Qua thanh tra việc cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đạt thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, Thanh tra Bộ Y tế chỉ rõ, tiêu chuẩn của trưởng đoàn một số đoàn đánh giá có chuyên môn chưa phù hợp với quy định.

Kiểm tra các hồ sơ đánh giá đạt thực hành tốt đối với cơ sở, tại một số hồ sơ có các điểm bất cập. Cụ thể, giấy xác nhận thời gian thực hành tại cơ sở dược hợp pháp trong hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (số 1011/PT- CCHND) không ghi rõ nhiệm vụ được phân công.

Trong biên bản đánh giá nhà thuốc An Bình ngày 27/12/2018 ghi tồn tại: “Cơ sở bố trí ngăn ra lẻ thuốc chưa đảm bảo chống tạp nhiễm”, tuy nhiên mục 2.7 trong danh mục kiểm tra GPP vẫn đánh giá phần “có khu vực riêng để ra lẻ” đạt 1 điểm. Tổng điểm sau khi trừ điểm này vẫn đạt theo yêu cầu.

Danh mục kiểm tra GPP của nhà thuốc Hải Linh mục 2.7 được chấm không có hoạt động pha chế theo đơn, tuy nhiên mục 4.2. cho 1 điểm đánh giá đối với thuốc pha chế theo đơn là không phù hợp. Tổng điểm sau khi trừ điểm này vẫn đạt theo yêu cầu.

Tại biên bản đánh giá cấp giấy chứng nhận GPP của quầy thuốc Duyên Dũng ngày 25/9/2018, đoàn đánh giá chưa ghi cơ sở có điểm đạt là bao nhiêu theo danh mục (trong danh mục cơ sở đạt 88/97 = 90,7%).

Trong kế hoạch lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc trên địa bàn hằng năm, Sở Y tế Phú Thọ phê duyệt chưa cụ thể số lượng mẫu lấy, số lượng mẫu gửi để Trung tâm Kiểm nghiệm Phú Thọ thực hiện.

Ngoài ra, Sở Y tế rà soát chưa đầy đủ báo cáo, đôn đốc, yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm Phú Thọ báo cáo kết quả hoạt động hằng năm về thực hiện kiểm nghiệm bao nhiêu mẫu lấy (sử dụng ngân sách) và thực hiện kiểm nghiệm bao nhiêu mẫu gửi (thực hiện dịch vụ kiểm nghiệm cho các cơ sở) để có cơ sở đánh giá hoạt động kiểm tra chất lượng thuốc trên địa bàn tỉnh.

Kết luận thanh tra cũng cho thấy, trong việc triển khai thông báo của Cục Quản lý Dược về thuốc vi phạm chất lượng phải thu hồi, Sở Y tế có ban hành Công văn 224/SYT-NVD ngày 8/2/2019 yêu cầu các cơ sở tổng hợp thuốc vi phạm chất lượng phải thu hồi, báo cáo Sở Y tế trước ngày 7/3/2019. Tuy nhiên, Sở Y tế chưa đôn đốc các cơ sở thực hiện đầy đủ việc báo cáo thông tin để tổng hợp về thuốc vi phạm chất lượng.

Đối với công tác quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt, khi thừa ủy quyền của Giám đốc Sở Y tế phê duyệt đơn hàng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược đã ký với hình thức thừa lệnh và không ghi rõ chức danh của người ký thừa ủy quyền.

Sở Y tế chưa đôn đốc các cơ sở có kinh doanh, sử dụng thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất lập báo cáo 6 tháng và báo cáo hằng năm về việc xuất, nhập, tồn kho, sử dụng thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sổ theo dõi xuất, nhập, tồn kho của thuốc gây nghiện thực hiện theo dõi tổng kết số lượng xuất ra theo ngày, chưa theo dõi cụ thể theo từng lần xuất thuốc cho các khoa, phòng. Người phụ trách cấp phát thuốc thực hiện chưa đầy đủ theo nguyên tắc thuốc hết hạn xuất trước, hàng nhập trước xuất trước.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, kế hoạch thanh tra của Sở Y tế Phú Thọ chưa bao quát được hết các nội dung quản lý chuyên môn của Sở Y tế. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra chưa tách riêng hoạt động kiểm tra và hoạt động thanh tra.

Kiểm tra hồ sơ đoàn thanh tra theo Quyết định số 1027/QĐ-SYT ngày 11/10/2019: Người ra quyết định thanh tra có ban hành quyết định thành lập tổ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Hồ sơ lưu chưa có báo cáo của tổ giám sát.

Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Phú Thọ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến các tồn tại trong tiếp nhận, thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt “phân phối thuốc” và “cơ sở bán lẻ thuốc”, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; quản lý chất lượng thuốc; quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Tăng cường tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về thuốc phải kiểm soát đặc biệt; các quy định về thực hành tốt bán buôn thuốc, bán lẻ thuốc. Tăng cường hướng dẫn các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn triển khai kho bảo quản thuốc theo nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc GSP.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quy chế chuyên môn dược, tuân thủ các nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt GDP, GPP, thực hiện các quy định về quản lý chất lượng thuốc và thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Thực hiện đúng tiêu chuẩn của trưởng đoàn đánh giá thực hành tốt GDP, GPP theo đúng quy định tại các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Rà soát, khắc phục những tồn tại trong đánh giá cấp giấy chứng nhận thực hành tốt GDP, GPP.

Theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ có văn bản đôn đốc các cơ sở bán buôn, bán lẻ có báo cáo 6 tháng, báo cáo năm về việc xuất, nhập, tồn kho thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất để tổng hợp đầy đủ số liệu báo cáo gửi Cục Quản lý Dược theo quy định.

Phương Anh