Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), UBND 6 tỉnh (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An Hà Tĩnh) cho thấy, về cơ chế chính sách có 7 nội dung phải thực hiện, theo báo cáo của Bộ LĐTBXH đã thực hiện xong 3 nội dung.

4 nội dung còn lại đang thực hiện gồm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; rà soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và đối tượng áp dụng; tăng cường hạ tầng thông tin, bố trí kinh phí vận hành cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Lao động nước ngoài (QLLĐNN); kiểm tra cụ thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề tiền môi giới thị trường Đài Loan và Nhật Bản; rà soát, điểu chỉnh mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản đảm bảo quyền lợi của người lao động. Hủy bỏ các văn bản được ban hành không đúng quy định được nêu tại kết luận thanh tra.

Về xử lý trách nhiệm, ngày 2/7/2021, Bộ LĐTBXH đã tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Cục trưởng Cục QLLĐNN, Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Ban Điều hành hoạt động quỹ trong các giai đoạn trước đây vì đã để xảy ra các vi phạm.

Đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm để trong thời gian tới không xảy ra các vi phạm tương tự và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Kiểm điểm trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH giai đoạn từ năm 2013-2018 và yêu cầu Chánh Thanh tra nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu Bộ ban hành quy định chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Bộ không đầy đủ nội dung; chỉ đạo các trưởng đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính nếu doanh nghiệp vi phạm, chú ý thanh tra lại các doanh nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2018 đã thanh tra nhưng không xử phạt, nếu doanh nghiệp vẫn sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Đối với kiến nghị về xử lý kinh tế và xử lý khác, đã thực hiện xong 4 nội dung gồm xử lý đối với các doanh nghiệp đã được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không làm thủ tục cấp đổi giấy phép hoặc làm thủ tục cấp giấy phép chậm so với quy định; thu hồi giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của 3 doanh nghiệp (Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam; Công ty Cổ phần Thương mại và Cung ứng nhân lực Quốc tế Bắc Việt; Tổng Công ty Thủy sản Hạ Long); kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện thí điểm đưa hộ lý sang Nhật Bản và xử lý thiếu sót, khuyển điểm của các doanh nghiệp; thanh tra toàn diện hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với Công ty Cố phần Nguồn nhân lực quốc tế Thuận An KYOTO và đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 60 triệu đồng.

4 kiến nghị đang được Bộ LĐTBXH thực hiện, chưa hoàn thành gồm kiểm tra, thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp do hoạt động yếu kém; có biện pháp xử lý số tiền do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ LĐTBXH (thời kỳ năm 2015-2018); chủ trì phổi hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra toàn diện việc thu, chuyển tiền môi giới ra nước ngoài trái quy định; kiểm tra, xác minh, thống kê, tổng hợp số tiền môi giới và phí dịch vụ mà các đơn vị đã thu của người lao động không phù hợp với quy định của pháp luật, báo cáo trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với UBND các tỉnh được thanh tra (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An Hà Tĩnh), đến nay theo báo cáo của các tỉnh, các kiến nghị đã cơ bản được nghiêm túc triển khai thực hiện. Còn một số nội dung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 phức tạp nên việc thực hiện còn chậm so với kế hoạch.

Căn cứ kết luận thanh tra, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo kết qủa thực hiện kết luận thanh tra của Bộ LĐTBXH và 6 địa phương, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTBXH tiếp tục thực hiện triệt để các nội dung kết luận, kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 2112 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, thực hiện nội dung kiến nghị chưa hoàn thành được nêu tại điểm b. Mục 1, điểm b Mục 3.1; Mục 3.2, Mục 3.3 và Mục 3.4 thuộc Phần I báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị, cá nhân được nêu tại kết luận thanh tra. Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã tổ chức kiểm điểm đối với một số cá nhân, tuy nhiên, việc kiểm điểm còn hình thức, chủ yếu là rút kinh nghiệm.

Lê Phương