Những năm qua, Thanh tra tỉnh Lai Châu luôn xác định hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra xử lý sau thanh tra có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, thông qua hoạt động này sẽ giúp cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực thi các kiến nghị, kết luận thanh tra.

Xuất phát từ tầm quan trọng đó và yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước, tập thể lãnh đạo Thanh tra tỉnh thường xuyên quan tâm và chỉ đạo sát sao hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan đơn vị báo cáo và thành lập đoàn để tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra còn tồn đọng về xử lý tài chính, công tác quản lý, cũng như việc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Về kết quả công tác theo dõi, đôn đốc xử lý sau thanh tra trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, thể hiện ở việc xử lý thu hồi về sai phạm nộp ngân sách Nhà nước toàn ngành đạt 72%, trong đó thanh tra hành chính thu hồi đạt 82%, thanh tra chuyên ngành đạt 66%, riêng đối với Thanh tra tỉnh tỷ lệ thu hồi đạt 91,8%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Mai Ngọc Thành cũng thừa nhận hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có hạn chế, khó khăn nhất định. Mỗi cơ quan, địa phương có những biện pháp chỉ đạo thực hiện khác nhau, chưa theo dõi, đôn đốc toàn diện các kiến nghị, kết luận xử lý về thanh tra theo quy định, chủ yếu vẫn tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị xử lý về kinh tế. Đối với các kiến nghị về công tác quản lý và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức.

Việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong hoạt động xử lý sau thanh tra tại một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện đầy đủ như: việc mở sổ theo dõi, đôn đốc, ban hành văn bản đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng chưa thường xuyên, liên tục, dẫn đến tỷ lệ thu hồi ở một số cơ quan, địa phương thấp so với tỷ lệ chung của toàn ngành Thanh tra; công tác kiểm tra ít được các cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Nguyên nhân chủ yếu được ông Thành chỉ ra là do quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập, chế tài xử lý trong việc chấp hành thực hiện kết luận thanh tra chưa đủ mạnh; một số kết luận thanh tra nội dung kiến nghị tính khả thi chưa cao, kiến nghị còn chung chung chưa chỉ rõ những tập thể, cá nhân vi phạm, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện việc xử lý qua thanh tra; việc chỉ đạo thực hiện xử lý sau thanh tra chưa được chú trọng nên ảnh hưởng đến kết quả xử lý sau thanh tra toàn ngành.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, ông Thành kiến nghị: Các cơ quan, đơn vị tăng cường quán triệt, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận tra, nâng cao trách nhiệm, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác xử lý qua thanh tra, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Kết luận thanh tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm và các kiến nghị xử lý về kinh tế và công tác quản lý phải có tính khả thi, thuyết phục để đảm bảo hiệu lực thi hành, đồng thời làm cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiểm điểm trách nhiệm về hành chính, kinh tế và công tác quản lý.

Quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ thanh tra và phân công bố trí công chức trực tiếp theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra ngay khi kết luận được ban hành, các tổ chức thanh tra chủ động, kịp thời tham mưu với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục trong các hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc kết luận thanh tra.

Đồng thời, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và thông báo công khai kết quả theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Bùi Bình