Không quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi

Tại kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hưng Yên, TTCP chỉ ra, UBND tỉnh Hưng Yên chậm sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 372/QĐ-UBND, đã gây khó khăn cho công tác quản lý bến bãi tập kết vật liệu xây dựng hiện nay trên địa bàn tỉnh; chậm sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 1964/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 về phê duyệt khu vực không đấu giá khai thác khoáng sản, đã gây khó khăn cho việc cấp giấy phép, gia hạn cấp giấy phép khai thác cát cho các dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Mặt khác, UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát cho 3 công ty, gồm: Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư và Xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty CP Đầu tư Việt Linh - Hà Nội, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phố Hiến không qua đấu giá, với điều kiện các công ty này chỉ được khai thác cát, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hưng Yên không có biện pháp để quản lý chặt chẽ việc khai thác, tiêu thụ cát của 3 công ty này, dẫn đến các công ty này có thể bán cát cho đối tượng khác mà không bị kiểm tra, xử lý triệt để; vi phạm điều kiện để được cấp phép không qua đấu giá.

TTCP cũng chỉ ra, các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê, đánh giá trữ lượng khoáng sản còn lại sau khai thác hàng năm tại các dự án khai thác cát, dẫn đến khó kiểm soát khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp; việc kiểm soát về khối lượng cát khai thác, tiêu thụ cát tại các dự án khai thác được cấp phép, tại các bến bãi tập kết cát chưa được giám sát chặt chẽ, thường xuyên, tiềm ẩn việc thất thoát nguồn thu thuế, phí liên quan hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng của tỉnh trong kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép còn chưa thường xuyên và chưa kịp thời, nhất là việc đấu tranh, xử lý vi phạm trên tuyến đường thủy vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhiều bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép

Qua thanh tra 7 dự án khai thác cát cho thấy, một số dự án vẫn còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; không xuất trình được đầy đủ báo cáo kết quả quan trắc định kỳ trong quá trình khai thác; chưa thực hiện tốt việc xử lý bụi trong quá trình tập kết cát; không thực hiện các biện pháp chống xói lở bờ sông; ngoài ra, các chủ đầu tư các dự án khai thác cát đã hết hạn giấy phép nhưng đều chưa thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Tại tỉnh Hưng Yên, tính đến năm 2019, có 63 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, bình quân cứ cách 1,45km/1 bến bãi là quá dày, số lượng bến bãi quá nhiều, mật độ quá dày không những gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng mà còn là điều kiện thuận lợi cho việc tập kết, mua bán, kinh doanh cát trái phép của chủ bến bãi. Ngoài ra, hầu hết các bến bãi ở cạnh mép bờ sông nên chủ bến lợi dụng để trực tiếp khai thác cát trái phép.

Chỉ tính riêng tại 46 bãi tập kết cát, sỏi đang hoạt động, có 28/46 bãi không có giấy phép hoạt động bến bãi, có 18/46 bãi tập kết không nằm trong quy hoạch; có 27/46 bãi không có hợp đồng thuê đất; có 10/46 bãi tập kết không có giấy phép bến thủy nội địa; 21/46 bãi tập kết không có cam kết/kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.

Một số địa phương có nhiều bãi tập kết vi phạm không có giấy phép hoạt động, không có hợp đồng thuê đất như: TP Hưng Yên có 8/8 bãi vi phạm, huyện Tiên Lữ có 6/8 bãi vi phạm, huyện Khoái Châu có 7/13 bãi vi phạm, huyện Kim Động có 4/8 bãi vi phạm. Tại các huyện Văn Giang và Khoái Châu để xảy ra việc khai thác cát trái phép, đã được cơ quan công an khởi tố vụ án, xử lý bằng pháp luật hình sự.

Kiểm tra trực tiếp tại 22 bến bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh cho thấy, các bến bãi vi phạm khu vực lưu không hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, vi phạm chứa chất cao hơn so với quy định giấy phép được cấp; một số bến bãi không xây dựng hoặc xây dựng chưa đạt yêu cầu hạng mục theo thiết kế được cấp phép như hệ thống tiêu thoát nước, kè bảo vệ bờ sông, xây mố trụ cầu hoặc đắp đường dẫn từ bờ sông ra vị trí bốc xếp; việc xử lý bụi tại các điểm tập kết cát chưa đạt yêu cầu.

