Giải quyết thủ tục hành chính chậm

Kết luận chỉ ra, từ ngày 27/10/2015 đến ngày 30/9/2018, Tổng cục Môi trường đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ cấp 274 GXN nhập khẩu phế liệu cho 208 doanh nghiệp với tổng khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu ghi trên các GXN là 50.275.116 tấn. Tuy nhiên, có 90 hồ sơ (năm 2016 có 37 hồ sơ, năm 2017 có 26 hồ sơ, năm 2018 có 27 hồ sơ), Tổng cục Môi trường giải quyết thủ tục hành chính chậm thời gian theo quy định. Trong đó có 2 hồ sơ thời gian chậm trên 100 ngày làm việc; 33 hồ sơ đã được cấp GXN nhưng Tổng cục Môi trường không gửi đầy đủ thông tin về quá trình xử lý hồ sơ cho Văn phòng Một cửa (VPMC) - Bộ TN&MT.

Qua kiểm tra, rà soát 162 hồ sơ cấp GXN cho tổ chức trực tiếp nhập khẩu phế liệu, đoàn thanh tra cũng chỉ ra: 4 hồ sơ đoàn kiểm tra tổ chức trưng cầu đơn vị có chức năng lấy mẫu môi trường nhưng trong hồ sơ không có phiếu kết quả quan trắc, phân tích của đơn vị có chức năng được đoàn kiểm tra trưng cầu lấy mẫu; 8 hồ sơ không có phiếu trình đề nghị lãnh đạo Bộ ký GXN đủ điều kiện nhập khấu phế liệu.

Kiểm tra, rà soát 112 hồ sơ cấp GXN cho tổ chức nhận nhập khẩu ủy thác, Bộ TN&MT cũng chỉ ra, có 29 hồ sơ báo cáo điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu sơ sài, không đủ thông tin theo mẫu quy định; 8 hồ sơ cấp GXN không có phiếu trình đề nghị lãnh đạo Bộ ký GXN cho tổ chức nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu.

Tổng cục Môi trường đã thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức được Bộ cấp GXN. Tuy nhiên nội dung thanh tra việc chấp hành GXN chưa được tổ chức thành chuyên đề riêng nên còn một số vi phạm của doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của Tổng cục Môi trường.

Không có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức được cấp GXN nộp báo cáo định kỳ hàng năm theo quy định hoặc các tổ chức nộp báo cáo nhưng không đầy đủ thông tin theo mẫu quy định; không thực hiện kiểm tra, rà soát để xử lý dẫn đến có 10 tổ chức đã được cấp GXN nhưng không tiến hành việc nhập khẩu phế liệu mà không bị thu hồi GXN theo quy định.

Công tác lưu trữ tại Tổng cục Môi trường không được quan tâm nên các hồ sơ cung cấp cho Đoàn thanh tra không đầy đủ, dẫn đến khó khăn cho công tác thanh tra.

Có 89/274 hồ sơ thiếu nhiều tài liệu, hồ sơ bắt buộc liên quan đến việc cấp GXN như: Quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc các văn bản tương đương; báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ (chỉ có phiếu kết quả); đơn đề nghị cấp GXN của tổ chức; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bản cam kết tái xuất hoặc xứ lý phế liệu trong trường hợp không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; GXN còn hiệu lực của đơn vị ủy thác nhập khẩu; hồ sơ năng lực (giấy phép hành nghề) của đơn vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp…

Chênh lệch thông tin hồ sơ

Đặc biệt, theo số liệu do VPMC cung cấp, tính đến ngày 18/10/2018, còn 100 hồ sơ tồn đọng, chưa có kết quả giải quyết tại Tổng cục Môi trường và có sự sai khác so với thông tin do VPMC cung cấp. Cụ thể: Tổng cục Môi trường thống kê có 24 hồ sơ đề nghị cấp lại GXN, trong khi VPMC thống kê có 21 hồ sơ đề nghị cấp lại GXN. Trong số 21 hồ sơ đề nghị cấp lại GXN của VPMC có 2 hồ sơ Tổng cục Môi trường thống kê đó là hồ sơ cấp mới; 4 hồ sơ có trong danh sách của VPMC nhưng không có trong danh sách của Tổng cục Môi trường cung cấp cho tổ công tác.

Trong số 24 hồ sơ đề nghị cấp lại GXN theo thống kê của Tổng cục Môi trường, có 9 hồ sơ không có trong biểu thống kê của VPMC; 15/21 hồ sơ thời gian xử lý vượt quy định cho phép là không đúng quy định (trong đó có 5 hồ sơ thời gian xử lý trên 100 ngày làm việc, 5 hồ sơ xử lý trên 50 ngày làm việc).

Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường theo dõi, tổng hợp hồ sơ đề nghị cấp mới GXN có sự sai khác so với thông tin do VPMC cung cấp. Cụ thể: Không thống kê số hồ sơ tồn của năm 2016, thống kê năm 2017 có 1 hồ sơ tồn và năm 2018 có 61 hồ sơ tồn, trong khi VPMC thống kê: năm 2016 tồn 3 hồ sơ, năm 2017 tồn 9 hồ sơ và năm 2018 tồn 67 hồ sơ.

Có 10 hồ sơ có trong danh sách của VPMC nhưng không có trong danh sách của Tổng cục Môi trường cung cấp cho tổ công tác.

Trong số 61 hồ sơ đề nghị cấp GXN do Tổng cục Môi trường cung cấp có 3 hồ sơ không có trong danh sách tồn đọng do VPMC cung cấp.

Ngoài ra, kết luận cũng chỉ ra, có 7/62 hồ sơ vượt thời gian ra văn bản trả lời doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ theo quy định; có 21/62 hồ sơ có thời gian xử lý vượt quy định cho phép theo quy định (trong đó có 6 hồ sơ thời gian xử lý trên 100 ngày làm việc, 12 hồ sơ có xử lý trên 50 ngày làm việc); có 3/62 hồ sơ không thể hiện đơn vị thụ lý hồ sơ chuyển văn bản yêu cầu doanh nghiệp khắc phục tồn tại,  hoàn thiện hồ sơ qua VPMC.

Xin lỗi công khai các tổ chức đủ điều kiện 

Bộ TN&MT chỉ đạo Tổng Cục Môi trường tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra các tồn tại; yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục phối hợp và cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến quá trình xử lý hồ sơ cấp GXN cho VPMC của Bộ; tổ chức kiểm tra, rà soát, thu thập hồ sơ do các cán bộ thụ lý đang lưu giữ, không để tài liệu, hồ sơ phân tán hoặc thất lạc, thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật về văn thư lưu trữ.

Tổ chức xin lỗi công khai đối với các tổ chức có thủ tục hành chính cấp GXN đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được Tổng cục Môi trường giải quyết nhưng quá thời gian theo quy định của pháp luật.

Rà soát tồn tại, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; xây dựng quy trình xử lý đối với các hồ sơ cấp GXN để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong quá trình thụ lý hồ sơ.

Chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý, kiểm tra đối với hồ sơ xin cấp GXN, hồ sơ chỉ định cho phép tổ chức được tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu, thông báo lô hàng nhập khẩu và các báo cáo định kỳ của doanh nghiệp gửi về Tổng cục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với việc chấp hành các GXN đã được Bộ cấp.

Bảo Anh