Như Báo Thanh tra đã phản ánh, Thanh tra tỉnh Quảng Nam công bố kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm tại BQLKKTMCL. 

Nổi cộm nhất là việc bán số lượng cát hơn 850.000m3 từ Dự án (DA) phòng, chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ gây thất thoát ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng. Từ đó, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp bên ngoài hưởng lợi lớn thông qua quá trình bán đấu giá cát trắng...

Theo đó, năm 2010, DA này được khởi công do Tập đoàn Xuân Thành làm tổng thầu. Quá trình thi công, có một khối lượng lớn cát dư thừa cần tận thu.

Ngày 15/10/2015, Sở Tài chính Quảng Nam có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị phê duyệt giá khởi điểm bán cát tận thu từ DA trên. Trong đó, chủng loại cát tận thu để tính giá bán là cát san nền, đơn giá sau khi trừ các khoản chi phí do Sở đề xuất là hơn 23.000 đồng/m3.

Ngày 21/10/2015, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 3911/QĐ-UBND phê duyệt giá khởi điểm bán cát tận thu là 23.000 đồng/m3.

Ngày 28/11/2015, Phòng Kế hoạch – Tài chính, BQL DA hạ tầng (thuộc BQLKKTMCL) và Cty Cổ phần (CP) Tập đoàn Thai Group đã làm việc và xác định khối lượng cát dư thừa còn lại phục vụ đấu giá là 857.315m3.

Ngày 6/4/2016, BQLKKTMCL và Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản Quảng Nam ký Hợp đồng số 28/HĐ-BĐG với tổng khối lượng cát tận thu là 857.315m3 và giá khởi điểm hơn 19,7 tỷ đồng; hình thức đấu giá là bán trọn gói, không kiểm đếm khi bàn giao tài sản.

Ngày 6/6/2016, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt kết quả đấu giá tài sản cát tận thu trên. Cty CP Đầu tư Thủy điện Quảng Nam (Tập đoàn Thai Group) trúng đấu giá với giá trị là 19,7 tỷ đồng, chênh lệch với giá khởi điểm chỉ 51 triệu đồng.

Đến ngày 5/9/2016, BQLKKTMCL gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam điều chỉnh kết quả trúng đấu giá vào ngày 6/6/2016 với khối lượng cát tận thu bán đấu giá chỉ còn 645.602m3, giá trị là 14,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, UBND tỉnh vẫn không có quyết định nào điều chỉnh kết quả trúng đấu giá trên.

Dù vậy, nhưng ngày 12/11/2018, BQLKKTMCL có văn bản gửi Cty CP Đầu tư Thủy điện Quảng Nam về việc nộp tiền bán cát tận thu với khối lượng cát chỉ còn 499.609m3, giá trị hơn 11,5 tỷ đồng.

So sánh với kết quả đấu giá ban đầu, sau 2 lần xác định lại khối lượng, khối lượng cát “mất” đi là 357.705m3, tương ứng với số tiền bị “thất thoát” hơn 8,2 tỷ đồng.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, thời điểm xác nhận khối lượng cát này là ngày 28/11/2015, khi đó các gói thầu đã hoàn thành các hạng mục công việc, đã nghiệm thu và ngừng thi công. Đến ngày 27/3/2016, cả 3 gói thầu của DA đã thông xe và 857.315mcát là khối lượng còn lại sau khi đã tận dụng 211.713m3 để đắp nền, vỉa hè. Trong hồ sơ phân khai khối lượng để lập lại dự toán thể hiện việc đắp cát tận dụng đã hoàn thành trước tháng 3/2016.

Kết luận thanh tra khẳng định: "Đây là một vụ việc làm trái quy định rất lớn của các đơn vị có liên quan. Trách nhiệm sai phạm này cần đượckiểm điểm, làm rõ và xử lý một cách nghiêm khắc đối với các cá nhân có sai phạm...”.

Liên quan đến việc bán số lượng cát này, trước khi đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phân loại cát (cát trắng, cát san nền, cát xây dựng...), vì mỗi loại có giá trị khác nhau, nhưng BQLKKTMCL đã không thực hiện phân loại cát cũng như xây dựng phương án giá cụ thể từng loại cát. Từ đó, doanh nghiệp mua đi bán lại hưởng lợi chênh lệnh hàng chục tỷ đồng, còn ngân sách Nhà nước bị thất thu lớn.

Cụ thể, sau khi trúng đấu giá, ngày 9/9/2016, Cty CP Đầu tư Thủy điện Quảng Nam và Cty Kính nổi Chu Lai – INDEVCO ký Hợp đồng số 78/HĐKT/CFG-QN về việc mua bán khối lượng cát. Khối lượng dự kiến đến hết tháng 12/2016 là lớn hơn hoặc bằng 100.000m3 cát, đơn giá 140.000 đồng/tấn (tương ứng 168.000 đồng/m3) và không bao gồm thuế VAT.

Cty CP Đầu tư Thủy điện Quảng Nam cũng bán khoảng 7.000m3 cát cho Cty TNHH Phú Long là cát tận thu, không ghi chủng loại. Đơn giá bán tại bãi là 50.000 đồng/m3. Hiện tại khối lượng cát này đang còn tại bãi, nên xác định được đa số là cát trắng.

Ngoài việc bán cát tận thu cho 2 đơn vị trên, không biết khối lượng cát còn lại Cty CP Đầu tư Thủy điện Quảng Nam bán cho đơn vị nào, với giá bao nhiêu?

Như vậy, việc không xác định rõ chủng loại cát mà chỉ ghi chung chung là cát san lấp khiến UBND tỉnh phê duyệt mức giá 23.000 đồng/m3 là rất thấp; đã gây thiệt hại ngân sách một khoản tiền rất lớn.

Chưa hết, cũng liên quan đến cát trắng, còn thể hiện rất nhiều điểm "kỳ lạ" khác của BQLKKTMCL.

Trong quá trình thực hiện DA, Ban đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh kết cấu nền đường, đào sâu bóc thêm 50cm lớp cát trắng tự nhiên. Sau đó, lại mua đất về đổ đầm lại. Việc thay đổi kết cấu này không có hồ sơ luận chứng kinh tế kỹ thuật, Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam cũng đã khuyến cáo là quá đảm bảo về an toàn và nguy cơ sẽ làm tăng kinh phí DA.

Cuối cùng, sau bóc hết độ dày 50cm cát toàn tuyến và đỗ đất lại đã phát sinh chi phí cho công việc đào, vận chuyển cát đi, vận chuyển đất về đắp số tiền trên là 40 tỷ đồng; không chỉ đội vốn công trình mà khiến dư luận hoài nghi, vì cát trắng có giá trị cao và không biết khối lượng đào bóc lên đã được đổ đi đâu hay đã bán...?

Được biết, trước khi có Kết luận thanh tra, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng Ban và ông Đinh Văn Mãnh, Kế toán trưởng BQLKKTMCL đã xin nghỉ việc vì lý do cá nhân.

Lãnh đạo Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, BQLKKTMCL đã nộp số tiền thất thoát hơn 8,2 tỷ đồng từ “phi vụ” bán cát trắng bị thất thoát vào ngân sách.

Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là cần làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm; không thể nghỉ việc hay chuyển công tác là phủi hết trách nhiệm của mình.

Nguyễn Phê