Mặt khác, tại các bến bãi của doanh nghiệp không được cấp phép khai thác đều báo cáo việc thu mua, kinh doanh cát từ nhiều nguồn khác nhau, như thu mua từ các doanh nghiệp kinh doanh cát nhưng không rõ nguồn gốc cát được khai thác có phép hay không có phép; thu mua gom từ các tàu thuyền trôi nổi trên sông trong thời gian dài, chủ bến bãi báo cáo việc mua bán này không có hóa đơn, chứng từ mà chỉ có tích kê, đã gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn việc thất thu thuế tài nguyên…

"Việc vi phạm của các bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên kéo dài từ nhiều năm, qua các thời kỳ. UBND tỉnh Hưng Yên, UBND các huyện, thành phố đã nhiều lần thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, nhưng thiếu kiên quyết, quyết liệt trong chỉ đạo xử lý; chủ bãi tập kết chưa khắc phục triệt để vi phạm"- TTCP chỉ ra.

Kiến nghị công an vào cuộc làm rõ việc khai thác, tiêu thụ cát trái phép

Đặc biệt, kiểm tra 8 dự án khu đô thị, khu công nghiệp, công trình đường giao thông, trong thời gian từ năm 2011-2018, có tổng khối lượng cát đã được sử dụng để san lấp là khoảng 14,5 triệu m3; trong khi đó, tổng khối lượng cát kê khai nộp thuế của toàn bộ 12/12 dự án khai thác cát được cấp phép là 3,449 triệu m3 (tương đương với 23,7% so với nhu cầu cát đã được sử dụng tại 8 dự án).

Theo TTCP, trong danh sách ít nhất 35 doanh nghiệp, cá nhân cung cấp khối lượng cát cho 8 dự án nêu trên, nhưng chỉ có 1 công ty là có giấy phép khai thác cát; các doanh nghiệp, cá nhân còn lại đều không có giấy phép khai thác mà thực hiện việc thu mua từ nhiều doanh nghiệp, thu mua từ các cá nhân, bến bãi khác trong và ngoài tỉnh Hưng Yên.

Ngoài ra, qua xác minh cho thấy còn có khối lượng cát được thu mua, gom trong thời gian dài tại các tàu, thuyền trôi nổi trên sông Hồng (ví dụ: Khối lượng 286.601m3 cát san lấp tại dự án khu nhà ở Lạc Hồng Phúc, do ông Nguyễn Tiến Mạnh cung cấp; 243.550m3 cát tại dự án đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình của Doanh nghiệp TNXD&TM Mạnh Hùng).

“Khối lượng cát này được nhiều công ty, cá nhân tại tỉnh Hưng Yên và một số doanh nghiệp từ các địa phương khác cung cấp, có căn cứ nghi ngờ một phần cát này là cát được khai thác trái phép. Do điều kiện thời gian, TTCP đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên cần có kế hoạch thanh tra việc sử dụng cát tại một số dự án khu đô thị, khu công nghiệp, công trình đường giao thông... để rà soát, chấn chỉnh về vấn đề này” - TTCP đề nghị.

Với những sai phạm nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản (cát) trên địa bàn tỉnh.

Xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư các dự án khai thác cát, chủ các bến bãi tập kết, kinh doanh cát đã được nêu tại kết luận thanh tra này có sai phạm theo quy định pháp luật.

Xử phạt theo thẩm quyền đối với các dự án khai thác cát còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nợ phí bảo vệ môi trường...;

Chỉ đạo Công an tỉnh Hưng Yên xác minh, làm rõ nguồn gốc cát cung cấp tại 8 dự án khu đô thị, khu công nghiệp, công trình đường giao thông; kiểm tra, làm rõ việc khai thác, tiêu thụ cát của 3 công ty được nêu trong kết luận, trường hợp tiêu thụ cát không đúng đối tượng thì xử lý nghiêm theo quy định.

Thái Hải