Quản lý quỹ đất công ích… lỏng lẻo

Sở TN&MT Quảng Ninh cho biết, qua kiểm tra tại Trung tâm Hành chính công và Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ đất huyện Vân Đồn cho thấy: Năm 2017, huyện Vân Đồn đã giải quyết 1.625 hồ sơ chuyển nhượng quyền SDĐ; trong đó, có 32 trường hợp chuyển nhượng đất rừng sản xuất với tổng diện tích 218,36ha. Năm 2018, giải quyết 996 hồ sơ; trong đó, có 2 trường hợp chuyển nhượng đất rừng sản xuất với tổng diện tích 2,03ha. Quý 1, năm 2019, đã giải quyết 719 hồ sơ (chưa giải quyết cho trường hợp nào chuyển nhượng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản).

Đoàn thanh tra khẳng định, trong thời gian Quốc hội đang xem xét ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (năm 2017 - 2018), tình hình SDĐ trên địa bàn huyện Vân Đồn có diễn biến phức tạp. Việc mua bán, chuyển nhượng đất đai không ngừng gia tăng, giá đất biến động liên tục theo chiều hướng tiêu cực. Một số hộ gia đình, cá nhân đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích SDĐ, xây dựng trái phép... Tuy nhiên, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn không phát hiện, xử lý được trường hợp nào mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép.

Cùng với đó, việc thực hiện các quyết định xử phạt hành chính, thu hồi đất không triệt để nên vẫn còn một số trường hợp chưa nộp tiền phạt, chưa khắc phục hậu quả. Đặc biệt, có cả trường hợp vi phạm nhưng chưa được kiểm tra, xử lý.

Không chỉ vậy, việc quản lý quỹ đất công ích, đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Hầu hết các xã đều không nắm chắc được tình hình sử dụng quỹ đất công ích; việc rà soát, xử lý thu hồi đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng hoặc không SDĐ thực hiện rất chậm, đến thời điểm thanh tra chưa thu hồi được trường hợp nào.

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản chỉ mới đạt 70% kế hoạch đề ra. Các trường hợp SDĐ nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản đã hết hạn thời gian SDĐ còn nhiều nhưng chưa được xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai

Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, nêu rõ: Chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích SDĐ trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc theo dõi, cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai chưa kịp thời; chưa cập nhật, chỉnh lý biến động trên bản đồ địa chính, sổ mục kê dẫn đến thống kê đất đai hàng năm không chính xác; công tác bố trí tái định cư cho một số hộ dân còn chậm…

Sở TN&MT Quảng Ninh khẳng định, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại trên là do các cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn chưa xây dựng được biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, xử lý việc chuyển nhượng đất đai ngầm. Bên cạnh đó, UBND cấp xã còn chưa quyết liệt, e dè, nể nang. Các phòng, ban chuyên môn của huyện chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về đất đai, xây dựng…

Trước những vi phạm trên, Sở TN&MT đề nghị UBND huyện Vân Đồn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác quản lý đất đai, chuyển nhượng quyền SDĐ trên địa bàn huyện.

Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Vân Đồn tổ chức họp rút kinh nghiệm; có hình thức xử lý kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật theo quy định.

Vi phạm tràn lan, tái diễn

Trước đó, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, SDĐ trên địa bàn huyện Vân Đồn. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2015 đến 31/12/2017.

Kết luận thanh tra đã “vạch” ra hàng loạt vi phạm, tồn tại. Đặc biệt chỉ rõ, UBND huyện Vân Đồn chưa chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát các hộ gia đình, cá nhân SDĐ nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP đã hết hạn SDĐ, dẫn đến tình trạng lãng phí và găm giữ đất để chờ thu hồi, giải phóng mặt bằng.

Tại xã Ngọc Vừng, có 7 trường hợp đã hết hạn SDĐ, các hộ đã chuyển khỏi địa phương và không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên thửa đất, tuy nhiên vẫn được UBND xã "ưu ái" xác nhận và được UBND huyện gia hạn SDĐ và cấp giấy chứng nhận.

Không chỉ thế, tại xã Đài Xuyên, trong 2 năm (2015 - 2016) có 11 hộ gia đình, cá nhân đã tự ý chuyển mục đích SDĐ, tiến hành trồng cam, đào trên đất rừng sản xuất với diện tích khoảng 65.000m2; 1 hộ tự ý xây dựng xưởng băm dăm gỗ trên diện tích đất ở, đất vườn và đất trồng lúa - nơi không phải quy hoạch chế biến gỗ.

Tại thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, trong năm 2016 và 2017, có 11 trường hợp tự ý san gạt, hạ cốt đất rừng sản xuất sang trồng cây ăn quả, xây dựng nhà.

 

Nghiêm trọng hơn, tại 7 xã, thị trấn trong huyện, đoàn thanh tra phát hiện có tới 426 hộ gia đình, cá nhân tự ý SDĐ sai mục đích, xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp trước 1/7/2014. Cá biệt, tại thời điểm kiểm tra, còn có hộ gia đình đang xây dựng thêm nhà thứ 2 trên đất nông nghiệp được giao.

Năm 2015, UBND huyện Vân Đồn đã có thông báo về việc kiểm tra, rà soát cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp SDĐ sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa có kết quả và cũng chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm nêu trên…

Ngoài ra, trong quá trình xin chuyển mục đích SDĐ, có 6 hồ sơ thực hiện việc trích lục bản đồ địa chính không đúng quy định, nhưng Phòng TN&MT vẫn thẩm định và Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ vẫn dùng để làm căn cứ và cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân...

Việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ trên địa bàn huyện còn chậm so với kế hoạch đề ra. Cá biệt, UBND xã Hạ Long đã được Xí nghiệp TN&MT 3 bàn giao 85 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ lâm nghiệp từ năm 2012, nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn còn tới 65 hồ sơ chưa được giải quyết.

Qua kiểm tra 12/12 xã, thị trấn trong huyện cho thấy, các xã chưa tiến hành xét duyệt làm cơ sở cho việc cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền SDĐ theo bản đồ địa chính, dẫn đến một số thửa đất sai về đối tượng, mục đích SDĐ giữa bản đồ địa chính, sổ mục kê so với thực tế các hộ đang sử dụng. Việc theo dõi, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chưa kịp thời; công tác kiểm kê, thống kê đất tại xã chưa được thực hiện theo đúng quy định…

Huyện Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu Kinh tế Vân Đồn vào năm 2007. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác quản lý về đất đai trên địa bàn huyện Vân Đồn đã bộc lộ nhiều hạn chế. Điều đáng nói, dù đã được chỉ ra, chấn chỉnh nhưng các vi phạm vẫn tiếp tục được tái diễn, kéo dài. Trước thực trạng này, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, xem xét, làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra các vi phạm về đất đai và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trọng Tài