1. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng 31/1/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Theo kết quả công bố, Ban Bí thư Trung ương khoá XIII gồm một số Uỷ viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 Uỷ viên Trung ương, trong đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đã miễn nhiệm chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng thời phê chuẩn ông Lê Minh Khái giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

2. Quốc hội khóa XIV phê chuẩn bổ nhiệm ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định làm Tổng Thanh tra Chính phủ.

Cũng tại Kỳ họp thứ 11 ngày 9/4/2021, Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong làm Tổng Thanh tra Chính phủ.

leftcenterrightdel
 

Ngày 15/4/2021, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị bàn giao nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ giữa Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

3. Nhiều cán bộ chủ chốt của Thanh tra Chính phủ được đề bạt, bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng

Ngày 24/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 997/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ I,  Thanh tra Chính phủ, giữ chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Ban Bí thư quyết định điều động, bổ nhiệm ông Đặng Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

leftcenterrightdel
 Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Sỹ Bảy (bìa phải)

Tại Quyết định số 1885/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bổ nhiệm ông Đỗ Đức Toàn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thư ký của ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ giữ chức Trợ lý của ông Lê Minh Khái. Trước đó, tháng 6/2021, ông Đỗ Đức Toàn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Chính phủ được biệt phái về công tác tại Văn phòng Chính phủ, cử làm giúp việc cho Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

4. Thanh tra Chính phủ tổ chức lễ khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình Trụ sở Tiếp công dân Trung ương

Được sự quan tâm của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã đầu tư xây dựng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội, địa chỉ số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông từ năm 2018. Tháng 6/2021, công trình xây dựng đã hoàn thành và được khánh thành đưa vào sử dụng. Trụ sở Tiếp công dân Trung ương là công trình đầu tư đẹp, khang trang, hiện đại, đảm bảo các công năng và phòng chức năng trong việc tiếp công dân.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Tiếp công dân Trung ương là công trình đầu tư rất đẹp, khang trang, hiện đại, đảm bảo các công năng và phòng chức năng trong việc tiếp công dân

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhiều địa phương, bộ, ngành Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước và tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương giảm so với năm 2020 trên cả ba chỉ tiêu: Số lượt người, số vụ việc và số lượt đoàn đông người. Trụ sở đã tiếp thường xuyên 1.692 lượt với 4.429 lượt công dân đến trình bày 1.441 vụ việc; 144 lượt đoàn đông người; xử lý 8.549 đơn.

 5. Thanh tra Chính phủ phát động Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng thu hút sự chú ý sâu rộng của nhân dân

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức phát động Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Ban Tổ chức đã nhận được gần 220 ngàn bài dự thi đến từ 63 tỉnh, thành cũng như các bộ, ngành trên cả nước. Cuộc thi đã thu hút đông đảo người tham gia không chỉ ở đội ngũ cán bộ công chức mà nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó cao tuổi nhất là hơn 91 tuổi, nhỏ tuổi nhất là học sinh THCS. Nhiều bài dự thi sưu tầm công phu các văn bản pháp luật, trình bày cầu kỳ, đẹp và lạ mắt.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Trưởng ban Tổ chức phát động Cuộc thi 

Thanh tra Chính phủ trao tặng 35 giải thưởng gồm: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 20 giải khuyến khích và 9 giải tập thể cho bộ, ngành, địa phương có số người dự thi nhiều nhất; bộ, ngành, địa phương có nhiều bài dự thi đạt giải.

Cuộc thi cho thấy sự thành công trong việc thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021 tại Thanh tra Chính phủ, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng.

6. Chủ động điều chỉnh kế hoạch công tác thanh tra

Cũng trong năm 2021, toàn ngành Thanh tra đã kết thúc cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị y tế, kịp thời chấn chỉnh nhiều vi phạm.

leftcenterrightdel
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra... 

