Tích cực đôn đốc thực hiện các kết luận

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả của hoạt động thanh tra. Xác định tầm quan trọng đó, những năm gần đây, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành là tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định sau thanh tra, nhất là thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua thanh tra, cũng như xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, công tác này đã có sự chuyển biến tích cực, đáng khích lệ; nhiều cuộc thanh tra đã thực hiện thu hồi dứt điểm các sai phạm về kinh tế ngay trong quá trình thanh tra.

Năm 2021, toàn ngành thực hiện 136 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 1.179 đơn vị, doanh nghiệp (DN). Qua đó, phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 37,5 tỷ đồng và hơn 20 nghìn m2 đất. Đặc biệt, ngành Thanh tra chú trọng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra. Với kết luận thanh tra hành chính, đến nay đã thực hiện về tiền hơn 472 triệu đồng trên tổng số hơn 548 triệu đồng (đạt 86,1%); thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã thu hồi về kinh tế gần 332 triệu đồng, số tiền vi phạm đã xử lý khác 762,5 triệu đồng.

Riêng Thanh tra tỉnh, năm 2021 đã thực hiện xong 44/55 kết luận, quyết định (đạt 80%); đã thu hồi về kinh tế được gần 33,4 tỷ đồng trên tổng số hơn 33,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ ấn tượng 98,6%; số tiền phải xử lý khác là hơn 252 tỷ đồng, đến nay đã xử lý được gần 243 tỷ đồng, đạt 96,3%; về đất đai đã xử lý được 1.707,6m2/2.190,2m2. Đồng thời, kiến nghị, xử lý 18 tổ chức, 27 cá nhân liên quan đến vi phạm.

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cho biết, có được kết quả đó là nhờ các cuộc thanh tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Bên cạnh đó, chất lượng các cuộc thanh tra cũng được nâng lên với những biện pháp cụ thể như: Các biên bản trong quá trình thanh tra được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, căn cứ để phục vụ trong quá trình kết luận; việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra đảm bảo chất lượng cao.

Mặt khác, các đoàn thanh tra luôn chú ý, xem xét, lắng nghe ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra và của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là những ý kiến tham gia của các ngành có chuyên môn sâu.

Kết luận thanh tra đảm bảo sự chính xác, khách quan, tránh sự áp đặt, miễn cưỡng. Với các đề xuất, kiến nghị, bên cạnh việc đúng quy định của pháp luật cũng phải “có tình, có lý”, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi; nội dung kiến nghị phải nêu rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện và cụ thể thời hạn thực hiện đến bao giờ…

Triển khai kịp thời, đồng bộ kê khai tài sản, thu nhập

Bên cạnh tập trung thu hồi tài sản sau thanh tra, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời triển khai kịp thời, đồng bộ kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.

Thực hiện Luật PCTN và Nghị định 59/2019 của Chính phủ, hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. Năm 2021, tỉnh Bắc Ninh đã luân chuyển 71 cán bộ, công chức, viên chức.

Đáng chú ý, Bắc Ninh đặc biệt chú trọng thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 122 về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập lần đầu năm 2021. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh cũng có văn bản hướng dẫn, triển khai công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập và văn bản bàn giao hồ sơ kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong năm, trên địa bàn tỉnh có 41 đơn vị là đầu mối tổ chức kê khai với 834 đơn vị thực hiện kê khai. Đến nay, có 834/834 đơn vị gửi báo cáo, đạt 100%; với tổng số 6.546/6.546 người phải kê khai, các bản kê khai này đã được công khai theo quy định. Không có ai bị xử lý trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập. Qua thanh tra, không có vụ việc tham nhũng nào bị phát hiện và xử lý.

Đặc biệt, thời gian qua, Bắc Ninh rất chú trọng tới PCTN tại các DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 51 chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (trừ các đối tượng là DN Nhà nước); 19 tổ chức xã hội do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; và 1 công ty đại chúng.

Hiện nay, các DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh phần lớn đã thực hiện các biện pháp PCTN trong thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra nội bộ; thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch; việc kiểm soát xung đột lợi ích và việc thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước (đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng). Nhờ vào cuộc tích cực, trong năm, Bắc Ninh không phát hiện hành vi tham nhũng trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Phát huy trách nhiệm của xã hội trong PCTN, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên vẫn tiếp tục triển khai tuyên truyền pháp luật về PCTN; đã tổ chức trên 150 cuộc giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia tích cực giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu nhằm phát hiện và kịp thời phản ánh, thông tin về các hành vi tham nhũng, lãng phí của cán bộ, công chức, viên chức đến các cơ quan có thẩm quyền.

Hải Hà