Sau khi Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhận nhiệm vụ mới một thời gian ngắn, ngành Thanh tra đứng trước một yêu cầu mạnh mẽ tự chỉnh đốn, tự đổi mới theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về Xây dựng Đảng hiện nay”.

Ở cơ quan Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai nghiêm túc, sáng tạo, đạt nhiều kết quả, trở thành việc làm thường xuyên của từng chi bộ, đảng bộ, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên. Nhiều khuyết điểm trong tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong công tác cán bộ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được khắc phục sửa chữa. Đến nay, cơ bản đã tạo sự chuyển biến thực sự; ngăn chặn và từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; khắc phục được nhiều hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình phát huy vài trò của người đứng đầu, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành. Việc triển khai thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, cùng các nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 đã và đang đi vào cuộc sống hàng ngày của cán bộ, đảng viên, ở mỗi đảng bộ, chi bộ, đơn vị, tạo thêm động lực mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và xây dựng Cơ quan, Đảng bộ Thanh tra Chính phủ trong sạch, vững mạnh.

Nhiều người biết khi nhận nhiệm vụ mới ở cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Huỳnh Phong Tranh vừa là 1 trong 3 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy năm 2009 được Ban Chỉ đạo Trung ương vinh danh tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (khi đó, ông là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - PV). Học Bác ở nhiều việc làm thiết thực, ông cũng kiên định học Bác ở quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Ông cũng nhận thức “đạt được danh hiệu đã khó, giữ danh hiệu lại càng khó hơn”.

Và trong nhiều năm liền, vị Tổng tư lệnh ngành Thanh tra vẫn giữ vững danh hiệu cao quý đó, xứng đáng là tấm gương sáng trong toàn ngành. Bản thân ông đặc biệt coi trọng công tác tổ chức, cán bộ. Ông đã thường xuyên chỉ đạo kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cục, vụ, đơn vị; đổi mới công tác rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức thực chất và chính xác hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh (thứ nhất từ phải sang). Ảnh: HH

Việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ, công chức được tiến hành chặt chẽ, công khai, dân chủ. Công tác thi đua khen thưởng được đẩy mạnh. Chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được đảm bảo, đời sống được cải thiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra được chú trọng. Điểm nổi bật là Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo toàn ngành thực hiện Chỉ thị 345 “về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và trở thành hơi thở cuộc sống của toàn thể cán bộ ngành Thanh tra.

Phía sau mỗi con người, mỗi cán bộ là tổ chức, cơ cấu, bộ máy được kiện toàn. Đây cũng là sự phát triển của cả bộ máy của ngành, sự thay đổi về tổ chức và hoạt động của cơ quan Thanh tra Chính phủ. Để nâng cao năng lực hoạt động của ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng đến công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện các quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, chế độ chính sách... Trong đó đặc biệt phải kể đến là thành lập mới Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, Vụ Giám sát và Xử lý sau thanh tra, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp khi triển khai Nghị định 83/2013/NĐ-CP. Tiếp đó là thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương (từ Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư) khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực. Rồi đến Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ miền Trung - Tây Nguyên…

Về tổ chức của Đảng, trong nhiệm kỳ này, với vai trò là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra đã lãnh đạo, chỉ đạo nâng cấp 5 chi bộ lên thành Đảng bộ cơ sở, thành lập mới 4 đảng bộ, chi bộ. Một sự đổi mới về công tác nhân sự, tổ chức phải kể đến đó là triển khai kế hoạch thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Thanh tra Chính phủ...

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh (thứ hai từ phải sang) chủ trì buổi hội đàm với Đoàn Đại biểu cấp cao Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản. Ảnh: Thái Hải

