Tiết kiệm cho ngân sách gần 200 triệu đồng

Chủ đầu tư Sở TT&TT đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu trong triển khai thực hiện DA như đã ban hành quyết định thành lập ban quản lý (BQL) DA, tổ thẩm định, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện gói thầu của DA theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chủ đầu tư đã quyết toán DA hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo đúng quy định pháp luật; lưu trữ hồ sơ đầy đủ, khoa học.

Qua công tác đấu thầu đã tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước số tiền 183.040.000 đồng.

Về thiết bị mua sắm được các xã thụ hưởng đánh giá cao về chất lượng, phù hợp với nhu cầu thực tế, hiện đại, đồng bộ, phát huy tác dụng và đảm bảo tính bền vững trong hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở, góp phần đưa thông tin đa dạng, đầy đủ nhất về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, của tỉnh và các địa phương.

Quyết toán thừa gần 250 triệu đồng

Bên cạnh các mặt làm được đáng ghi nhận, kết luận cũng chỉ ra nhiều hạn chế, sai phạm, cụ thể:

Các thành viên tổ chuyên gia và tổ thẩm định chưa lập bản cam kết gửi bên mời thầu trước khi tiến hành đánh giá và thẩm định HSDT là chưa đúng theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá HSDT và điểm e, khoản 1 Điều 4 Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT ngày 27/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) được căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu (HSMT). Tuy nhiên HSMT có điểm diễn đạt từ ngữ chưa rõ ràng, HSDT chưa được làm rõ về đơn giá chi tiết khối lượng xây dựng trụ anten, một số thông số kỹ thuật của máy tính xách tay được đề xuất khác HSMT (giải trình của chủ đầu tư về chuyên môn cho rằng các thông số được thay đổi là tương đương và tốt hơn so với yêu cầu của HSMT) nhưng chưa đủ tài liệu chứng minh, cho thấy chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc đánh giá HSDT được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Tại thời điểm thanh tra tháng 10/2020, trong hồ sơ nhà thầu liên danh GIATA-PTCOM chưa cung cấp công bố hợp quy đối với máy tính xách tay theo quy định tại Thông tư số 42/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 và Thông tư số 04/2018/TT-BTTTT ngày 08/05/2018 của Bộ TT&TT thay thế Thông tư số 42/2016/TT-BTTTT (trong hồ sơ có công bố hợp quy card wifi của máy tính xách tay, hiện tại Sở TT&TT đang gửi văn bản Bộ TT&TT hỏi về hợp quy máy tính xách tay hay hợp quy card wifi của máy tính xách tay).

Đơn vị tư vấn thiết kế trụ anten và tư vấn giám sát gói thầu là Công ty TNHH XD An Lạc Mỹ, Công ty Tư vấn XD TM P&T là đơn vị thẩm tra thiết kế dự toán được chủ đầu tư lựa chọn nhưng còn hạn chế về năng lực, có phần chủ quan, lập dự toán chưa phù hợp với BVTK, việc thẩm tra chưa chặt chẽ để còn sai sót; đơn vị tư vấn giám sát còn thiếu trách nhiệm đã xác nhận khối lượng thi công thừa, thiếu so với BVTK và thực tế thi công, dẫn đến quyết toán thừa với tổng giá trị là 233.896.000 đồng, song song đó thì giá trị đã thi công nhưng chưa được quyết toán là 242.528.000 đồng. Như vậy, đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ. Đơn vị thẩm định thực hiện chưa đúng quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 10 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ. Chủ đầu tư và tư vấn giám sát thực hiện chưa đúng quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ.

Trong quá trình ký hợp đồng chủ đầu tư chưa thương thảo về chủng loại của vật liệu để đưa vào trong hợp đồng ký kết (nhãn hiệu loại thép, xi măng, cát, đá, cừ…). Như vậy, chủ đầu tư thực hiện chưa đúng quy định tại điểm a và b, khoản 3 Điều 24 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Đối với nhà thầu liên danh GIATA-PTCOM chưa lập các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, chưa lập bản vẽ hoàn công là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm c, khoản 3 và khoản 12 Điều 25 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.

Đối với đơn vị tư vấn giám sát là Công ty TNHH XD An Lạc Mỹ chưa lập biên bản nghiệm thu công việc xây dựng để chuyển bước thi công tiếp là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.

Ngoài ra, qua thực tế kiểm tra cho thấy các thiết bị được chủ đầu tư Sở TT&TT bàn giao cho các xã để đưa vào khai thác sử dụng, tuy nhiên đa số các xã chưa phản ánh giá trị của thiết bị vào sổ kế toán để theo dõi theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tóm lại, các hạn chế trong việc lập HSMT và đánh giá HSDT là hạn chế về mặt thủ tục, các hạn chế này không phải là điều kiện tiên quyết để nhằm ưu tiên hay loại bỏ một nhà thầu nào. Nguyên nhân của hạn chế xuất phát từ nhận thức và trình độ về lĩnh vực đấu thầu của chủ đầu tư còn chưa đầy đủ. Về hậu quả do các hạn chế trong việc lập HSMT và đánh giá HSDT là chưa có thiệt hại cho Nhà nước và các chủ thể tham gia đấu thầu.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu chủ đầu tư cơ bản chấp hành đúng trình tự, thủ tục đấu thầu, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu là khách quan, công khai, công bằng, chưa phát hiện chủ đầu tư vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu.

Về các hạn chế, sai phạm trong quá trình thi công, nghiệm thu, quyết toán việc xây dựng trụ anten là những hạn chế về mặt thủ tục và sai sót về khối lượng được tính toán trong hồ sơ quyết toán, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, vì nhà thầu đã thi công theo bản vẽ thiết kế.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy trụ anten được xây dựng thẩm mỹ, chắc chắn, an toàn, phù hợp với thiết kế, được các xã đánh giá sử dụng hiệu quả, chưa thấy có sự cố.

Qua thanh tra phát hiện giá trị quyết toán thừa với tổng giá trị là 233.896.000 đồng, song song đó thì giá trị đã thi công nhưng chưa được quyết toán là 242.528.000 đồng.

Nguyên nhân là do dự toán tính khối lượng không đúng theo BVTK (trong đó có khối lượng tính thừa và khối lượng tính thiếu), dẫn đến mời thầu về khối lượng không phù hợp, quá trình thi công, nghiệm thu nhà thầu, tư vấn giám sát không tính toán khối lượng theo thực tế mà sử dụng khối lượng của dự toán để quyết toán, vì vậy dẫn đến những hạn chế sai phạm. Tuy nhiên, chưa phát hiện chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát có hành vi cố ý làm sai hoặc biểu hiện thỏa thuận vì vụ lợi.

Về lỗi để dẫn đến các hạn chế chủ yếu thuộc về các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát được chủ đầu tư lựa chọn, nhưng các đơn vị này tư vấn cho chủ đầu tư chưa đầy đủ về thủ tục và kiểm soát hồ sơ khối lượng hoàn công thiếu chặt chẽ.

Về hậu quả nếu đánh giá khách quan thì giá trị quyết toán thừa và giá trị chưa được quyết toán là gần tương đương nhau, do đó chưa gây thiệt hại đối với ngân sách Nhà nước, nhưng về trách nhiệm thì phải được kiểm điểm làm rõ đối với từng tổ chức, cá nhân để xem xét xử lý theo quy định, nhất là trách nhiệm của các đơn vị tư vấn.

Trịnh Huyền