Theo quan điểm của Tiến sỹ Trịnh Văn Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, tại một chuyên đề nghiên cứu liên quan đến vấn đề này: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ. Trong đó có Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Nhưng đã có doanh nghiệp hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung của Chỉ thị 20, thậm chí, có chỗ còn dựa vào sự hiểu biết một chiều để không hợp tác, chống đối đoàn thanh tra.

Đó là trường hợp của Cty TNHH Bảo Minh Ông Lang đang đầu tư Khu nghỉ dưỡng Sea Sense Resort and Spa tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, đã có kiến nghị cho rằng năm 2016 phải đón tiếp 10 đoàn thanh tra, kiểm tra. Khi nhận được kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ để có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.

Nhưng qua kiểm tra các hồ sơ do chính Cty TNHH Bảo Minh Ông Lang cung cấp, đối chiếu cùng quy định của Luật Thanh tra, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, ngày 21/2/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã ký Văn bản số 331/TTCP-KHTCTH, với nội dung khẳng định: Không có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung trong công tác kiểm tra, thanh tra. Tuy nhiên do chưa có sự phối hợp nên số lần kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

 

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã khẳng định không có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung trong công tác kiểm tra, thanh tra tại DA của Cty TNHH Bảo Minh Ông Lang. 

 

Cụ thể, trong năm 2016 đã có các đoàn đến làm việc với Cty TNHH Bảo Minh Ông Lang là: Đoàn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy của Công an tỉnh Kiên Giang, đoàn kiểm tra hoạt động xây dựng theo quy hoạch của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, đoàn kiểm tra về bảo hiểm xã hội của BHXH huyện Phú Quốc, đoàn kiểm tra về lao động người nước ngoài của Phòng Lao động huyện Phú Quốc, đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc chủ trì, đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động du lịch của UBND huyện Phú Quốc, đoàn kiểm tra liên ngành về lao động và bình đẳng giới của UBND huyện Phú Quốc.

Nhìn nhận về câu chuyện này, Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Văn phòng Luật sư Quốc Tuấn cho rằng: Hiện tượng tại doanh nghiệp đang có cuộc thanh tra hành chính hoặc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành như về môi trường, về đất đai, về thuế, về an toàn vệ sinh thực phẩm…), nhưng cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành khác về phòng cháy, chữa cháy, về bảo hiểm, về ngân hàng, về quy hoạch, xây dựng…) cũng có quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất do có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, cơ quan thanh tra chuyên ngành vẫn được tiếp tục thực hiện việc ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra sẽ xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm và xử lý trách nhiệm có liên quan, việc ban hành quyết định thanh tra nhằm đảm bảo nguyên tắc tuân theo pháp luật và tính kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước của ngành, lĩnh vực đó. Việc này của cơ quan thanh tra là thực hiện đúng quy định tại Điều 38 Luật Thanh tra, đúng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chánh thanh tra các cấp của Luật Thanh tra 2010, đúng quy định của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP. Khi đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ đúng nghĩa vụ của đối tượng thanh tra theo quy định pháp luật, nên không thể vì hiểu chưa đúng tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ mà đã gửi văn bản kêu cứu không đúng quy định, với mục đích làm khó thanh tra, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Giáng Thăng