Sai pháp luật

Điểm nóng của hiện tượng này, mà Thanh tra Chính phủ đã làm rõ trong Kết luận thanh tra số 158/KL-TTCP ngày 30/1/2011, là trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh tại thời điểm tháng 12/2007 đã ký hợp đồng BT thực hiện Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, với Cty GS E&C. Đó là Cty GS E&C được giao 5 khu đất có vị trí đắc địa, có tổng diện tích hơn 1 triệu m2, với mục đích khấu trừ chi phí làm đường. 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về nội dung này đã khẳng định việc lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh không đấu giá 5 khu đất, tự định giá đất cho thuê là sai pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 44 triệu USD.

Điều bất thường là dù ngân sách Nhà nước bị thiệt hại, cũng như 3.854 hộ dân phải di dời để lấy đất làm đường nhưng hiệu quả tuyến đường vẫn không như kỳ vọng, không đáp ứng đúng tinh thần Kết luận số 07-KL/TU ngày 31/5/2007 của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh. 

Nhiều năm qua, giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vẫn thường xuyên kẹt cứng và ngập nước, còn công dân phường 2, quận Tân Bình vẫn tiếp khiếu đề nghị lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh phải áp dụng chính sách bồi thường công bằng, cũng như phải xin lỗi nhân dân đúng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Ngoài ra, hậu quả của việc giao khu đất 40.222m2 cho cho Cty GS E&C không qua đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng làm phát sinh khiếu nại của công dân Vũ Huy Hoàng, với 4 lần Thanh tra Chính phủ có báo cáo kết luận, 15 lần Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phải giải quyết đúng pháp luật, nhưng đến thời điểm này kết quả giải quyết vẫn chưa dứt điểm.

 Lý do là nhiều cán bộ lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh như ông Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang, Lê Văn Khoa khi làm việc với Thanh tra Chính phủ đều thống nhất với kết luận thanh tra nhưng sau đó lại ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ là giải quyết riêng trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách đền bù. 

Ngược lại, hàng loạt khu đất có vị trí đắc địa là tài sản Nhà nước vì Khu đô thị mới Thủ Thiêm sử dụng vốn ngân sách để bồi thường, giải tỏa, lại được lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh qua nhiều thời kỳ phóng tay ký giao cho các doanh nghiệp như Cty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII), Tập đoàn Trần Thái… để kinh doanh bất động sản. Điều này cũng được người dân quận 2 nhiều lần chỉ rõ tại các buổi tiếp dân, tiếp xúc cử tri, và đề nghị cần bố trí các khu đất này để người dân được tái định cư tại chỗ, thay vì giao cho các doanh nghiệp.

Quy hoạch đô thị bị phá vỡ khi đất vàng được lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh ưu ái giao cho doanh nghiệp sân sau

Nhận định về câu chuyện này, luật sư Phạm Tấn Thuấn, Văn phòng luật sư Quốc Tuấn cho rằng: Pháp luật đã quy định các trường hợp nhà đất phải đấu giá, cũng như phân định rõ phương thức hợp đồng BT, và mục tiêu đem lại lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là những người dân bị thu hồi nhà đất.

Việc không giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các dự án có diện tích đất thu hồi lớn, có cơ chế thanh toán bằng các khu đất có giá trị cao, là vấn đề cần được Thanh tra Chính phủ làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời. 

Vì kết luận của Thanh tra Chính phủ là kết luận cuối cùng nên lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh là đối tượng thanh tra phải chấp hành, và ý kiến chỉ đạo đến lần thứ 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp công dân Vũ Huy Hoàng, cũng phải được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tuân thủ nghiêm túc, đúng kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Trái thẩm quyền

Ngay từ đầu, trong hợp đồng liên doanh giữa Liên hiệp Khoa học dịch vụ công nghệ và sản xuất (PTC) và Công ty Artkins Hongkong (Cty Artkins) về Dự án cao ốc văn phòng kết hợp thương mại (DA) tại khu đất vàng số 462-464 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3, đã xác định rõ: Nếu phát sinh tranh chấp sẽ được Hội đồng trọng tài kinh tế ngoại thương (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) giải quyết. Quyết định của Hội đồng trọng tài kinh tế ngoại thương là chung thẩm và được PTC, Cty Artkins tuân theo.

