Qua công tác quản lý, theo dõi các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT trên địa bàn, từ 2018 đến nay TP Hà Nội hiện có 88 đơn vị sử dụng lao động đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành thanh tra, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không chấp hành quyết định xử phạt.

Hành vi này không chỉ “vi phạm chồng vi phạm” mà còn làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của hơn 4.000 lao động. 

Năm 2018, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gồm Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND TP, BHXH TP tiến hành thanh tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH đối với 65 đơn vị sử dụng lao động, tổng số tiền xử phạt là 6,2 tỷ đồng. 

6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, BHXH TP tiến hành thanh tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH đối với 23 đơn vị sử dụng lao động, tổng số tiền xử phạt là 2,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên cho đến hết tháng 6 năm 2019, 88 đơn vị sử dụng lao động nói trên vẫn chưa chấp hành trách nhiệm xử phạt, tiếp tục nợ tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên tới gần 200 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị nợ trong tình trạng kéo dài nhiều năm, số tiền nợ lớn, điển hình như: Công ty Cổ phần LILAMA 3 (số nợ 34 tỷ đồng, số tháng nợ: 73 tháng); Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng 121 Cienco 1 (số nợ 17,9 tỷ đồng, số tháng nợ 91 tháng); Công ty Cổ phần Công trình giao thông 116 (số nợ 16 tỷ đồng, số tháng nợ 104 tháng); Công ty Cổ phần Cơ khí Xây lắp số 7 (số nợ 15,4 tỷ đồng, số tháng nợ 84 tháng)... 

Theo BHXH TP, điều này cho thấy ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT của những chủ sử dụng lao động này chưa nghiêm túc, thậm chí coi thường pháp luật, bản thân nhiều người lao động làm việc trong các đơn vị cũng chưa nhận thức đúng, đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Trần Kiên