Thanh tra Bộ TTTT ghi nhận VNPT đã chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định số 725/QĐ-TTra ngày 3/10/2019 của Chánh Thanh tra Bộ TTTT. Xây dựng phần mềm đăng ký thông tin thuê bao (SMCS) áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện, bóc tách thông tin trên giấy chứng minh nhân dân (CMND)/thẻ căn cước công dân và so sánh hình ảnh chụp trực tiếp người thực hiện giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung với ảnh CMND/căn cước công dân để đảm bảo tính chính xác của thông tin thuê bao.

Tuy nhiên, VNPT đã cung cấp dịch vụ cho 100 thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, vi phạm Điểm a Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Thanh tra Bộ TTTT chuyển Cục Viễn thông xử phạt vi phạm hành chính đối với VNPT 90.000.000 đồng đối với hành vi này.

Bên cạnh đó, VNPT còn tồn tại trong việc quản lý thuê bao: Các thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bởi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (CCDVVT) uỷ quyền Thế giới Di động không có thông tin “Họ tên nhân viên giao dịch”.

Tình trạng người sử dụng SIM thuê bao không phải là người đã đăng ký thông tin thuê bao phổ biến do điểm CCDVVT sử dụng thông tin của mình, của nhân viên để giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, đăng ký thông tin trước để kích hoạt SIM với số lượng lớn, bán ra thị trường nhưng không thực hiện lại giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung với VNPT.

Còn có tình trạng bản số hóa ảnh người trực tiếp thực hiện giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung không phải là ảnh chụp trực tiếp mà là ảnh được cắt từ ảnh CMND hoặc ảnh khác được cắt ghép.

Thanh tra Bộ TTTT yêu cầu VNPT rà soát cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin thuê bao để phát hiện những trường hợp điểm CCDVVT sử dụng thông tin của mình, của nhân viên, tổ chức, cá nhân khác để đăng ký, kích hoạt số lượng lớn SIM; xác minh mục đích sử dụng SIM đã đăng ký của các chủ điểm CCDVVT để phát hiện những trường hợp đăng ký SIM để bán ra thị trường. Trên cơ sở đó chấm dứt hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các điểm CCDVVT vi phạm. Trước hết xác minh việc sử dụng SIM đã đăng ký của 18 chủ thuê bao còn lại. Danh sách các chủ thuê bao đăng ký số lượng lớn SIM, mục 2.10 của kết luận này để xử lý đối với chủ điểm CCDVVT.

Nhắn tin thông báo cho 6.650 thuê bao của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển di động Nam Sơn và Công ty TNHH Dịch vụ viễn thông Lâm Thiên Ân thực hiện lại việc giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại điểm e khoản 8 Điều 15 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP.

Rà soát CSDL thông tin thuê bao để phát hiện những trường hợp những thuê bao có thông tin không đúng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 15 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP; nhắn tin yêu cầu thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, hai chiều, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo đúng quy định tại điểm e khoản 8 Điều 15 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP đối với các thuê bao có thông tin không đúng.

Yêu cầu điểm CCDVVT ủy quyền là các chuỗi cửa hàng Thế giới Di động cập nhật đầy đủ thông tin của “Họ tên nhân viên giao dịch” đúng quy định tại điểm g khoản 5 Điều 15 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Trường hợp điểm CCDVVT không cập nhật đủ thông tin thuê bao theo quy định thì chấm dứt hợp đồng uỷ quyền theo quy định.

Chấm dứt hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển di động Nam Sơn và Công ty TNHH Dịch vụ viễn thông Lâm Thiên Ân.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ trưởng Bộ TTTT chỉ đạo Cục Viễn thông bổ sung nội dung triển khai ứng dụng AI vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Lý do: Việc triển khai đăng ký thông tin thuê bao bằng phần mềm ứng dụng AI giúp doanh nghiệp có thông tin chính xác hơn, hạn chế thuê bao ảo. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng AI là không bắt buộc, vì vậy các doanh nghiệp viễn thông áp dụng tiêu chí về độ chính xác không thống nhất, dễ tạo sự bất bỉnh đẳng, mong muốn phải có sự công bằng trong triển khai.

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP không quy định hạn chế số lượng SIM, do vậy nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng quy định này để đăng ký số lượng lớn thuê bao sau đó bán ra thị trường. Việc doanh nghiệp mua SIM cho nhân viên sử dụng là vô lý và không có trên thực tế hiện nay trừ trường hợp doanh nghiệp sử dụng SIM dữ liệu để giám sát hành trình. Mặc dù đoàn thanh tra có cả thành viên là công an (Cục An ninh chính trị nội bộ) nhưng cũng không thể yêu cầu các tổ chức, cá nhân đến làm việc nhằm làm rõ các SIM này đang ở đâu. Do vậy, kiến nghị bổ sung quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu 3 SIM/mạng di động, doanh nghiệp sở hữu tối đa 100 SIM/mạng di động.

Mạnh Hùng