả tiếp nước. Còn khi có lễ trọng thì khỏi phải bàn, cơm rượu, đón tiếp thịnh soạn... Bây giờ, khi khó khăn, gian nan, dân không đồng tình, các anh đến, lỡ thông tin ra ngoài, thì thật khó cho địa phương... Điều lạ là, đánh rồi vẫn không nhận là có đánh... cứ lý sự cãi chày, cãi cối. Và, 10 ông ở “sở chỉ huy dã chiến” ấy, có phỏng vấn cả 10, vẫn cứ: Không biết, không nghe, không thấy!

Quả là không thấy! Ai mà thấy cảnh đánh nhà báo, đánh lên, đánh xuống, tàn độc, coi như kẻ thù. Đánh 1 người, đánh 2 người không có vũ khí, không chống đối, rồi bắt, rồi chở bằng xe thùng... nhưng “sở chỉ huy dã chiến” không biết gì. Rồi bắt nhà báo viết bản tường trình, 1 lần, 2 lần, viết thư đề nghị Giám đốc Sở Công an, nơi thường gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ công việc suốt nhiều năm nay, gần như phơi mặt nơi công đường suốt cả ngày... vậy mà không ai ở “sở chỉ huy dã chiến” nhận ra. Không ai đến bắt tay, tỏ ra có quen biết, có gặp... Không ai nhận lỗi cho nhà báo được hân hạnh!

Sao việc giải toả tồi tệ như Tiên Lãng (Hải Phòng) mà các nhà báo đi đêm về hôm vẫn được bảo vệ, thông tin ngược chiều vẫn được coi trọng và được Chính phủ coi là có công đầu khi phát hiện ra sự thật? Và, người dân được bảo vệ cùng với quyền lợi của họ. Những kẻ đi ngược lại quyền lợi của dân phải trả giá... Còn tại Văn Giang thì vì quyền lợi của ai mà cấm, mà đánh cả nhà báo? Điều này, các cấp lãnh đạo, chỉ đạo có biết không? Hay địa phương nhắm mắt làm liều? Nhà báo không sai. Lấy thông tin công khai, minh bạch ở nơi làm việc đúng pháp luật, giữa ban ngày, ban mặt, lại có cả 2 người, ai đổ vấy nhận hối lộ, làm ăn phi pháp, trộm đạo được? Nhưng, cơ quan công quyền thì sai đã rõ, có cả “sở chỉ huy dã chiến”, cãi vào đâu được?

Có thể, sau khi có cấp cơ sở ghét nhà báo thì cũng có nơi “ăn theo” ghét cả những người chuyên đi giải quyết đơn thư tồn đọng cũng nên. Bởi vì, những ông thanh tra này chuyên lục vấn về trách nhiệm của ông A, bà B, ở Sở Công an có, ở Phòng Lao động, Phòng Tài nguyên Môi trường có, chủ tịch uỷ ban các cấp cũng có... Lại cứ đưa lý ra và đề nghị xem xét khách quan! Có khi, họ cũng nổi nóng với quan tỉnh, quan huyện: Sao lại để sự việc kéo dài? Sao không thương những người đã được Chính phủ đồng ý giải quyết theo kiến nghị của đoàn thanh tra, theo hướng có lợi cho dân? Sao cả năm qua, không trực tiếp tiếp dân?...

Chúng tôi từng biết có những đoàn thanh tra về tỉnh được “ưu ái quá mức” đến nỗi phải ở lại địa điểm cách xa trụ sở của tỉnh 20 - 30 cây số, để các thành viên của đoàn tránh các cuộc tiếp xúc, “thân thiện” của lãnh đạo... để vụ việc được kết luận một cách khách quan, thấu đáo, chính xác, đúng pháp luật.

Quả là, làm thanh tra bây giờ khó hơn làm phóng viên!            

  Hoàng Trí