Kết quả thanh tra việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp do UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới từ ngày 1/7/2004 - 31/12/2020 cho thấy, UBND 18 xã, thị trấn hiện đang quản lý đất lâm nghiệp theo các loại bản đồ quy hoạch 3 loại rừng 2016, bản đồ địa chính 2008, bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 và bản đồ hiện trạng đất năm 2019.

Về hồ sơ quản lý đất lâm nghiệp, các địa phương lưu trữ không đầy đủ theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai 2013, Điều 40 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ và Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Việc sử dụng đất lâm nghiệp của các địa phương, qua thanh tra cho thấy, do từ năm 2004 đến 2007, các địa phương không có hồ sơ, sổ sách, số liệu, bản đồ đất lâm nghiệp để theo dõi, quản lý việc sử dụng đất lâm nghiệp, nên đoàn thanh tra chọn mốc số liệu diện tích đất lâm nghiệp do UBND các xã quản lý theo bản đồ địa chính năm 2008 để làm cơ sở ban đầu để kiểm tra.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp do UBND các xã quản lý sử dụng năm 2008 (theo số liệu bản đồ địa chính năm 2008) là 43.467,83ha; tổng diện tích đất lâm nghiệp do UBND các xã quản lý, sử dụng được cập nhật công khai theo quy định tại Quyết định số 2185/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh là 43.032,34ha (chênh nhau 433,49ha). 

leftcenterrightdel
Mặc dù diện tích đất lâm nghiệp có nhiều biến động, nhưng các địa phương không giải trình được nguyên nhân. Ảnh: TQ 

Qua thanh tra cho thấy, tất các xã, thị trấn đều có biến động về đối tượng quản lý đất lâm nghiệp và biến động về loại đất lâm nghiệp do UBND các xã quản lý sang loại đất khác với số lượng rất lớn, đơn cử:

Tại xã Hồng Vân, sự biến động về đối tượng sử dụng đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý sang đất do các đối tượng khác quản lý với diện tích lên đến 2.504,15ha, biến động về loại đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý sang các loại đất khác với diện tích 91,63ha. Kiểm tra 9 hồ sơ (2 hồ sơ biến động về đối tượng và 7 hồ sơ biến động về loại đất) cho thấy, 9/9 hồ sơ, UBND xã không lấy ý kiến khu dân cư để xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định 4/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại xã Hồng Hạ, sự biến động về đối tượng sử dụng đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý sang đất do các đối tượng khác quản lý với diện tích 427,48ha, biến động về loại đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý sang các loại đất khác với diện tích 80,53ha. Kiểm tra 1 hồ sơ biến động về đối tượng và 8 hồ sơ biến động về loại đất tại xã Hồng Hạ cho thấy, đối với 1 hồ sơ biến động về đối tượng, UBND xã không công khai danh sách các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định. Đối với 8 hồ sơ biến động về loại đất, có 8/8 hồ sơ UBND xã không công bố công khai danh sách các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ theo quy định.

Đáng chú ý, có 1 hồ sơ Phòng TN&MT không ký xác nhận thẩm tra trên đơn xin cấp GCNQSDĐ của hộ dân.

Tại xã Quảng Nhân, sự biến động về đối tượng sử dụng đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý sang đất do các đối tượng khác quản lý với diện tích 174,95ha, biến động về loại đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý sang các loại đất khác với diện tích 9,41ha…

Kết quả kiểm tra thực địa 41 thửa đất do 17 xã, thị trấn là chủ sử dụng đất theo Quyết định số 2185/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh, cho thấy một số diện tích là rừng tự nhiên đã được giao cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ; một số diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp GCNQSDĐ cho người dân từ trước năm 2008; một số diện tích đã bị người dân lấn chiếm hoặc khai hoang và sử dụng từ lâu… nhưng trên hệ thống cập nhật công khai theo quy định tại Quyết định số 2185/QĐ-UBND thể hiện diện tích này là rừng sản xuất hoặc rừng tự nhiên, rừng phòng hộ do UBND các xã, thị trấn quản lý.

Việc thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, kết quả thanh tra cho thấy, từ năm 2004 - 2020, việc thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại các địa phương thực hiện không đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 28/2004/TT- BTNMT ngày 1/11/2004, Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT ngày 2/8/2007 của Bộ TN&MT

Ngoài ra, số liệu thống kê diện tích đất lâm nghiệp do UBND các xã, thị trấn quản lý có nhiều sự biến động tăng, giảm qua một số năm, nhưng các địa phương không có sổ sách theo dõi sự biến động tăng, giảm này và cũng không giải trình được nguyên nhân tăng giảm.

Việc UBND xã Đông Sơn giao đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý cho 10 hộ dân tại thôn Ka Vá (thửa đất số 577, tờ bản đồ số 01, diện tích 18,71ha từ năm 2009 đến nay) là không đúng thẩm quyền được quy định tại khoản 2, Điều 37 Luật Đất đai năm 2003.

Việc xác nhận nguồn gốc, hiện trạng đất đai để cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân, thanh tra chọn ngẫu nhiên 85 hồ sơ, cho thấy 11/85 hồ sơ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai không cung cấp được hồ sơ, do hồ sơ đã bị thất lạc.

leftcenterrightdel
 Biến động về loại đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý sang các loại đất khác với diện tích lớn, nhưng các địa phương không nắm được. Ảnh: TQ  

32/85 hồ sơ UBND các xã không lấy ý kiến khu dân cư để xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

17/85 hồ sơ không có hồ sơ về nghĩa vụ tài chính khi cấp GCNQSDĐ.

63/85 hồ sơ được UBND các xã xác nhận nguồn gốc đất là Nhà nước giao nhưng không có quyết định giao đất của UBND huyện.

2/85 hồ sơ UBND xã không xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất trên đơn xin GCNQSDĐ của các hộ gia đình, cá nhân.

Việc UBND huyện A Lưới giao 30ha đất lâm nghiệp cho ông Tôn Thất Tơ, tọa lại tại thôn Hương Phú, xã Hương Phong theo Quyết định số 423/2001/QĐ-UBND ngày 6/11/2001 cũng có nhiều sai phạm... 

(Kỳ 2: Nhiều tổ chức, cá nhân phải kiểm điểm trách nhiệm)

Trần Quý