Căn cứ kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận kết luận, nhìn chung, Sở Y tế đã quan tâm, chú trọng trong công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh KCB thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng KCB. Đến nay, chất lượng KCB tại các cơ sở KCB ngày càng được nâng lên, đáp ứng kịp thời nhu cầu KCB cho nhân dân tại các địa phương.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý chuyên môn trực tiếp, Sở Y tế đã có nhiều cố gắng, tích cực trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở KCB trong việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, như: Ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện thanh toán quỹ BHYT; tổ chức họp hoặc có văn bản đề nghị các cơ sở KCB chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc thanh toán quỹ BHXH; quan tâm, tích cực chủ trì và phối hợp cơ quan BHXH tỉnh để giải quyết, xử lý những vướng mắc, khó khăn trong việc thanh toán quỹ BHYT tại các cơ sở KCB.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT cũng được Sở Y tế quan tâm triển khai thực hiện. Tính đến 15/9/2019, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện phần mềm VNPT-HIS trong việc thanh toán BHYT.

Công tác kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế triển khai thực hiện hàng năm theo quy định.

Công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và tổ chức đấu thầu thuốc được Sở Y tế quan tâm triển khai thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng KCB tại các cơ sở KCB. Nhìn chung, các gói thầu được Sở Y tế tổ chức thực hiện mua sắm đúng theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.

Trách nhiệm trước hết thuộc về Giám đốc Sở Y tế

Công tác triển khai thanh, kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm soát chỉ định trong hồ sơ bệnh án; kiểm tra quy chế chuyên môn tại các cơ sở KCB chưa được triển khai thường xuyên (chủ yếu thực hiện khi có đơn phản ánh, tố cáo).

Mặc dù, các cơ sở KCB đã được Sở Y tế chấn chỉnh và đề nghị thực hiện nghiêm túc trong việc thanh toán quỹ BHYT trong các cuộc họp, hội nghị chuyên đề; tuy nhiên, tại các cơ sở KCB vẫn còn xảy ra một số sai phạm trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT với số tiền là 9.720.631.734 đồng (trong đó có trách nhiệm này thuộc về các cơ sở KCB).

Các trung tâm y tế huyện thực hiện việc chi trả tiền công khám bệnh BHYT cho các trạm y tế xã trừ 35% do trích nguồn cải cách tiền lương trước khi chi trả tiền công khám bệnh là không đúng quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 3 của Thông tư 67/2017/TT-BTC ngày 30/6/2017; Điểm b, Khoản 3, Điều 3 của Thông tư số 68/2018/TT-BTC ngày 06/8/2018; Điểm b, Khoản 3, Điều 3 của Thông tư số 46/2019/TT-BTC ngày 23/7/2019 của Bộ Tài chính.

Về thực hiện mua vật tư y tế (gói thầu vật tư y tế, hóa chất phòng chống dịch cúm A H5N1 và H7N9 năm 2014) có một số thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện, như: Báo cáo đánh giá của đơn vị tư vấn đấu thầu, báo cáo thẩm định của tổ thẩm định đấu thầu không ghi thời gian cụ thể đánh giá, thẩm định. Trong hợp đồng không quy định điều khoản về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 72, Luật Đấu thầu năm 2013. Không thực hiện thương thảo hợp đồng là chưa đúng quy trình quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014. Chủ đầu tư (Sở Y tế) chưa ký vào biên bản thanh lý hợp đồng. Theo Quyết định số 697/QĐ-SYT ngày 26/6/2015 của Sở Y tế phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất phòng chống dịch cúm A (H5N1 và H7N9) năm 2014 thì thời gian thực hiện hợp đồng là 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Sở Y tế đã ký hợp đồng với nhà thầu vào ngày 30/6/2015 với điều khoản về thời gian thực hiện hợp đồng là 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng (Hợp đồng số 539/HĐKT/DNM-SYTBT). Tuy nhiên, tại hồ sơ lưu trữ thì có 02 thời điểm nghiệm thu, bàn giao (01 biên bản nghiệm thu bàn giao vào ngày 17/7/2015 và 01 biên bản nghiệm thu bàn giao ngày 03/8/2015) với cùng 01 nội dung có đầy đủ chữ ký của các bên. Nếu xác định thời điểm nghiệm thu bàn giao vào ngày 03/8/2015 thì thời gian thực hiện hợp đồng là không phù hợp.

Việc thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế: Không có chữ ký đại diện hợp pháp của chủ đầu tư. Bộ phận thường trực giúp việc của hội đồng tư vấn ghi tại hồ sơ mời thầu là Công ty TNHH xây dựng - Thương mại Bình Minh với địa chỉ kèm theo là không đúng quy định theo Điểm a, Khoản 4, Điều 119, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 (gói mua sắm 02 máy gây mê kèm máy giúp thở trang bị cho Bệnh viện Đa khoa Khu vực phía Nam Bình Thuận và Bệnh viện thị xã La Gi năm 2015; gói thầu mua sắm hệ thống sắc khí lỏng trang bị cho Trung tâm Kiểm nghiệm năm 2014). Chủ đầu tư không đăng tải thông tin kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu năm 2005 (mua sắm hệ thống sắc khí lỏng trang bị cho Trung tâm Kiểm nghiệm năm 2014).

