Giở lại những trang sử vẻ vang của ngành Thanh tra

Trò chuyện với phóng viên Báo Thanh tra, nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng không giấu được niềm tự hào khi giở lại nhiều trang sử vẻ vang của ngành Thanh tra. Đó là câu chuyện của 30 năm trước nhưng vẫn vẹn nguyên những dấu ấn quan trọng của vị lãnh đạo ngành.

Ông kể, trong những năm đổi mới, Trung ương lựa chọn những người đứng đầu ngành Thanh tra là những người có tư duy đổi mới. Ông Bùi Quang Tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (sau đổi là Thanh tra Nhà nước và nay là Thanh tra Chính phủ) là một tư lệnh ngành điển hình.

Khi về ngành Thanh tra, ông Bùi Quang Tạo đã gần 70 tuổi, là một trong những lão thành cách mạng đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng, từ Trưởng ban Tiêu thổ Kháng chiến tại Vĩnh Yên đến Bí thư khu X, Bí thư Khu ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu Việt Bắc (gồm 17 tỉnh)… rồi đến Bộ trưởng đầu tiên và lâu nhất của Bộ Kiến trúc (4/1958 - 6/1973, nay là Bộ Xây dựng).

Khi đó, đội ngũ cán bộ của ngành được cơ cấu từ nhiều nguồn: Cán bộ có kinh nghiệm của các ban Đảng, ngành, Trung ương, địa phương được điều động về; bộ đội chuyển ngành là những sĩ quan có bản lĩnh, có năng lực, có trình độ; hoặc được đào tạo mới.

Khi được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, ông Bùi Quang Tạo đã tập trung quyết liệt trước hết vào 2 loại việc cấp bách trước mắt và có tính chiến lược, đó là thể chế và công tác cán bộ.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết, có nhiều văn bản, nhưng không thể không nhắc đến Nghị quyết 26 về tăng cường hệ thống tổ chức thanh tra Nhà nước và Chỉ thị 38 của Ban Bí thư. Đây là 2 văn bản quan trọng được xây dựng và tổ chức thực hiện rất kỳ công. Đây cũng chính là nền tảng để sau này xây dựng nên những văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, ví dụ Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Pháp lệnh về phòng, chống tham nhũng…

Việc thứ 2 là tập trung kiện toàn công tác cán bộ của Ủy ban Thanh tra, cũng như quan tâm tới cả hệ thống thanh tra ngành, địa phương. Xây dựng hình ảnh của ngành, nắn nót từng vị trí công việc và chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ còn quan tâm tới công tác quản lý hồ sơ lưu trữ và giữ gìn kỷ luật công tác.

Các cuộc thanh tra, kiểm tra được quan tâm. Chế độ ủy ban duy trì chặt chẽ. Các kết luận thanh tra đều mang ra thảo luận tập thể. Một “bí quyết” trong điều hành công tác của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ dưới nhiệm kỳ của ông Bùi Quang Tạo đó là thuận từ dưới lên, làm chặt chẽ, có tình có lý.

Với rất nhiều câu chuyện hồi ức, nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho rằng, dù đội ngũ lãnh đạo lúc bấy giờ đều trên 60 tuổi nhưng đều có tư duy mới trong công việc.

Giai đoạn này để lại nhiều bài học quý báu cho phát triển ngành Thanh tra. Trong đó, cần phải kể đến tư duy mới về giáo dục và răn đe đối với người mắc sai phạm mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là xử lý làm sao để người mắc sai phạm tâm phục khẩu phục, những người khác nhìn vào thấy sợ mà không dám mắc sai phạm nhưng không ngại đổi mới. Điều quý hơn nữa, theo nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, khi đó, ông Bùi Quang Tạo đã hơn 70 tuổi, ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”.

Có kiến thức nhất định thì hiệu quả công việc mới cao

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng là một trong những người làm trong ngành lâu khi có đến trên 33 năm cống hiến. Thời gian công tác tại Thanh tra Chính phủ, không có việc gì là ông không làm, kể cả những công việc không biên chế như viết bài đăng báo, tạp chí, giảng dạy tại trường. Rồi đến các công việc chuyên môn như giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), nghiên cứu luật, làm công tác đối ngoại hay tham gia thực hiện Dự án (DA) Hợp tác phát triển tăng cường năng lực ngành Thanh tra (Chương trình Poscis)…

Nhiều người từng hỏi: Tham gia hoạt động ở nhiều mảng công việc như vậy, công việc nào là khó nhất? Ông cho rằng, mỗi người sẽ có những nhận định riêng, nhưng riêng đánh giá của bản thân, trong tất cả các lĩnh vực đã tham gia, mảng khó nhất là công tác xây dựng pháp luật.

