Trên nóng, dưới lạnh

Với mục tiêu an dân, hạn chế hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố vượt cấp, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tiến hành xác minh nhiều vụ việc với tiến độ, thời gian đúng quy định pháp luật. Sau đó, trên cơ sở kết luận, báo cáo kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành về phương án giải quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ban hành quyết định giải quyết đúng thẩm quyền, hoặc ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện thị phải giải quyết dứt điểm vụ việc với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản quy định về thẩm quyền, trách nhiệm thi hành án hành chính.

Đây là sự thể hiện cụ thể tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì dân, nhưng điều đáng tiếc là hiện trạng thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thi hành án, gắn với nhiệm vụ tiếp công dân trong một số vụ việc lại cho thấy vẫn còn tâm lý đánh đố công dân, báo cáo không khách quan để cấp trên hiểu sai về bản chất vụ việc, dẫn đến kéo dài, không có điểm dừng.

 Sau gần 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại dự án (DA) đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, thì nhiều cán bộ hưu trí tại phường 2, quận Tân Bình vẫn tiếp khiếu với nội dung cho rằng các sở, ngành, UBND quận Tân Bình đã báo cáo không đầy đủ về nội dung khiếu nại của công dân có nhà đất bị thu hồi.

Đây cũng là sự việc được Thanh tra Chính phủ kết luận rất rõ ràng là nhiều cơ quan chức năng của UBND TP Hồ Chí Minh đã đùn đẩy, né tránh khi người dân khiếu nại về chính sách bồi thường, giải tỏa do hành vi tự ý điều chỉnh hướng tuyến làm nhiều nhà đất của công dân bị thu hồi ngoài dự kiến.

Từ hiện trạng này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý là: UBND TP Hồ Chí Minh cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công bằng giữa các hộ dân, lãnh đạo địa phương cần xin lỗi công dân về thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện tuyến đường. Đến thời điểm này, đã có hai vị lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh trực tiếp xin lỗi công dân bị thu hồi đất, nhưng quyền lợi của các hộ dân bị thu hồi nhà đất vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật.

Năm 2015, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã ký kết luận thanh tra về trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong đó đã làm rõ việc lãnh đạo UBND quận 7 đã không tiếp dân định kỳ, không tiếp dân đột xuất đối với nhiều vụ việc dù đã có văn bản chuyển đơn của nhiều bộ, ngành vì hầu hết thẩm quyền giải quyết các vụ việc này đều thuộc về Chủ tịch UBND quận 7.

Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhiều vị lãnh đạo của UBND quận 7 đã bị xử lý kỷ luật, nhưng hiện tại căn bệnh lười tiếp dân, không đối thoại, không xem xét toàn diện vụ việc để giải quyết dứt điểm tại cấp cơ sở lại tái phát đối với lãnh đạo UBND quận 7 nhiệm kỳ này.

Mạnh tay xử lý cán bộ sai phạm

Một trong nhiều vụ việc làm dư luận nhức nhối tại quận 7 là trách nhiệm thi hành án đã được Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình “đẩy” cho Phó Chủ tịch UBND quận 7 Đào Gia Vượng. Hậu quả là quyền lợi hợp pháp của hộ ông Trần Văn Thân vẫn treo lơ lửng từ năm 2010 đến nay, còn Cty TNHH Vận tải Bình Thuận vẫn điềm nhiên thu lợi nhuận trên diện tích đất gần 1ha tại phường Phú Mỹ, quận 7.

Đây cũng là sự việc mà Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Huỳnh Cách Mạng đã phải xin lỗi gia đình ông Thân về thiếu sót của cấp dưới là lãnh đạo UBND quận 7 khi không tuân thủ pháp luật về thi hành án. Dù vậy, lãnh đạo UBND quận 7 vẫn tìm cách trì hoãn trách nhiệm thi hành án bằng việc yêu cầu người đại diện của ông Thân làm lại thủ tục ủy quyền, ban hành các văn bản có dấu hiệu làm sai lệch vụ việc để xin ý kiến UBND TP Hồ Chí Minh.

Nhưng khi người đại diện của ông Thân đến gặp lãnh đạo UBND quận 7 theo thư mời vào ngày 26/2/2019 thì không găp được người có trách nhiệm để làm rõ các vấn đề pháp lý. Khi tìm hiểu đầy đủ sự việc thì người đại diện của ông Thân mới phát hiện ra nơi địa điểm tiếp công dân của UBND quận 7 không bố trí đúng Luật Tiếp công dân, trình tự, thủ tục cũng không đúng pháp luật.

Nhận định về câu chuyện này, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng cho rằng: Hiện tượng không thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, không tiếp công dân đúng quy định, không ban hành quyết định giải quyết đúng thẩm quyền mà phát hành văn bản trả lời chung chung, đang có xu hướng lây lan ra nhiều địa phương khác ngoài TP Hồ Chí Minh.

Đã có những vụ việc được xem là lịch sử của khiếu nại hành chính như vụ việc của công dân Vũ Huy Hoàng tại quận 2, dù đã có 15 lần Thủ tướng có văn bản chỉ đạo, đã 4 lần Thanh tra Chính phủ có báo cáo kết luận, hàng chục lần họp thống nhất phương án giải quyết… thì kết quả vẫn bằng không.

Sự việc này đã thể hiện thái độ không tuân thủ kỷ cương, kỷ luật hành chính của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh. Các địa phương khác cũng đang học theo cách hành xử này, tạo ra sức ép lên cấp trên khi công dân tiếp khiếu, tiếp tố khi giảm niềm tin vào lãnh đạo cấp cơ sở.

 

Nhiều tồn tại trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại về nhà đất tại quận 2, quận 7, quận Tân Bình cần được xử lý dứt điểm. Ảnh: GT

 

Theo nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng, quy định pháp luật đã đầy đủ, điều quan trọng là phải có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi xem thường kỷ cương, kỷ luận hành chính mà các đại biểu Quốc hội vẫn thường gọi là “lờn luật” đối với một số cán bộ lãnh đạo các quận, huyện.

Ngoài ra, cũng phải có biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh hiện tượng báo cáo láo, cố tình làm sai lệch bản chất các vụ việc khiếu nại, tố cáo khi sử dụng văn bản cũ, tư duy xơ cứng trong giải quyết khiếu nại về nhà đất, trong đó có chính sách bồi thường giải tỏa.

Đó là Thanh tra Chính phủ cần phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tiến hành kiểm tra đột xuất một số vụ việc mà công dân vẫn tiếp khiếu tại quận 2, quận 7, quận Tân Bình, sau đó xử lý nghiêm tất cả sai phạm và chuyển sang cơ quan điều tra nếu phát hiện dấu hiệu làm giả hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kết quả kiểm tra này cũng cần mạnh dạn yêu cầu không sử dụng văn bản nội nghiệp của Hội đồng thẩm định bồi thường TP Hồ Chí Minh vì thời gian qua các quận, huyện đã lợi dụng việc này để giải quyết trái thẩm quyền về chính sách bồi thường giải tỏa do lỗi của cơ quan nhà nước đã làm thay chủ đầu tư khi ban hành quyết định thu hồi đất, cưỡng chế nhà đất cho các dự án ngoài ngân sách, gây ra hàng loạt vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài, các vụ án hành chính không có điểm dừng.

Giáng Thăng