Theo đó, Bộ Y tế có ban hành danh mục trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của 1 khu vực điều trị cách ly người bệnh Covid 19 không có các loại thiết bị y tế gồm giường cấp cứu đa năng điều khiển điện, máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp, máy rửa và khử khuẩn dụng cụ, máy sấy dụng cụ và tấm kính che mặt.

Theo báo cáo của Sở Y tế, việc trang bị các trang thiết bị y tế, vật tư y tế này là rất cần thiết, đảm bảo việc điều trị cho các bệnh nhân nặng phải thở máy hoặc không tự phục vụ được, cần có giường cấp cứu đa năng để người bệnh có tư thế thích hợp nhất trong việc chăm sóc toàn thân, thực hiện thủ thuật. Máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp, máy rửa và khử khuẩn dụng cụ, máy sấy dụng cụ để phục vụ cho công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn đối với các dụng cụ, vật tư dùng nhiều lần cho người bệnh trong phòng, chống dịch. Do đó, khi tổng hợp đề xuất của các bệnh viện, Sở Y tế đã trình UBND thành phố bổ sung kinh phí mua sắm đối với các loại trang thiết bị y tế và vật tư y tế nêu trên.

Thực tế, có 6 bệnh viện gồm: Thường Tín, Quốc Oai, Mắt Hà Nội, Tâm thần Mỹ Đức, Y học cổ truyền Hà Đông, Y học cổ truyền Hà Nội thực hiện mua 7.940 tấm kính che mặt với tổng số tiền là 374.333.000 đồng, đã sử dụng 622 tấm kính, còn 7.327 tấm kính đang bảo quản trong kho, sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, việc Sở Y tế không tham mưu cho UBND thành phố có văn bản xin ý kiến Bộ Y tế mà trình ngay cho UBND thành phố bổ sung kinh phí mua sắm các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao này là chưa cập nhật đầy đủ nội dung văn bản của Bộ Y tế.

Tại tờ trình của liên sở trình mua sắm các loại vật tư y tế cho khối dự phòng, trong đó có cả các loại vật tư chỉ sử dụng cho khối điều trị như mũ phẫu thuật trùm kín tai, cổ có số lượng là 210.300 cái với số tiền 473 triệu đồng là chưa phù hợp theo hoạt động của từng khối.

Theo báo cáo của Sở Y tế, mũ phẫu thuật không phải chỉ sử dụng trong phẫu thuật, đây là loại mũ trùm kín tóc để ngăn giọt bắn, cần thiết cho các nhân viên y tế đi xác minh, giám sát dịch tễ trong cộng đồng.

Việc phân bổ dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế của Sở Y tế còn chưa tương xứng với chỉ tiêu tiếp nhận, điều trị người bị nhiễm Covid 19 của các bệnh viện theo các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do Sở Y tế ban hành.

Cụ thể, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện đa khoa Đống Đa là bệnh viện tuyến cuối của thành phố được giao nhiệm vụ điều trị người bị nhiễm Covid 19, trong đó Bệnh viện đa khoa Hà Đông được giao tiếp nhận điều trị với cơ số 140 giường bệnh, Bệnh viện đa khoa Đống Đa được giao tiếp nhận điều trị với cơ số 80 giường bệnh nhưng Sở Y tế chỉ giao cho mỗi bệnh viện 1.255.236.000 đồng bằng với kinh phí giao các bệnh viện đa khoa tuyến huyện là các đơn vị chỉ tiếp nhận, không thực hiện việc điều trị trong tình huống 3.

Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện có số phân bổ chỉ tiêu số giường điều trị cách ly là khác nhau (10 giường, 20 giường, 30 giường, 60 giường) nhưng Sở Y tế lại phân bổ kinh phí mua vật tư phòng hộ cá nhân, trang thiết bị tiêu hao bằng nhau là 1.255.236.000 đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Hoàng Long