Cần tư duy mới cho hiện trạng cũ

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, sau khi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, thực hiện nhiệm vụ được Tổng Thanh tra giao, trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng KN, TC tại 20 tỉnh thành phía Nam, đã cho thấy tâm lý của một số cơ quan địa phương chưa mạnh dạn đề xuất hướng giải quyết phù hợp pháp luật, tôn trọng đặc thù lịch sử biến động nhà đất trên cơ sở xem xét toàn diện nội dung KN của công dân. Lại có những vụ việc, do trình độ chuyên môn của cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nên dẫn đến hệ quả là Chủ tịch UBND các tỉnh, TP đã ban hành các quyết định giải quyết KN không đúng bản chất vụ việc, gây tâm lý bức xúc cho công dân. Khi công dân KN thì lại viện dẫn báo cáo, quyết định cũ để từ chối giải quyết nên dẫn đến hiện tượng tiếp khiếu, có thời điểm rất gay gắt.

Dẫn chứng về vụ việc KN của ông Phạm Ngọc Dũng yêu cầu bồi thường 30.400m2 đất nông nghiệp trong Dự án khu nhà ở và tái định cư tại phường 6, TP Vũng Tàu, dù qua nhiều cấp giải quyết nhưng đến nay chưa dứt điểm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho rằng: Quan điểm của các Bộ, ngành Trung ương với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thống nhất nên Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xem xét. Đối chiếu quy định pháp luật, cùng các văn bản liên quan, kết quả kiểm tra KN, đã cho thấy nếu không thống nhất được quan điểm giải quyết theo tư duy phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ uy tín của cơ quan quản lý các cấp thì vụ việc sẽ tiếp tục kéo dài, còn các Bộ, ngành và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ vẫn tranh cãi về 5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Thực tế này đặt ra yêu cầu lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phải chủ trì làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thống nhất quan điểm xử lý phù hợp, đúng thẩm quyền, để báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Nguyên tắc là tôn trọng các ý kiến, đề xuất của cơ quan chuyên môn nhưng cần chọn lọc các nội dung đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn trong khi làm việc với địa phương. Nếu cần thiết thì tiếp tục xin gia hạn thời gian để làm rõ tất cả những vấn đề còn tồn tại và làm lại báo cáo đầy đủ, đúng diễn biến khách quan của vụ việc này nhằm có hướng giải quyết đúng lý hợp tình. Khi đã thực hiện giải quyết dứt điểm vụ việc cần hệ thống hóa lại cách thức, phương pháp vận dụng pháp luật để làm mẫu cho các vụ việc có nội dung KN tương tự.

Hài hòa cơ chế và thực tiễn

Sau gần 4 tháng cùng Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn tham gia nhiều chuyến đi công tác tại địa phương, Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng cho rằng, phương pháp cùng thống nhất với lãnh đạo các tỉnh, TP về cơ chế giải quyết bảo đảm đồng thuận trong tư duy với mục đích vận dụng tối đa các quy định pháp luật, chính sách hỗ trợ là cơ sở quan trọng để thực hiện dứt điểm quyết định giải quyết KN đúng thẩm quyền, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những kinh nghiệm của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn trong thời gian công tác tại Kiên Giang đã được vận dụng rất hài hòa khi chỉ đạo Cục III về đường hướng xử lý hàng loạt vấn đề trong tiếp công dân, giải quyết KN,TC đúng hướng dẫn của Tổng Thanh tra, đúng chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ tại khu vực phía Nam.

Câu chuyện cần làm gì để hạn chế khoảng cách giữa quy định pháp luật với thực tiễn đa dạng của KN do đặc thù lịch sử biến động nhà đất 20 tỉnh, TP phía Nam, với phong thái điềm tĩnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn khẳng định: Cơ chế chính sách phù hợp là chìa khóa, là kim chỉ nam để giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh do bất cập giữa quy định pháp luật với hiện trạng phức tạp trong tiếp công dân, giải quyết KN, TC của nhân dân. Khi một công dân KN thì việc giải quyết có thể chỉ cần thống nhất với địa phương là có thể dứt điểm. Nhưng khi phát sinh KN đông người, có những dấu hiệu bị kẻ xấu kích động thì phải huy động nhiều nguồn lực, áp dụng hàng loạt cơ chế có liên quan, gắn với vận động, thuyết phục, giải thích, tuyên truyền, định hướng truyền thông phù hợp, trong đó có vai trò chủ công của cán bộ thanh tra.

Nói rõ hơn về nội dung này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho rằng: Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi dự án, đều có những đặc thù riêng trong khuôn khổ quy định pháp luật chung. Thực tiễn là cơ sở kiểm định tính phù hợp của pháp luật, đây là điều cần lưu ý trong giải quyết quyền lợi hợp pháp của công dân khi phát sinh KN. Không thiếu những vụ việc nếu chỉ căn cứ hồ sơ thì không còn hướng giải quyết nhưng nếu vận dụng đúng pháp luật, đúng chủ trương của Đảng, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì lối ra sẽ mở. Đơn cử như KN đông người tại Dự án đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát sinh do cách làm không phù hợp của chủ đầu tư khi diện tích đất thu hồi thuộc địa bàn 2 tỉnh, TP. Khi xác minh làm rõ để thống nhất phương án đền bù giải tỏa phù hợp do UBND tỉnh Bình Dương thực hiện lại đặt ra bài toán kinh phí tăng cao so với dự toán ban đầu. Các cơ quan chức năng lại lúng túng không thống nhất được cách giải quyết dù dự án đã kéo dài hàng chục năm, hiện trạng đất đai loang lổ da beo.

Vận dụng kinh nghiệm sau nhiều năm làm công tác quản lý, đối chiếu với quy định pháp luật, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì làm việc với Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cuối tháng 10/2015, đề xuất giải pháp là địa phương nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách để đóng góp một phần cùng chủ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu tái định cư để người dân bị thu hồi đất có chỗ ở ổn định rồi mới thu hồi các phần đất còn lại. Đây là cách làm phù hợp để giải quyết cơ bản KN đông người tại dự án này thay vì trước đây các cơ quan chức năng chỉ tập trung thu hồi đất rồi ngay lập tức đối diện với hàng loạt đơn thư KN gay gắt, gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương, tiềm ẩn nguy cơ tiếp khiếu đông người.

Ngọc Giang