Tôi còn nhớ lời chia sẻ của một đồng chí nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, khó nhất là công tác xây dựng thể chế. Thể chế càng mạch lạc, càng đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng thì việc quản lý Nhà nước càng chặt chẽ, hiệu quả. Bởi vậy, điểm nhấn trong nhiệm kỳ này của Tổng Thanh tra phải kể đến kết quả quan trọng trong xây dựng thể chế. Đây là mặt công tác được người đứng đầu ngành Thanh tra đặc biệt coi trọng, triển khai khá đồng bộ và quyết liệt. Trong 5 năm qua, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 5 dự án Luật, trình Chính phủ ban hành 14 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, trình Thủ tướng Chính phủ 1 quyết định, 2 chỉ thị, 2 đề án, ban hành và phối hợp với bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành 31 Thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra các cấp; xây dựng, trình Chính phủ đề án “Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; đề nghị bổ sung đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong những năm tới sửa toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng và sửa đổi Luật Thanh tra. Đây là những văn bản quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế và bảo đảm cho ngành Thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chức năng, nhiệm vụ được kể đến đầu tiên của ngành Thanh tra chính là công tác thanh tra. Với vai trò là người đứng đầu ngành, ông đã chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các qui trình nghiệp vụ về công tác thanh tra, nâng cao chất lượng giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; chỉ đạo toàn ngành tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm như tài chính, ngân hàng, đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng, giáo dục, y tế, cổ phần hóa, quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước... đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

Trong 5 năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 37.395 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.262 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm trên 208 ngàn tỷ đồng, 303 ngàn ha đất; kiến nghị thu hồi 124.125 tỷ đồng, 19.744 ha đất; ban hành 989.519 quyết định xử phạt vi phạm với số tiền 30.549 tỷ đồng; xử lý khác hơn 60.542 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 6.934 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, 365 đối tượng.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị tại Quảng Ninh ngày 16/5/2014. Ảnh: P.H

Cũng dưới sự điều hành của Tổng Thanh tra, ngành Thanh tra đã quyết liệt triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngành Thanh tra vừa làm tốt vai trò tham mưu vừa trực tiếp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đã tiếp 1.864.724 lượt công dân (21.705 lượt đoàn đông người); tiếp nhận 609.999 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 214.113 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86%; qua đó kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 2.346 tỷ đồng, 1.234 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 3.054 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 187 vụ, 445 người. Điểm nổi bật nhất và thể hiện sự quyết tâm rất cao của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra là xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát và có biện pháp để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đến nay, đã xem xét, giải quyết được 512/528 vụ việc theo Kế hoạch số 1130, đạt tỷ lệ 97%; rà soát 503 vụ việc theo Kế hoạch 2100, trong đó có 254 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý; có 59 vụ việc đã ban hành thông báo chấm dứt việc giải quyết.

Trong những nỗ lực chung của ngành, người dân biết nhiều đến hình ảnh vị Tổng Thanh tra Chính phủ ăn bánh mỳ tiếp dân thông tầm cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi được Tổng Thanh tra trực tiếp tiếp tại địa phương. Nhìn lại, Tổng Thanh tra đã tiếp hàng trăm lượt công dân, trong đó có nhiều đoàn đông người. Không ít cán bộ có chức vụ ở địa phương phải giật mình khi ông truy đến cùng sự mâu thuẫn của một văn bản hành chính đã “hành” dân…

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh và cán bộ ngành Thanh tra động viên công dân tại buổi tiếp dân ở TP Hồ Chí Minh

Một mảng công tác “nóng” cũng đạt nhiều kết quả quan trọng, đó là phòng, chống tham nhũng. Toàn ngành đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có biện pháp đẩy mạnh sự tham gia của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có thể nói, chưa ở nhiệm kỳ nào, việc ký kết hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực hơn như nhiệm kỳ này với hàng chục thỏa thuận song phương và đa phương, được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng tăng 4 bậc so với nhiệm kỳ trước.

Hàng loạt văn bản hướng dẫn quan trọng về phòng, chống tham nhũng đã được xây dựng và Tổng Thanh tra ban hành như Thông tư số 02 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 90 ngày 8/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; Thông tư số 04 ngày 18/9/2014 quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; Thông tư liên tịch số 01 ngày 16/3/2015 quy định khen thưởng các nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng… 5 năm qua, ngành Thanh tra đã phát hiện 441 vụ, 696 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10 ha đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 người. Hoạt động thanh tra luôn gắn với phát hiện và xử lý tham nhũng.

Trong dòng chảy lịch sử, các thế hệ của ngành Thanh tra đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, góp phần tạo nên những trang sử hào hùng cho quốc gia, cho dân tộc. Và, lịch sử ghi tên ông, vị Tổng tư lệnh ngành, cánh chim đầu đàn đưa ngành Thanh tra cán đích 70 năm vàng son…

Đan Quế