Không ban hành quyết định đình chỉ THA

Tại Kết luận thanh tra số 12/KL-TTR ngày 4/6/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã chỉ ra trong quá trình tổ chức THAcác Bản án số 25/2013/KDTM-PT ngày 30/10/2013 của TAND tỉnh Long An và Bản án số 04/2013/KDTM-ST ngày 16/5/2013 của TAND huyện Thủ Thừa, Cục THA Dân sự (Cục THADS) tỉnh Long An đã có nhiều vi phạm, trong đó có những vi phạm nghiêm trọng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về THA.

Theo đó, Thanh tra Bộ Tư pháp cho biết, ngày 12/4/2016 Ngân hàng Techcombank có Công văn số 0609A/2016/CV-TCB với nội dung “...ngân hàng đồng ý miễn giảm cho Công ty CP Dệt Long An toàn bộ số tiền lãi phạt theo bản án có hiệu lực pháp luật và rút một phần yêu cầu đối với số tiền lãi phạt hơn 34,396 tỷ đồng...”. Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện Cục THADS đã không ban hành quyết định đình chỉ THA đối với khoản tiền lãi phạt hơn 34,396 tỷ đồng nói trên là vi phạm điểm C, Khoản 1, Điều 50 Luật THADS năm 2014... 

Vi phạm trong thẩm định giá tài sản

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 10/6/2014, chấp hành viên (CHV) tiến hành kê biên tài sản tại trụ sở Công ty CP Dệt Long An; công trình và máy móc tại xưởng nhuộm của đơn vị này. Sau đó, CHV đã giao toàn bộ tài sản kê biên cho Công ty CP Dệt Long An trông nom, quản lý.

Trong quá trình thực hiện tiếp các bước tiếp theo để thẩm định giá, do Công ty CP Dệt Long An không hợp tác nên CHV đã báo cáo Tổng Cục THADS và đã được hướng dẫn nghiệp vụ. Ngày 19/7/2016, CHV đã huy động lực lượng, tiến hành cắt khóa cổng của công ty để vào làm việc thẩm định giá, đồng thời ban hành quyết định thay đổi người bảo quản tài sản.

Qua thanh tra, Thanh tra Bộ Tư pháp thấy rằng việc CHV thực hiện việc phá khóa khi không có quyết định cưỡng chế THA để thực hiện việc thẩm định giá là không phù hợp quy định pháp luật.

Việc CHV tiến hành thẩm định giá đối với tài sản đã kê biên là việc làm cần thiết nhưng việc thẩm định giá không phải là biên pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 Luật THADS nên CHV không được áp dụng biện pháp mở khóa, lập các biên bản “mở khóa để cưỡng chế THA thẩm định giá”. Do vậy, việc CHV tiến hành mở khóa của Công ty CP Dệt Long An và xưởng nhuộm là không phù hợp quy định pháp luật. 

Chấp hành viên làm việc thiếu trách nhiệm

Kết luận thanh tra cũng khẳng định: Sau khi phá khóa để thẩm định giá, CHV không thực hiện việc kiểm đếm tài sản đã kê biên là việc làm thiếu trách nhiệm. Các biên bản thẩm định giá của 2 lần thẩm định giá chỉ thể hiện Hội đồng yêu cầu những người không liên quan ra khỏi Công ty CP Dệt Long An và xưởng nhuộm để Hội đồng vào thẩm định giá, không có việc kiểm đếm tài sản hiện trạng trước khi thẩm định giá.

Sau khi thẩm định xong, CHV đã niêm phong các tài sản kê biên và giao Công ty Phát Công Minh bảo vệ. CHV thay đổi người bảo quản tài sản là Công ty Phát Công Minh nhưng không có việc bản giao giữa người bảo quản của Công ty CP Dệt Long An và Công ty Phát Công Minh, số lượng tài sản tại thời điểm kê biên và thời điểm thẩm định giá có biến động hay không đều không được CHV làm rõ.

Thanh tra Bộ đã đối chiếu giữa Biên bản kê biên ngày 10/6/2014 với kết quả thẩm định giá, bán đấu giá tài sản cho thấy: có nhiều tài sản được CHV Nguyễn Văn Minh kê biên năm 2014 nhưng khi CHV Nguyễn Văn Tài thẩm định giá, bán đấu giá thì không có hoặc không đầy đủ số lượng.

Cụ thể tài sản bị thiếu hụt trong 2 quá trình kê biên tài sản và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản gồm có: 9 máy đánh suốt của xưởng dệt, 1 cẩu hàng, 1 máy căng LK, 1 máy làm xốp, 1 máy giặt mini, 1 máy nhuộm cáo áp mini.

Được biết, CHV Nguyễn Văn Tài chính là người đã huy động lực lượng, tiến hành cắt khóa cổng của công ty để vào làm việc thẩm định giá, đồng thời ban hành quyết định thay đổi người bảo quản tài sản... 

Tài sản không bị kê biên cũng đem đấu giá

Tại Kết luận Thanh tra số 12/KL-TTR, Bộ Tư pháp cũng cho biết, bên cạnh việc không kiểm đếm tài sản kê biên dẫn đến bị thất thoát, quá trình bán đấu giá tài sản CHV đã đưa những tài sản không có trong biên bản kê biên, không bị kê biên để bán đấu giá. Việc làm này của CHV vừa vi phạm pháp luật vừa làm thiệt hại cho Công ty CP Dệt Long An.

Những tài sản không bị kê biên mà vẫn được CHV mang đi đấu giá gồm có: kho hóa chất, 2 máy giặt liên tục + phá gãy, 1 máy ủi biên, 1 máy ép nhãn, 1 máy xé vải, 1 máy chải vải, 4 máy khí nén, 14 máy đảo sợi, 1 máy xe sợi, 2 máy mắc, 23 máy bo cổ + dệt vớ, 3 máy sấy khí, 1 lò đốt dầu cùng nhiều tài sản có giá trị khác.

Thanh tra Bộ khẳng định với những vi phạm nói trên, trách nhiệm chính thuộc về Công ty TNHH Dịch vụ Đấu giá tài sản miền Nam không thực hiện việc đối chiếu, kiểm tra tính pháp lý của tài sản đấu giá, tuy nhiên CHV Nguyễn Văn Tài cũng phải chịu trách nhiệm.

Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận: Trong quá trình tổ chức THA, Cục THADS tỉnh Long An đã có nhiều sai phạm. Cụ thể: Không ban hành quyết định đình chỉ THA; áp dụng biện pháp cưỡng chế (cắt khóa) không phù hợp quy định pháp luật; không kiểm kê số lượng, hiện trạng tài sản dẫn đến số lượng tài sản bị kê biên trước đó với số lượng tài sản thẩm định giá sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế có sự thất thoát; đưa những tài sản không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên để bán đấu giá.

Cục THADS đã vi phạm điểm C Khoản 1 Điều 50, Điều 71 Luật THADS năm 2014. Trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc về CHV Nguyễn Văn Tài và những cá nhân có liên quan.

Hiện dư luận đang quan tâm đặt vấn đề là trước những tài sản bị thiếu hụt tài sản, tài sản bị đem bán sai quy định và những sai phạm nêu trên, CHV Nguyễn Văn Tài sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Nguyễn Văn Gấu sẽ chịu trách nhiệm gì trước những sai phạm của CHV Nguyễn Văn Tài? 

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Chu Tuấn