Sở Y tế chưa có biện pháp, chỉ đạo xử lý đối với một số trang thiết bị y tế do Sở Y tế cấp cho các cơ sở KCB từ năm 2014 đến nay, tại một số đơn vị bị hỏng, giấy in hiện tại không còn phù hợp với máy, hoặc không có nhu cầu sử dụng, hoặc có nhu cầu sử dụng nhưng không có bác sĩ chuyên khoa sử dụng.

Nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót, hạn chế nêu trên là do: Người đứng đầu cũng như các thành viên ban lãnh đạo của Sở Y tế chưa thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ chưa nghiên cứu sâu kỹ các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trách nhiệm trước hết thuộc về Giám đốc Sở Y tế; trách nhiệm chính, trực tiếp thuộc về các cán bộ, công chức được giao thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu, Giám đốc Sở Y tế và ban lãnh đạo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành để việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dung quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế được triển khai thực hiện đúng quy định, có hiệu quả hơn, hạn chế thấp nhất thiếu sót, vi phạm.

Giám đốc Sở Y tế tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Giám đốc Sở Y tế tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc và đề ra các biện pháp khắc phục về những tồn tại, thiếu sót, sai phạm nêu trên nhằm tránh lặp lại những thiếu sót, tồn tại, sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế sau này.

Hàng năm, cần có kế hoạch triển khai thanh, kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm soát chỉ định trong hồ sơ bệnh án; kiểm tra quy chế chuyên môn tại các cơ sở KCB để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các cơ sở KCB thực hiện tốt công tác KCB và thanh toán quỹ BHYT đúng quy định, tránh tình trạng lạm dụng quỹ.

Ngoài việc chấn chỉnh, đề nghị các cơ sở KCB thực hiện nghiêm túc việc thanh toán quỹ BHYT, Sở Y tế cần phải tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan đối với chi phí KCB BHYT bị từ chối thanh toán qua giám định; thanh, kiểm tra; kiểm toán…

Chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện nghiêm túc việc chỉ định thuốc, các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm; tổ chức thực hiện đề án liên kết xã hội hoá và thanh toán quỹ BHYT theo đúng quy định pháp luật.

Kiểm tra, rà soát, xử lý việc quản lý, sử dụng tiền công khám bệnh BHYT của các trạm y tế xã theo đúng quy định.

Rà soát tình trạng sử dụng các trang thiết bị do Sở Y tế cấp từ năm 2014 đến tháng 9/2019 tại các các cơ sở để xây dựng kế hoạch và biện pháp, chỉ đạo xử lý đối với các trang thiết bị y tế đã bị hỏng, hoặc không có vật tư thay thế, không phù hợp hợp với máy hoặc không có nhu cầu sử dụng, hoặc có nhu cầu sử dụng nhưng không có bác sĩ chuyên khoa sử dụng.

Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng tham mưu đội ngũ tham gia công tác đấu thầu tại Sở Y tế và các đơn vị, cơ sở y tế trực thuộc.

Tiếp thu và thực hiện đầy đủ nội dung kết luận và kiến nghị của các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra trong thời kỳ thanh tra này (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận và Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII).

Tổ chức khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu đúng quy định theo Điểm a, Khoản 4, Điều 119 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu sau này phải được đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 Luật Đấu thầu năm 2013.

Rút kinh nghiệm vì còn để sai sót trong quá trình lựa chọn nhà thầu như: Chưa điền đầy đủ các thông tin về thời gian đánh giá, thẩm định tại báo cáo đánh giá của đơn vị tư vấn đấu thầu, báo cáo thẩm định của tổ thẩm định đấu thầu; hợp đồng chưa quy định điều khoản về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 72, Luật Đấu thầu năm 2013. Phải thực hiện việc thương thảo hợp đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. Biên bản thanh lý hợp đồng chưa được thông qua chủ đầu tư. Thời điểm nghiệm thu bàn giao chưa phù hợp với thời gian thực hiện hợp đồng quy định tại hợp đồng.

Phối hợp với Viễn thông Bình Thuận (VNPT Bình Thuận) khắc phục hệ thống công nghệ thông tin phần mềm VNPT HIS nhằm sử dụng có hiệu quả hơn trong công KCB và thông báo chi tiết kết quả giám định dữ liệu điện tử đề nghị giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB.

Chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan xin ý kiến của Bộ Y tế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định, chính sách về KCB BHYT đã nêu trên.

CTV Quỳnh Vy