“Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo Thanh tra tỉnh về địa phương nắm bắt tình hình. Cán bộ của Thanh tra tỉnh Hải Dương cũng đã về địa phương nắm tình hình, nhưng chưa thấy có chỉ đạo nào đối với Thanh tra huyện”, ông Ý cho biết.

Theo ông Ý, hiện ông đang trực tiếp làm việc với UBND xã Ninh Hải. Do vụ việc diễn ra từ lâu, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo, nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu mất nhiều thời gian. “Sau khi có kết quả, tôi sẽ trực tiếp báo cáo với Chủ tịch UBND huyện xem xét quyết định”, ông Ý nói.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, một trong 9 hộ dân nằm trong diện giải tỏa cho biết, trong thời gian gần đây, 9 hộ dân với gần 30 con người sống tại khu vực bờ hồ, thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải, không khỏi hoang mang khi liên tục phải nghe loa phát thanh của xã thông báo về việc sẽ giải tỏa nơi họ đang sinh sống. Lý do giải tỏa lại xuất phát từ những quan điểm hết sức khó hiểu của chính lãnh đạo UBND xã Ninh Hải.

“Làm việc với ông Phạm Quang Toan, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, người dân yêu cầu cung cấp những văn bản cụ thể, nhưng ông này không cung cấp, mặt khác vẫn khẳng định sẽ tiến hành xử phạt hành chính, thậm chí "úp mở" sẽ cưỡng chế đất và công trình trên đất”, ông Mạnh nói.  

Ông Nguyễn Văn Hỏa, đại diện cho 9 hộ dân cho biết, các hộ dân ra khu vực này đều từ trước năm 1992, người dựng nhà, người bán hàng quán, nhiều vị trí bị xói mòn sụp xuống hồ, thậm chí nhiều đoạn đường cũng bị thu hẹp bởi đất bị hồ "nuốt" dần, nên người dân đã phải xây kè, lấy đất bù đắp vào. Cuộc sống dần ổn định, từ đó đến nay, UBND xã và các cấp liên quan chưa hề ra nhắc nhở dân hay có biên bản xử phạt, bởi đơn giản đây là đất chúng tôi khai hoang.

“Năm 2018, UBND xã tiến hành làm con đường bê tông quanh hồ, diện tích mặt đường rộng 4m, mỗi bên mở ra 0,5m làm hành lang, người dân chúng tôi đồng tình, hộ dân nào có đất nằm trong diện tích làm đường liền tự nguyện tháo dỡ công trình để việc làm đường được thuận lợi. Mọi chuyện tưởng thế là yên ổn, nhưng không hiểu căn cứ vào lý do gì, vào chỉ đạo nào, mà xã lại đòi giải tỏa, di dời chúng tôi đi nơi khác”, ông Hỏa đặt câu hỏi.

Làm việc với phóng viên, ông Phạm Quang Toan, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải đưa ra 3 lý do để yêu cầu các hộ dân phải di dời đi nơi khác. Thứ nhất, năm 2004, Thanh tra huyện từng có kết luận thanh tra yêu cầu 39 hộ dân sống quanh hồ phải di dời, 30 hộ đã chấp hành, nay chỉ còn 9 hộ dân vẫn tiếp tục sống ở đây. Thứ hai, liên quan đến dự án làm đường bê tông và hành lang giao thông. Thứ ba, xã được Thường trực Huyện ủy cho về đích nông thôn mới, chùa Bồng Lai đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, nên chi bộ, người dân trong thôn có đề nghị phải giải tỏa các hộ dân để lấy cảnh quan ven hồ, thuận tiện cho việc rước kiệu vào ngày lễ hội.

“Đây là chủ trương giải tỏa của xã, các hộ dân có yêu cầu nếu họ phải chuyển đến nơi khác thì xã phải hỗ trợ, bồi thường, nhưng chúng tôi lấy đâu ra tiền, nên vẫn phải vận động các hộ dân, tới đây xã sẽ xử phạt hành chính. Việc giải tỏa được xã báo cáo lên huyện, làm đúng trình tự. Chúng tôi cũng yêu cầu các hộ dân chứng minh nguồn gốc đất, giấy tờ liên quan nhưng họ không có”, ông Toan nói.

 

Khu đất của 9 hộ dân đang sinh sống tại khu vực bờ hồ, thôn Bồng Lai. Ảnh: Trần Quý

 

Khi phóng viên đặt câu hỏi, các hộ dân có nằm trong khu vực di tích lịch sử không? Ông Toan khẳng định họ nằm ngoài khu vực di tích. Đề cập đến dự án làm đường bê tông, ông chủ tịch xã kiên quyết không nói tên đơn vị thi công, trước các câu hỏi của phóng viên, ông này mới miễn cưỡng cho biết đường này do xã làm chủ đầu tư, dài khoảng 700m, tổng khinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Còn dân muốn biết thêm về tim đường hắt ra hai bên ra sao thì lên mạng mà tra cứu!?

Liên quan đến khu đất này, ngày 11/6/2004, Thanh tra huyện Ninh Giang đã có Kết luận số 06/KL-TTr về việc xem xét nội dung đơn tố cáo của ông Lê Văn Thường, thôn Bồng Lai, tố cáo ông Cấm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Bồng Lai.

Kết luận của Thanh tra huyện cho thấy, thời điểm người dân ra sinh sống, làm ăn ở khu vực quanh hồ thuộc thôn Bồng Lai bắt đầu từ năm 1992, nhiều nhất từ 1993 đến 2001. Sau này, 30 hộ dân đã chuyển đi nơi khác, chỉ còn 9 hộ dân vẫn ở lại cho đến thời điểm hiện tại.

Trần Quý