Tại Kết luận Thanh tra số 792/KL-TTTP năm 2016 của Thanh tra TP Đà Nẵng về các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng rừng trên bán đảo Sơn Trà, đã chỉ ra: Hiện nay, có đến 68 trường hợp xây dựng trái phép, trong đó có 62 trường hợp xây dựng khoảng từ năm 1997 đến năm 2010 và 6 trường hợp xây dựng sau thời điểm 2010 (trong đó có 24 cơ sở kinh doanh trái phép); đã bị UBND phường Thọ Quang lập biên bản xử lý nhưng chưa chấp hành xong.

Kết luận thanh tra số 1866 năm 2019 của TTCP cũng chỉ rõ một số khuyết điểm, vi phạm: Giao đất, cho thuê đất không đúng quy định, giao cho các đơn vị không có chức năng, thẩm quyền (Công ty Quản lý và Khai thác Đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án Sơn Trà - Điện Ngọc), ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất với chủ đầu tư một số dự án (DA) là vi phạm quy định; giao đất cho cá nhân (chủ đầu tư) là không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền...

UBND quận Sơn Trà thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; nhất là đầu tư xây dựng các công trình trái phép... Theo thẩm quyền, UBND quận tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Sau khi có kết luận thanh tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng chỉ đạo việc phối hợp xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà; Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thường xuyên phối hợp với UBND phường Thọ Quang và các cơ quan có liên quan trên địa bàn làm công tác tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép nói trên.

Căn cứ các quy định thì tất cả những diện tích đất rừng trước đây đã giao cho các tổ chức, cá nhân chỉ được phép duy nhất là trồng rừng, chứ không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác…

Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, qua kiểm tra các vi phạm liên quan đến sử dụng đất nhận khoán trên bán đảo Sơn Trà, cơ quan chức năng đã ghi nhận các vi phạm gồm: Sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích; chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; chuyển nhượng, mua bán đất trái phép; xây dựng công trình phục vụ kinh doanh, du lịch trái phép.

Các trường hợp này đều vi phạm xây dựng nhà, lán trại trái phép, kinh doanh trái phép trên đất được giao khoán để trồng rừng theo các chủ trương của Nhà nước trước đây; ngoài ra, một số hộ không có hồ sơ giao khoán vẫn ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên đất rừng.

Thống kê đến cuối tháng 4/2022, lực lượng chức năng mới chỉ tiến hành tháo dỡ, xử lý 5/68 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên báo đảo Sơn Trà. Như vậy, kết luận của cơ quan thanh tra các cấp vẫn chưa được xử lý theo quy định pháp luật.

Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các hộ vi phạm thường chây ì không chịu tháo dỡ công trình sai phạm…

Ngoài ra, theo dư luận, còn có ý kiến một số trường hợp vi phạm là quan chức nên rất khó khăn trong việc cưỡng chế, tháo dỡ; gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm trên bán đảo Sơn Trà.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng có văn bản về việc xử lý các trường hợp xây dựng quán tạm, lán trại không đúng quy định trên khu vực bán đảo Sơn Trà.

Theo đó, yêu cầu Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và UBND phường Thọ Quang kiểm tra, báo cáo, đề xuất UBND quận Sơn Trà quyết định hủy bỏ các hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp của các ban quản lý rừng trước đây đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, thu hồi toàn bộ diện tích giao khoán xảy ra vi phạm để giao lại Hạt Kiểm lâm liên quận, UBND phường Thọ Quang quản lý theo quy hoạch.

UBND quận Sơn Trà đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng thuộc quận phối hợp nghiên cứu, xử lý trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bán đảo Sơn Trà có diện tích 4.400ha đất rừng đặc dụng, được xem là “viên ngọc quý” tiếp giáp với bờ biển dài cùng hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm và đa dạng; cần bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ Thủ tướng Chính phủ mới có quyền xem xét thay đổi mục đích sử dụng ở những vị trí cho phép trong khu vực.

Do vậy, không thể để các sai phạm kéo dài mà việc xử lý cần được khẩn trương tiến hành và chấn chỉnh ngay việc buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai kéo dài trong thời gian qua ở bán đảo Sơn Trà.

Nguyên Phê