Trong khi các bên trong liên doanh đang thương thảo các vấn đề liên quan thì lấy lý do dự án chậm triển khai, ngày 4/01/2005, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 09/QĐ-UB về chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty liên doanh PTC - Artkins. 

Hậu quả của quyết định hành chính trái thẩm quyền này đã dẫn đến Thanh tra TP Hồ Chí Minh phải tiến hành 2 lần thanh tra, tiếp đó Thanh tra Chính phủ cũng 2 lần tiến hành kiểm tra theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau đó Văn phòng Chính phủ cũng có nhiều văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nhưng sự việc vẫn không dứt điểm.

Ngay cả khi Cty Artkins báo cáo xong phương án thực hiện, và được UBND TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ có văn bản đồng ý thì dự án vẫn khó lòng thực hiện, vì PTC vẫn tiếp khiếu đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, còn khu đất vàng vẫn bị 3 doanh nghiệp là Cty Cổ phần Nam Khánh, Cty TNHH Tân Thành, Cty TNHH Tân Thành Mỹ chiếm dụng trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng đất của quận 3 trong nhiều năm qua.

Đến thời điểm này, khu nhà số 1-5 đường Trần Hưng Đạo, quận 1, dù là tài sản của Nhà nước cho Cty Cổ phần chế tạo máy Sinco thuê vẫn chưa rõ là còn hay đã bị biến thành tài sản của 1 tập đoàn khác. Đây là vị trí nhà đất gần sát tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên nên có giá trị cao, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông khi bị sử dụng sai mục đích.

Nhà đất số 1-5 Trần Hưng Đạo bị thuê sai pháp luật

Đối với sự việc này, cá nhân ông Nguyễn Hữu Tín đã vi phạm Luật Thanh tra khi có các ý kiến chỉ đạo kiểu tiền hậu bất nhất. Đó là ngày 7/5/2014, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã có Kết luận thanh tra số 16/KL-TTTP-P7, trong đó kiến nghị thu hồi nhà đất số 1-5 Trần Hưng Đạo. Nhưng sau đó qua nhiều văn bản chỉ đạo, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo kết luận đề nghị không thực hiện kiến nghị của Thanh tra TP Hồ Chí Minh (?).

Dù kiến nghị này là trái thẩm quyền, không đúng Luật Thanh tra, cũng như quy chế làm việc của UBND TP Hồ Chí Minh, nhưng ông Nguyễn Hữu Tín đã có ý kiến chấp thuận. Sau đó, khi Thanh tra Chính phủ có Văn bản số 2792/TTCP-C.III ngày 14/11/2014 thì trong Báo cáo số 150/UBND-PCNC do ông Nguyễn Hữu Tín ký ngày 15/1/2015 vẫn cho rằng phương án xử lý hành vi Cty Cổ phần chế tạo máy Sinco cho tập đoàn khác thuê lại nhà đất là phù hợp pháp luật. 

Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng cho biết: Qua thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh năm 2015, đã phát hiện nhiều quyết định giao đất không qua đấu giá, nhiều văn bản chỉ đạo không đúng thẩm quyền. 

Đây là thực tế cần được nhìn nhận một cách sòng phẳng vì hàng loạt khu đất vàng, nhiều khu nhà xưởng có vị trí sinh lợi cao đã được doanh nghiệp tận dụng mối quan hệ tư bản thân hữu để xin thực hiện dự án kinh doanh bất động sản. Điều này đã ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị, làm giảm diện tích thoát nước, diện tích cây xanh, gia tăng áp lực đô thị cho cộng đồng, còn lợi nhuận thì rơi vào túi riêng.

Thảo Du