D.A dài khoảng 1,5km; có tổng mức đầu tư theo dự kiến ban đầu là hơn 65,3 tỷ đồng, được lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội (ngân sách Nhà nước). Sau khi điều chỉnh, tổng mức dự toán giảm xuống còn hơn 46 tỷ đồng. D.A được thực hiện nhằm góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long nói chung và đoạn tuyến từ cầu vượt Mễ Trì đến cầu vượt Phú Đô nói riêng.

D.A được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ tháng 10/2018. Thực hiện D.A, đơn vị thi đã công tiến hành xén dải phân cách mở rộng mặt đường thêm 2 làn xe chạy mỗi bên, chiều rộng mặt đường mỗi bên sau khi xén mở rộng khoảng 18,5m (tương đương 5 làn xe).

Đến nay, D.A đang trong quá trình nghiệm thu khối lượng hoàn thành và quyết toán. D.A có tổng số 7 gói thầu với 6 nhà thầu tham gia thực hiện. Kiểm tra, xác minh quá trình thực hiện D.A, đoàn thanh tra phát hiện nhiều vi phạm.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện đầy đủ các bước. Tuy nhiên, khâu thuyết minh báo cáo sử dụng một số tiêu chuẩn chưa phù hợp; khi lập dự toán có khối lượng không phù hợp với khối lượng tính toán từ bản vẽ thiết kế.

Đối với công tác lựa chọn nhà thầu: Dự án gồm 7 gói thầu. Trong đó, 3 gói thầu (1, 4, 5) lựa chọn nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu; còn lại 4 gói thầu (3, 6, 7, 8) là hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Kết luận thanh tra cho biết, việc thực hiện gói thầu số 1 theo hình thức “chỉ định thầu rút gọn” là chưa đúng theo nội dung quyết định của Sở GTVT Hà Nội về việc phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư công trình.

Trong công tác lập, thẩm định, thiết kế bản vẽ thi công, đoàn thanh tra chỉ rõ, việc thiết kế, tính toán một số vật tư chưa đảm bảo tính kinh tế, tiết kiệm. Đặc biệt, công tác lập dự toán có khối lượng không phù hợp với khối lượng tính toán từ bản vẽ thiết kế đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước.

Công tác thi công xây dựng ở gói thầu số 6 có nhiều sai sót, nhật ký thi công xây dựng không có thành phần, mẫu chữ ký của các thành viên; một số nội dung điều chỉnh hiện trường không ghi cụ thể vào nhật ký theo quy định; sử dụng máy tưới nhựa đường không có kiểm định, máy thủy bình đã hết hạn chứng nhận hiệu chuẩn, máy kinh vĩ không có chứng nhận hiệu chuẩn.

Kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy, rãnh hình thang B60 tại một số vị trí mặt cắt ngang chưa đảm bảo kích thước hình học theo hồ sơ thiết kế được duyệt; bề rộng lề đất tại một số vị trí rộng hơn bề rộng thiết kế.

Vi phạm tương tự cũng xảy ra ở gói thầu số 7, kết quả kiểm tra tại hiện trường, đoàn thanh tra chỉ rõ, rãnh hình thang B60 tại một số vị trí mặt cắt ngang chưa đảm bảo kích thước hình học.

Kết luận thanh tra khẳng định, để xảy ra những vi phạm trên trách nhiệm chung thuộc về Ban Duy tu. Ngoài ra, còn có phần trách nhiệm của các đơn vị có liên quan như Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (chịu trách nhiệm công tác tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán); Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Bắc Á (công tác lựa chọn nhà thầu xây dựng)...

Giám đốc Sở GTVT yêu cầu Ban Duy tu tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục, hoàn thiện các nội dung tồn tại. Đồng thời, các nhà thầu thi công xây dựng đảm bảo hồ sơ thiết kế được duyệt theo quy định; báo cáo phương án thực hiện quản lý, sử dụng, thanh lý tài sản thu hồi từ D.A; giảm trừ phần khối lượng không thực hiện khi nghiệm thu, thanh quyết toán...

Giám đốc Sở GTVT cũng đề nghị, chậm nhất đến 15/7/2020, Ban Duy tu phải báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận thanh tra bằng văn bản.

Việc thực hiện sau thanh tra như thế nào, Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin!

Hải Hà