Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tại Thông báo Kết luận thanh tra số 307/TB-TTr ngày 31/5/2021, Thanh tra tỉnh Hà Nam đã nêu rõ nhiều hạn chế, vi phạm của nhiều doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn hộ dân.

Thu tiền lắp đặt cụm đồng hồ của khách hàng không đúng quy định

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam có tổng số 42 dự án cung cấp nước sạch, hiện nay mới chỉ có 25 dự án hoàn thành đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán với tổng giá trị đã được phê duyệt quyết toán là 884.993 triệu đồng; tổng số có 05 dự án chậm tiến độ đầu tư; còn 12 dự án đã hoàn thành vận hành đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành.

Hiện có 01 dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh làm chủ đầu tư, tuy nhiên dự án chậm tiến độ kéo dài, công ty không có khả năng đầu tư thực hiện tiếp dự án.

Kết quả kiểm tra tại 17 đơn vị sản xuất cung cấp nước sạch cho thấy các đơn vị chưa xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước. Một số doanh nghiệp không hạch toán đầy đủ nguồn vốn ngân sách cấp, chưa tính khấu hao xây dựng cơ bản hạch toán giá thành.

Đặc biệt, vấn đề được nhân dân, cử tri tỉnh Hà Nam quan tâm và bức xúc bấy lâu là việc các chủ đầu tư dự án nước sạch thu tiền lắp đặt cụm đồng hồ của khách hàng sử dụng nước.

Qua thanh tra cho thấy, với 10 dự án cấp nước sạch do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dự án cấp nước sạch trong các khu công nghiệp làm chủ đầu tư là khách hàng dùng nước không phải nộp khoản phí này vì trong dự án đầu tư đã bao gồm chi phí lắp đặt cụm đồng hồ đo nước cung cấp cho khách hàng. Đối với nhóm dự án còn lại, trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án không bao gồm chi phí lắp đặt cụm đồng hồ đo nước cho khách hàng, do đó, khi khách hàng có nhu cầu sử dụng nước đều phải nộp một khoản tiền theo yêu cầu của từng doanh nghiệp cung cấp nước để lắp đặt cụm đồng hồ.

Cũng qua kiểm tra 17 đơn vị sản xuất cung cấp nước sạch, Thanh tra tỉnh Hà Nam phát hiện trong khoảng thời gian 2 năm từ 2018 - 2019 có 15/17 đơn vị trong quá trình thực hiện dự án đã thu tiền lắp đặt cụm đồng hồ của khách hàng, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 42, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Nước không “sạch”

Thanh tra tỉnh Hà Nam kiểm tra việc sản xuất, cung cấp  và tiêu thụ nước sạch 2 năm 2018-2019, phát hiện chất lượng nước đầu vào và đầu ra bán cho khách hàng có chất lượng chưa đảm bảo. Cụ thể:

Các công trình nước sạch nông thôn về cơ bản không có phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn để kiểm nghiệm chất lượng nước đầu vào, việc sử dụng hóa chất trong xử lý nước thô sơ, thủ công, đội ngũ cán bộ, nhân viên không có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ.

16/17 đơn vị không thực hiện đúng chế độ nội kiểm về tần suất và chỉ tiêu kiểm nghiệm chất lượng nước theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt.

02/17 đơn vị đã điều chỉnh công nghệ xử lý nước, không đúng với công nghệ được phê duyệt trong dự án.

12/17 đơn vị có chỉ tiêu kiểm nghiệm Pecmanganat không đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Quá trình ngoại kiểm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam chưa thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu kiểm nghiệm theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt, Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế và Văn bản số 1726/UBND-KGVX ngày 19/6/2019 của UBND tỉnh Hà Nam.

Theo Thanh tra tỉnh Hà Nam, qua kiểm tra đa số kết quả xét nghiệm về chất lượng nước chưa đảm bảo theo quy chuẩn quy định; cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn để thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng nước của các đơn vị còn hạn chế, sơ sài không đáp ứng an toàn vệ sinh chất lượng nước. Người dân và cộng đồng chưa được tham gia vào việc quản lý, giám sát các hoạt động cấp nước do các nhà máy cung cấp nước sạch mà mình đang sử dụng.

Kiểm tra nguồn nước đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh nước cho thấy, về cơ bản các đơn vị sử dụng nguồn nước từ các dòng sông bị ô nhiễm, ngoại trừ các đơn vị sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng và nước ngầm.

Yêu cầu trả lại tiền lắp đồng hồ, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân

Qua kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh Hà Nam kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam giao Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo Thông tư 41/2018/TT- BYT; và Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cung cấp nước sạch tần suất ít nhất 02 lần/năm đối với tất các chỉ tiêu theo quy định; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm quy định về chất lượng nước sạch.

Yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch trả lại số tiền lắp đặt cụm đồng hồ của khách hàng do thu không đúng theo quy định.

Thanh ra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm điểm trách nhiệm trong việc chưa thực hiện đúng quy định về ngoại kiểm chất lượng nước sạch; chưa có biện pháp xử lý và kiến nghị xử lý triệt để đối với các tổ chức có vi phạm như: Không thực hiện đầy đủ về tần suất nội kiểm, không thực hiện lưu trữ hồ sơ đầy đủ… theo quy định.

Đối với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiểm điểm trách nhiệm trong việc thẩm định một số dự án không bao gồm chi phí lắp đặt cụm đồng hồ đo nước cho khách hàng theo quy định…

Trần Kiên