7. Toàn ngành Thanh tra tiếp tục các giải pháp hạn chế sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán thông qua việc ký kết Quy chế Phối hợp với Kiểm toán Nhà nước

 Chiều 22/9/2021, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức lễ ký Quy chế Phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán; phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán…

Quy chế quy định nguyên tắc, nội dung, cơ chế phối hợp giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra; phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán; việc cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm toán; việc sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán; phối hợp trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, kiểm toán...

leftcenterrightdel
 

Theo đó, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo về nội dung và thời gian tại cùng một đơn vị thì KTNN phối hợp với Thanh tra Chính phủ xử lý theo nguyên tắc cơ quan ban hành quyết định thanh tra, quyết định kiểm toán trước thì tiếp tục thực hiện, trừ một trong các trường hợp sau: Thanh tra, kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ sẽ hướng dẫn thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với KTNN trong việc xử lý trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán theo nguyên tắc này.

Chậm nhất vào ngày 30 tháng 9 hằng năm, KTNN và Thanh tra Chính phủ  tổ chức cuộc họp trao đổi ý kiến về dự kiến kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán năm để xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán theo quy định của Luật KTNN và Luật Thanh tra.

8. Tiếp tục xác định các giải pháp trọng tâm trong trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua Quy chế Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương

Chiều 8/12/2021, Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế Phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, cùng với việc thực hiện Quy chế Phối hợp một cách chặt chẽ, kịp thời, nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả, hai cơ quan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, được cả hệ thống chính trị và dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế Phối hợp 

Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính Trung ương tiếp tục ký kết Quy chế Phối hợp để làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong công tác nội chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần “không dừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

9. Thanh tra Chính phủ Việt Nam chuyển giao vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN-PAC

Ngày 30/11/2021, Thanh tra Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị trực tuyến Nhóm Các cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC) lần thứ 17 và chuyển giao vai trò Chủ tịch Nhóm từ Thanh tra Chính phủ Việt Nam sang Cục Chống tham nhũng BruneiDarussalam.

Trong thời gian giữ vai trò Chủ tịch Nhóm (12/2020-11/2021), Thanh tra Chính phủ đã tích cực, chủ động thực hiện các hoạt động theo kế hoạch của Nhóm, đặc biệt là việc đăng cai tổ chức và điều hành thành công các sự kiện của Nhóm, đại diện Nhóm tham dự các sự kiện liên quan của ASEAN và làm việc, trao đổi với các cơ quan, tổ chức đối tác, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác về phòng, chống tham nhũng nói riêng và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nói chung giữa các quốc gia trong khu vực.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm chủ trì hội nghị đầu cầu Thanh tra Chính phủ Việt Nam

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ Việt Nam cũng đã làm việc, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan về Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) để tiếp tục sự hợp tác hiệu quả giữa ASEAN-PAC và UNODC, tập trung vào hoạt động tăng cường năng lực cho Nhóm. Gần đây, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã đại diện cho ASEAN-PAC trong trao đổi với Ban Thư ký ASEAN về đề xuất hợp tác của Cơ quan Chống tội phạm Quốc gia Vương quốc Anh trong năm 2022; thực hiện cơ chế báo cáo lên Ban Thư ký ASEAN về tình hình, kết quả hoạt động của ASEAN-PAC năm 2021.

 10. Công tác thể chế tiếp tục được chú trọng

Thanh tra Chính phủ đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, kế hoạch xây dựng thể chế năm 2021 của Thanh tra Chính phủ, nhất là hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo một số nghị định của Chính phủ. Cụ thể dự thảo các nghị định: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Nghị định của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003.

leftcenterrightdel
Bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Chính phủ, năm 2021, Thanh tra Chính phủ ban hành 7  thông tư quan trọng hướng dẫn về nghiệp vụ

Trong năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 7 thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ gồm: Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra và trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; Thông tư số 02/2021/TT-TTCP quy định về chế độ báo cáo, nội dung báo cáo, hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo, trách nhiệm báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Thông tư số 03/2021/TT-TTCP quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương; Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân; Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; Thông tư số 06/2021/TT-TTCP  quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 07/2021/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đây là những văn bản quan trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho toàn ngành.

Đan Quế