“Khi nghỉ chế độ, trong một lần về dự họp mặt các cựu chiến binh chuyển ngành về công tác tại các cơ quan khối Trung ương, tôi từng chia sẻ, công việc khiến tôi mất nhiều tư duy, thời gian nhất là liên quan đến công tác xây dựng thể chế pháp luật. Về nhận công tác tại Cơ quan Thanh tra Chính phủ, được phân công công tác tại Vụ Tổ chức, được tham gia tổ nghiên cứu, biên soạn Nghị quyết 26-HĐBT ngày 15/2/1998 về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra và Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư. Cho đến tận bây giờ, dù đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn tham gia vào 2 DA luật của Thanh tra Chính phủ là Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Luật Thanh tra (sửa đổi), nên tổng kết lại đây là một công việc rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian”, nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng kể lại.

Theo nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, để tạo được sự đồng thuận trong nội bộ cũng gặp rất khó khăn. Trong quá trình thực hiện những đạo luật đó, khó nhất phải kể đến là xây dựng Luật PCTN. Ông kể, hồi làm Pháp lệnh về việc chống tham nhũng cũng không khó bằng làm luật sau này, bởi ngay trong nội bộ cơ quan đã có những ý kiến khác nhau. Ở cơ quan thanh tra đã khó, lên Văn phòng Chính phủ còn khó hơn vì còn có nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến cho rằng làm luật như vậy sẽ biến cán bộ, công chức thành "công dân hạng 2", bởi có nhiều từ mới như xung đột lợi ích hay trách nhiệm giải trình…

Tuy nhiên, sau những phân tích, những từ mới dần nghe cũng quen, những điểm mới, ý kiến trái chiều lúc bấy giờ, giờ đây lại thành quan điểm chỉ đạo của Đảng, ví như việc tập trung thu hồi kinh tế có sai phạm, lúc bấy giờ chưa được chấp nhận, giờ đã chấp nhận và đang triển khai thực hiện rất hiệu quả.

Điều khó thứ 2 là trong hoạt động nghiệp vụ thanh tra và giải quyết KNTC, nói mảng nào khó, mảng nào dễ đều không đúng, bởi tùy từng vụ việc, từng cuộc thanh tra, có khi tranh chấp nhau 1 cái ngõ, anh em ruột mà còn xảy ra án mạng. 

Mỗi cuộc thanh tra, cuộc giải quyết KNTC là 1 bài học mới, 1 môn học mới mà ít khi có cái nào giống cái nào. Mỗi cái một kiểu, một phách, cho nên đòi hỏi người cán bộ thanh tra phải có chuyên môn nghiệp vụ, chứ nhiệt tình không thì không đủ. Nói cách khác, nhiệt tình có rồi, phẩm chất đạo đức đương nhiên phải có, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra giải quyết KNTC, ngay cả phòng ngừa tham nhũng càng cần phải có. “Khi có kiến thức nhất định thì hiệu quả công việc mới cao”, nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng khẳng định.

Theo nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, để giải quyết 1 cuộc thanh tra có hiệu quả, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, cần khoanh nội dung thanh tra phù hợp với thời gian luật pháp quy định. Tất nhiên, trong quá trình thanh tra, có những nội dung phát sinh, nhưng xét thấy nếu cần phải làm ngay thì chỉ đạo triển khai, còn không thì bố trí vào thời gian khác bằng một cuộc thanh tra khác, không thể cùng một lúc mà ôm đồm quá nhiều việc. “Các cụ gọi là liệu cơm gắp mắm”, nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng ví von.

Trong câu chuyện về ngành, về nghề, chúng tôi còn được nghe nguyên Phó Tổng Thanh tra kể lại những cuộc thanh tra từng tham gia, để lại nhiều ấn tượng nhất trong ông. Để rồi, mỗi lần nhắc lại, ông lại bồi hồi. Đây cũng là một minh họa thực tế để đưa vào các báo cáo chuyên đề hoặc lồng vào các bài giảng về nghiệp vụ thẩm tra, xác minh mỗi khi giảng tại các lớp thanh tra viên.

Đó là cuộc thanh tra DA phát triển kinh tế xã hội huyện MT. Thời điểm đó, cả nước đã và đang triển khai 2 DA (1 DA cấp tỉnh, 1 DA cấp huyện) để phát triển kinh tế xã hội địa bàn các huyện, tỉnh miền núi phía Bắc. DA trên giấy thì rất chi tiết, rất hoành tráng, nhưng đến khi thực hiện thì hiệu quả không cao, DA không thành công. Cuộc thứ hai liên quan đến vụ việc đóng 4 tầu cao tốc chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan. “Qua 2 cuộc thanh tra này, đội ngũ những người làm công tác thanh tra đã đúc kết ra được nhiều bài học kinh nghiệm hơn, thấy tự tin hơn với nghề và những cuộc thanh tra về sau này”, nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng chia sẻ.

Những nội dung đề cập trong bài viết này chỉ là số ít trong những câu chuyện mà tôi được nghe kể. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ tạo nên một dấu ấn đậm nét của người lãnh đạo luôn tận tâm với nghề, dù ở bất cứ lĩnh vực, vị trí công tác nào hay ở thời điểm nào. Để thấy rằng, trong dựng nước có lập ngành. Và, sức mạnh của ngành khởi nguồn từ từng cán bộ thanh tra giỏi về nghiệp vụ, sáng về đạo đức, vững vàng về bản lĩnh…

Phương Hiếu